Hiệu trưởng trường đại học và câu hỏi: "Tiền đâu để đào tạo nhân tài"?

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - "Vừa qua, chúng tôi xây dựng đề án đào tạo sau đại học nhưng khi gặp các đơn vị liên quan, họ đều hỏi "tiền đâu ra để chi cho nghiên cứu sinh, tiền đâu ra để chi cho đào tạo thạc sỹ", ông Trình nói.

Trên đây là ý kiến của GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025- 2035, định hướng 2045, do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Trường Đại học (ĐH) Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, tổ chức ngày 28/9. 

Tiền đâu để chi cho đào tạo thạc sỹ?

Tại hội thảo, GS.TS Chử Đức Trình cho biết, từ năm 2025, Trường ĐH Công nghệ sẽ đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ toàn thời gian tại trường. 

Các học viên, nghiên cứu sinh sẽ được miễn toàn bộ học phí và được hỗ trợ sinh hoạt phí đáp ứng được mức cơ bản để sinh sống tại Hà Nội, đồng thời họ sẽ tham gia sâu vào các hoạt động nghiên cứu khoa học và giảng dạy của nhà trường.

Đây được xem là một trong những giải pháp mà trường này áp dụng để thích ứng với thay đổi của thế giới.

Tuy nhiên dưới góc nhìn của một trường khoa học, công nghệ và kỹ thuật, ông Trình mong muốn được hoàn thiện các cơ chế, các quy định để hợp tác 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo quan trọng, doanh nghiệp là trung tâm triển khai và các trường đại học đồng hành; cần có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa về chính sách, đáp ứng hơn nữa cơ chế phân công, phân cấp và phân nhiệm.

"Thời gian qua, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, kể cả về tổ chức cán bộ. Nhiều người giỏi không chọn về nước để khởi nghiệp vậy nên cần có cơ chế hấp dẫn hơn để thu hút nhân tài.

Vừa qua, chúng tôi xây dựng đề án đào tạo sau đại học nhưng khi gặp các đơn vị liên quan, họ đều hỏi "tiền đâu ra để chi cho nghiên cứu sinh, tiền đâu ra để chi cho đào tạo thạc sỹ"?

Với quy mô một năm đào tạo thạc sỹ phải mất 1 triệu USD/năm như hiện nay, trường chúng tôi đang sử dụng bằng nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp.

Nếu các trường đại học không chủ động đào tạo đội ngũ thạc sỹ, tiến sỹ toàn thời gian, biến họ thành nhân lực chủ chốt trong nghiên cứu khoa học, sẽ khó thành công. Hãy nhìn Hàn Quốc, đây là một trong những quốc gia rất thành công về mô hình đào tạo đó", GS Trình chia sẻ. 

Theo GS Trình, nguồn nhân lực là chìa khóa để chúng ta nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế.

Vậy nên, đề án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao có chiến lược quan trọng với quốc gia trong việc phát triển các ngành then chốt như công nghệ thông tin, vi mạch bán dẫn, tự động hóa, năng lượng xanh…

"Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045 sẽ là kim chỉ nam định hướng cho các đơn vị giáo dục đại học và các cấp triển khai xây dựng các chiến lược phát triển và kế hoạch hành động để đảm bảo các sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay, đáp ứng tốt, và bền vững nhu cầu nhân lực của đất nước", GS Trình nói.

Hiệu trưởng trường đại học và câu hỏi: Tiền đâu để đào tạo nhân tài? - 1

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (Ảnh: M. Hà).

Nhân lực chất lượng cao - chìa khóa thành công

Cũng tại hội thảo, hiệu trưởng này cho rằng, trước thách thức của thế giới, trường đại học đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ cần đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn phải là trung tâm nghiên cứu, đối mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.

Đặc biệt, việc liên kết với doanh nghiệp và quốc tế có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận những xu hướng công nghệ mới, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho thị trường lao động toàn cầu, sẵn sàng đương đầu với mọi thách thức.

Để đạt được điều này, các cơ sở giáo dục cần hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cấp toàn diện chương trình đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên.

Các hoạt động đào tạo cần gắn kết học thuật với thực tiễn, phát triển kỹ năng thực tế ở sinh viên, từ đó tăng cường khả năng ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lao động sản xuất của thị trường.

"Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là chìa khóa để đất nước hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ cao.

Với sự phát triển của các trường đại học, cùng sự hỗ trợ từ các chính sách quốc gia và hợp tác quốc tế, Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ cao trong thời gian tới", GS Trình nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm