Hồ sơ ĐKDT tăng đột biến

(Dân trí) - Sáng nay 5/5, hơn 30 Sở GD-ĐT từ Đà Nẵng trở ra đã tiến hành giao nhận hồ sơ cho 117 trường ĐH, CĐ. Tất cả được tiến hành khẩn trương và gọn nhẹ. Theo đánh giá chung thì số lượng hồ sơ năm nay tăng đột biến.

Theo các Sở GD-ĐT thì sở dĩ lượng hồ sơ ĐKDT năm nay tăng mạnh là do có thông tin là sẽ bỏ thi ĐH, CĐ vào năm 2009. Trước thông tin này, xu hướng chủ yếu của thí sinh là chọn trường vừa sức để cố gắng đỗ ĐH, CĐ năm 2008 nhằm tránh gặp những “phiền toái” trong kì thi tuyển sinh năm 2009. Xu hướng này cũng là nguyên nhân dẫn đến số lượng hồ sơ ĐKDT vào khối các trường “top” giữa tăng cao, trong khi đó khối các trường “top” trên có xu hướng “chững” lại hoặc giảm nhẹ.

Ngoài ra số lượng hồ sơ “ảo” năm nay cũng gia tăng. Tính trung bình một thí sinh nộp từ 2 bộ hồ sơ đăng ký dự thi.

Đặc biệt là một số các tỉnh vùng núi phía Bắc có thí sinh nộp đến 7 bộ hồ sơ ĐKDT.

Thí sinh đã biết “khôn ngoan” hơn

Giống như năm 2007, năm nay thí sinh tiếp tục có xu hướng lựa chọn khối các ngành kinh tế. Tuy nhiên thí sinh đã “khôn ngoan” hơn khi biết nhằm vào các trường vừa với sức học của mình.

Theo thông tin từ các Sở GD-ĐT thì trong khi các trường “top” trên như ĐH Ngoại Thương; ĐH Bách Khoa... số lượng hồ sơ ĐKDT có xu hướng giảm nhẹ thì các trường “top” dưới lại tăng mạnh.

Theo cán bộ tuyển sinh của Viện ĐH Mở Hà Nội thì năm 2008 trường nhận được hơn 34.000 hồ sơ ĐKDT tăng gần 15.000 hồ sơ so với năm 2007.
 
Hồ sơ ĐKDT tăng đột biến - 1
Viện ĐH Mở HN phải thuê một taxi cỡ lớn mới chở hết hồ sơ ĐKDT

Hoặc như trường ĐH Hà Nội cũng tăng đột biến. Theo số lượng hồ sơ tiếp nhận thì Sở GD-ĐT Hà Nội bàn giao nhiều nhất với hơn 5.000 bộ. Như vậy chỉ tính riêng thí sinh ở Hà Nội đăng ký dự thi vào trường cũng đã gần bằng tổng số lượng hồ sơ của trường năm 2007…

Một điều đặc biệt về ĐKDT thi nhờ năm nay đó là thí sinh chỉ mượn trường thi nhờ là các trường top dưới.

Giải thích về điều này, bà Tạ Song Hà, Trưởng phòng giáo dục phổ thông - Sở GD-ĐT Hà Nội nhận định: “Tâm lý trong thi cử là rất quan trọng. Do đó xu hướng năm nay các em chọn trường thi nhờ cũng vừa với sức học của mình để tạo cảm giác thoải mái khi làm bài”.

Sư phạm “bớt nóng”

Theo nhận xét của các Sở GD-ĐT các tỉnh miền núi phía Bắc, thì số lượng thí sinh ĐKDT vào khối các trường Sư phạm năm nay có xu hướng chững lại.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thí sinh “đắn đo” hơn khi ĐKDT vào khối các trường Sư phạm là do nghề giáo viên đang có xu hướng bão hòa.

Tuy nhiên qua quan sát của Dân trí thì mặc dù số lượng hồ sơ ĐKDT vào khối các trường sư phạm có xu hướng chững lại nhưng đối với những trường đào tạo có chất lượng vẫn hút được một lượng hồ sơ khả dĩ.

Chẳng hạn như trường ĐH Sư phạm Hà Nội vẫn nhận được gần 24.000 hồ sơ ĐKDT, tăng hơn 4.000 so với năm 2007 hoặc trường CĐ Sư phạm Trung ương vẫn nhận được số lượng hồ sơ tương đương so với năm ngoái...

Khối các ngành kinh tế tiếp tục lên ngôi

Theo thông tin từ các Sở GD-ĐT thì năm nay khối các ngành Kinh tế được thí sinh đặc biệt qua tâm.
 

Năm nay tỉnh có số thí sinh ĐKDT đông nhất vẫn tập trung vào các địa phương  có truyền thống như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tây, Hà Nội...

 

Khác với năm 2007 là một số tỉnh này có số lượng hồ sơ ĐKDT giảm thì năm nay số lượng hồ sơ đều tăng, có nơi tăng mạnh.

 

Nghệ An có 103.638 hồ sơ ĐKDT tăng 5.000; Hà Nội 105.605 hồ sơ tăng gần 2 vạn hồ sơ...

Hầu hết các Sở GD-ĐT đều tiếp nhận một lượng hồ sơ lớn đăng ký dự thi vào khối các trường kinh tế. Tuy nhiên năm nay thí sinh biết trải đều hồ sơ vào các trường có đào tạo các ngành này chứ không tập trung như trước đây.

Chính điều này đã tạo ra cảm giác “bớt nóng” đối với khối các trường kinh tế.

Theo ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trường Vụ ĐH và SĐH thì nguyên nhân dẫn đến xu hướng trên là do các em đã được tư vấn khá kỹ càng về việc chọn trường, chọn ngành... Đây cũng là xu hướng tốt vì nó sẽ tạo ra một mặt bằng tuyển sinh trải đều và chắc chắn chất lượng đầu vào các trường sẽ được cải thiện đáng kể.

Thí sinh thực sự thích chọn “ao làng”

Thí sinh tỉnh Thái Nguyên lựa chọn các trường ĐH của Thái Nguyên nhiều nhất. Thí sinh tỉnh Phú Thọ, chọn thi nhiều nhất vào ĐH Hùng Vương. Thí sinh Đà Nẵng, chọn nhiều nhất vào ĐH Đà Nẵng, sau đó mới đến ĐH Huế, ĐH Quốc gia TPHCM và các trường ĐH khác...

Ngay cả những tỉnh không có trường ĐH thì thí sinh vẫn thích chọn vào các trường CĐ của tỉnh mình như tỉnh Vĩnh Phúc, lựa chọn thi hàng đầu của thí sinh tỉnh này là vào trường CĐ Sư phạm Vĩnh Phúc...

Các trường CĐ “bấp bênh”

Theo nhận định của các Sở thì số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào CĐ năm nay giảm so với năm 2007. Nguyên nhân là do nhiều trường CĐ có chất lượng đã chuyển lên thành trường ĐH, còn các trường CĐ top dưới vẫn chưa thực sự hút được thí sinh.

Tuy nhiên theo quan sát thì một số trường CĐ có tổ chức thi vẫn được thí sinh đặc biệt quan tâm như CĐ giao thông Vận tải; CĐ Công nghiệp Nam Định.

Ngày mai, 6/5, khu vựa phía Nam sẽ tiếp tục công việc này. Các số liệu tổng hợp về toàn cảnh hồ sơ dự thi ĐH, CĐ của thí sinh năm nay sẽ được chuyển về Vụ ĐH và SĐH vào chiều mai.
 

Dở khóc, dở cười với cẩm nang tuyển sinh

 

Trong số các trường đến nhận hồ sơ ĐKDT thì có trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.

 

Trong khi quyển cẩm nang tuyển sinh ghi một đằng thì thí sinh, thậm chí cả cán bộ thu hồ sơ lại hiểu một nẻo.

 

Giải thích về sự thiếu sót không đáng có này, nhân viên bàn giao hồ sơ của các Sở cho biết: Trong cẩm nang tuyển sinh đã ghi không rõ ràng nên nhiều thí sinh đã lầm tưởng chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể dự thi vào trường mà không để ý đến điều kiện cần là phải tốt nghiệp các trường trung cấp nghệ thuật chuyên nghiệp.

 

Để tránh thiệt thòi cho thí sinh, ông Trịnh Văn Duy, cán bộ tuyển sinh của trường ĐH Văn Hóa nghệ thuật Quân đội cho biết: “Trường sẽ vẫn tiếp nhận hồ sơ ĐKDT của thí sinh, tuy nhiên những thí sinh không đúng đối tượng chỉ được xem xét cho theo học hệ sơ cấp để từ đó có thể học liên thông lên hệ ĐH.

Nguyễn Hùng