Hỗ trợ thiết thực hơn cho thí sinh
Năm nay, hơn 1 triệu thí sinh cả nước dự kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long - đơn vị 14 năm đồng tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi, chia sẻ xung quanh công tác hỗ trợ thí sinh.
Hiện nay chương trình đã nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội, thế nhưng để thí sinh và người nhà thí sinh nhận được sự hỗ trợ, theo ông chúng ta cần phải có những giải pháp nào thêm để thông tin đến thí sinh?
Theo tôi, đối với một số thí sinh ở vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn (không có ti vi để xem, radio để nghe, báo để đọc và máy vi tính để biết thông tin qua mạng) thì quả thật những thí sinh này sẽ gặp thiệt thòi vì không biết thông tin về chương trình.
Mặt khác, trong khi đa số nguồn cung cấp thông tin chủ yếu xuất phát từ các đơn vị tổ chức chương trình thì những kênh tiếp cận thông tin khác gần hơn, trực tiếp hơn như: tổ dân phố/thôn/khóm… còn ít nhiều hạn chế. Ngoài ra, nếu các điểm thi và cơ sở trường học tổ chức thi, khi gửi giấy báo dự thi đến từng thí sinh, có thông báo về chương trình thì sẽ phần nào giúp thí sinh nắm rõ hơn về những hỗ trợ họ nhận được từ chương trình.
Là doanh nghiệp luôn gắn liền với các hoạt động xã hội, đặc biệt là giáo dục, ông có quan tâm đến việc thay đổi kỳ thi?
Chúng tôi rất thường xuyên quan tâm đến định hướng và hoạt động giáo dục. Chính vì sự quan tâm này mà chúng tôi không bị động mỗi khi có những thay đổi nào đó. Cụ thể hơn, năm 2015, khi biết kỳ thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thay đổi thành kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị sẵn các nguồn lực cần thiết nhằm cùng các đơn vị đồng hành khác tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thi sao cho giúp ích được thí sinh nhiều nhất.
Chúng tôi tự đặt mình vào vị trí của thí sinh và phụ huynh để hiểu và nhận diện những khó khăn. Từ đó, những giải pháp thực tế được đưa ra nhằm giúp thí sinh sẽ hợp lý và hiệu quả hơn.
Sẽ rất khập khiễng khi ta so sánh sự khó khăn của một doanh nghiệp với khó khăn của một thí sinh, của một gia đình. Đặc biệt, khi thí sinh đó đang ở vùng sâu, vùng xa… Tuy nhiên, việc một doanh nghiệp chấp nhận đương đầu với khó khăn riêng của mình để có thể giúp giải tỏa khó khăn của hàng ngàn, hàng vạn trên cả nước thì đó là điều nên và đáng phải làm.
Đồng hành cùng Tiếp sức mùa thi ngay từ những ngày đầu chương trình được thực hiện, nếu có một chút so sánh để nhìn lại chặng đường đã qua, ông nhận thấy chương trình ở những năm đầu và năm nay có những điểm nào giống và khác nhau? Ông có nghĩ tại sao không?
Có thể thấy rõ sự khác nhau hằng năm khi chương trình được thực hiện trong suốt 14 năm qua. Đó là ngày càng có sự chung tay của toàn xã hội, sự tham gia của đông đảo thanh niên, sinh viên, của bác xe ôm, cô chủ nhà trọ, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp, đoàn thể, ban ngành... Quy mô của chương trình đã được triển khai theo số lượng tỉnh thành ngày càng nhiều hơn. Về chương trình, phần nội dung ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại sự hỗ trợ gần gũi, thiết thực hơn cho nhiều thí sinh cũng như người nhà thí sinh.
Ở khía cạnh tài chính, cũng có thể nói rằng, ngân sách dành cho chương trình mỗi năm được tăng lên một cách đáng kể, giúp chương trình đạt được nhiều mục tiêu hơn. Và một sự thật mọi người đều nhìn thấy là không khí và sức lan tỏa của chương trình hằng năm đã trở thành mô hình tiếp sức trên toàn quốc, trở thành chương trình trọng điểm, tiêu biểu trong các chương trình tình nguyện của thanh niên Việt Nam.
Điểm giống nhau tuyệt vời không hề thay đổi kể từ ngày đầu làm chương trình cho đến thời điểm hiện nay là tinh thần tương thân, tương ái của người Việt luôn dành cho nhau lúc khó khăn, là sự xem trọng việc học, thi cử, tri thức vốn là truyền thống bao đời của xã hội, của dân tộc chúng ta. Chính tinh thần này, chính truyền thống này đã làm chương trình ngày một hay hơn, hoàn thiện hơn trong khi vẫn giữ được nét đẹp nguyên thủy đáng trân trọng của chương trình ngay từ những ngày đầu khởi xướng.