Hỗ trợ tiền tỷ để giáo sư về dạy cấp THPT: Có thu hút được nhân tài?
(Dân trí) - Giáo viên là GS,PGS ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường THPT Chuyên nếu có cam kết lâu dài sẽ được hỗ trợ 1 tỷ đồng mua nhà. Liệu chính sách này có thu hút được nhân tài?
Vừa qua, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Nghị quyết số 02 về việc "Quy định một số chế độ chính sách đối với Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, 8 trường THCS trọng điểm và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ quản lý, chuyên gia, giáo viên, học sinh tham gia bồi dưỡng, tập huấn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh (đối với THCS), cấp quốc gia, khu vực, quốc tế".
Trong Nghị quyết có nêu rõ: Nếu giáo viên có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư (GS,PGS) hoặc có trình độ Tiến sĩ nếu được tuyển chọn dạy tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh sẽ nhận được hỗ trợ từ 100 - 220 triệu đồng.
Cụ thể, mức hỗ trợ với giáo viên có học hàm Giáo sư là 200 triệu đồng (nam), 220 triệu đồng (nữ). Nếu có học hàm phó giáo sư, giáo viên nam được hỗ trợ 140 triệu đồng, nữ là 160 triệu đồng. Nếu có học vị tiến sĩ, giáo viên nam được hỗ trợ 100 triệu đồng và nữ là 120 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu các thầy cô có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư hoặc trình độ Tiến sĩ ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng (tương đương giá trị 1 căn nhà ở xã hội trên địa bàn TP Bắc Ninh có diện tích khoảng 70 m2).
Với nội dung của Nghị quyết này, có lẽ Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đưa ra chính sách đãi ngộ tốt nhất hiện nay với giáo dục, giáo viên và học sinh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn đặt câu hỏi: Chế độ đãi ngộ như vậy có khả thi không? có thu hút được người tài thực sự về dạy không? Giáo sư, phó giáo sư có phù hợp khi về dạy trường chuyên không?
GS.TS Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đây là một giải pháp hay, mạnh dạn thu hút chất xám, chiêu hiền đãi sĩ nhân tài của tỉnh Bắc Ninh.
Tuy nhiên, GS Đức cho rằng, với đội ngũ trí thức ưu tú, cái quan trọng bên cạnh đãi ngộ là môi trường làm việc phù hợp để họ được cống hiến hết mình. Hơn nữa với những với những người có học hàm GS, PGS thường gắn với môi trường giảng dạy đại học và sau đại học, vì vậy ngay cả với sự đãi ngộ đó cũng không dễ thu hút nhân tài.
Còn PGS.TS Ngô Tứ Thành, trường ĐH Bách khoa Hà Nội phân tích, trước hết, cần phân biệt hai từ khóa: "giảng viên" và "giáo viên".
Giảng viên và giáo viên đều là nhà giáo, đều được xã hội tôn vinh và tôn trọng như nhau, nhưng giáo viên và giảng viên có chức năng nhiệm vụ khác nhau.
Theo luật giáo dục, "giảng viên" là nhà giáo dạy bậc Đại học, Cao đẳng. "Giáo viên" là nhà giáo dạy từ bậc mầm non đến bậc THPT.
Giáo sư, phó giáo sư được xếp ngạch giảng viên cao cấp ở các trường Đại học, có hệ số lương từ 6.2 đến 8.0.
Tuổi trung bình của giáo sư là 55, phó giáo sư là 46, ở tuổi này, hệ số lương thường vượt quá 6,78.
Giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
Giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38;
Giáo viên trung học phổ thông hạng I, mã số V.07.05.13, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Nếu giáo sư, phó giáo sư được tiếp nhận về THPT, họ từ giảng viên chuyển sang giáo viên hạng I và mức trần hệ số lương không được vượt quá 6,78. Nghĩa là giáo sư, phó giáo sư về dạy THPT đến lúc về hưu sẽ không được tăng lương.
Tuổi nghỉ hưu của giáo sư là 70, phó Giáo sư, là 67, nếu dạy ở bậc đại học trước khi nghỉ hưu, hệ số lương thường vượt khung 8.0
Giáo sư, phó giáo sư (nam) về dạy THPT, 62 tuổi về hưu nhận số lương hưu 6,78
Trừ trường hợp đặc biệt, nói chung nếu xét về đãi ngộ, giáo sư, phó giáo sư về làm giáo viên THPT dù được hỗ trợ 1 tỷ làm nhà cũng chịu nhiều thiệt hơn khi là giảng viên Đại học.