Hình ảnh lớp mẫu giáo tư thục đầu tiên ở Việt Nam

(Dân trí) - Nhiều năm gần đây, làn sóng giáo dục sớm của thế giới tràn mạnh mẽ vào Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của giáo dục ở bậc mầm non. Ít ai biết, lớp mẫu giáo theo tư tưởng giáo dục sớm, xem trẻ là trung tâm đã từng được xây dựng ở Việt Nam cách đây hơn 70 năm.

Những hình ảnh về lớp mẫu giáo đầu tiên mang tư tưởng giáo dục hiện đại được thông tin tại buổi tọa đàm và triển lãm Dự án "Giáo dục mới và những nhà tiên phong" diễn ra vào ngày 18/11 tại TPHCM.

Hình ảnh lớp mẫu giáo tư thục đầu tiên ở Việt Nam - 1

Hình ảnh lớp mẫu giáo tư thục đầu tiên ở Việt Nam - 2

Hình ảnh tư liệu về Lớp mẫu giáo Bách Thảo ở Hà Nội
Hình ảnh tư liệu về Lớp mẫu giáo Bách Thảo ở Hà Nội

Năm 1946, GS Nguyễn Phước Vĩnh Bang, sáng lập trường mẫu giáo Bách Thảo - được xem là trường mẫu giáo tư thục đầu tiên ở Việt Nam. Trường áp dụng phương pháp của Montessori, Decroly và Froebel với tư tưởng giáo dục hiện đại, nhân văn của GS Vĩnh Bang.

"Nhà trường nhận trẻ nhà giàu cũng như trẻ nhà nghèo, những trẻ khỏe mạnh cứng cáp cũng như những trẻ ốm yếu, những trẻ sạch sẽ, nhanh nhẹn, thông minh cũng như những em đầy di truyền tai hại, những trẻ đã chịu cuộc đời khổ sở, mất cả lòng tin.

Nhưng bất luận trẻ nào, nhà trường cũng cố làm cho trẻ tập cuộc sống hợp đoàn, cố hiểu để trọng luật chung, chú ý đến công việc, gắng sức làm cho khéo đẹp với tất cả thông minh, nhẫn nại, bền bỉ và vui vẻ..."


Chứng minh thư năm 1946 của GS Nguyễn Phước Vĩnh Bang xác nhận ông là Giám đốc Trường mẫu giáo Bách Thảo

Chứng minh thư năm 1946 của GS Nguyễn Phước Vĩnh Bang xác nhận ông là Giám đốc Trường mẫu giáo Bách Thảo

bang 20160420_0003-crop

GS Nguyễn Phước Vĩnh Bang (ngoài cùng bên phải)

Tuy nhiên, đây không phải là trường mẫu giáo đầu tiên theo tư tưởng giáo dục mới ở Việt Nam. Theo thông tin từ dự án, năm 1942-1943, lớp mẫu giáo thực nghiệm đầu tiên tại Hà Nội ứng dụng phương pháp Montessori ra đời bởi vợ chồng họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang thành lập với sự hỗ trợ tài chính từ thương gia Nguyễn Sơn Hà. Họ bắt tay nhau với tinh thần “tự lực khai hóa”, tự mình nhận lấy trách nhiệm trong cuộc canh tân văn hóa – giáo dục của đất nước.

Hình ảnh vợ chồng họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Nguyễn Thị Khang và thương gia Nguyễn Sơn Hà - những người thành lập trường mẫu giáo thực nghiệm đầu tiên ở Hà Nội từ năm 1942-1943
Hình ảnh vợ chồng họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Nguyễn Thị Khang và thương gia Nguyễn Sơn Hà - những người thành lập trường mẫu giáo thực nghiệm đầu tiên ở Hà Nội từ năm 1942-1943

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, một trong những thành viên chủ trì dự án chia sẻ, với tinh thần “tự lực khai hóa”, những nhà giáo dục tiên phong ở Việt Nam đã nhìn thấy ở Giáo dục Mới một phương pháp và một tinh thần mới mẻ cho sự nghiệp “trồng người”.

Giáo dục mới đã đảo ngược và đổi chiều tư duy giáo dục truyền thống, ứng dụng những phương pháp tâm lý sư phạm tiến bộ, mới mẻ mà ở đó, sự phát triển toàn diện, quyền tự do và lựa chọn của trẻ thơ là trọng tâm của quá trình giáo dục.

Theo bà Phương, trước những hoang mang về giáo dục sớm đang tràn vào Việt Nam, những tư liệu này sẽ giúp mỗi người sẽ có thêm cơ sở tìm hiểu những phương pháp ấy có thực sự tốt và phù hợp với bối cảnh, văn hóa Việt Nam? Những thuận lợi và rào cản khi thực hành các phương pháp ấy Việt Nam là gì? Làm sao để phân biệt, chọn lựa đúng trong bối cảnh “vàng thau lẫn lộn”?

Dự án được khởi xướng bởi tổ chức phi lợi nhuận The Caterpies, với sự hợp tác của Trường Đại học Geneva (Thụy Sỹ). Được biết, sau khi triển lãm tại TPHCM, dự án sẽ được triển lãm tại Hà Nội vào ngày 28/11 tới.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm