Công nghiệp 4.0: Trường đại học chỉ đào tạo "những gì thị trường cần"
(Dân trí) - GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi cho biết, với cuộc cách mạng 4.0 thì người học ở bất cứ đâu đều có thể tự học, tự nghiên cứu, kiến thức khi đó không bó hẹp hay độc quyền nữa.
Danh mục đào tạo nghề phải điều chỉnh cập nhật liên tục
Trao đổi với Dân trí, Giáo sư Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi chia sẻ, cuộc cách mạng 4.0 đang tác động rất lớn đến giáo dục, vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức ngày càng nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục.
Trong cuộc cách mạng 4.0, danh mục nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì ranh giới giữa các lĩnh vực rất nhỏ. Theo đó, sẽ là sự liên kết giữa các lĩnh vực lý - sinh; cơ - điện tử - sinh, từ đó hàng loạt nghề nghiệp truyền thống sẽ dần mất đi và thay vào đó là cơ hội cho sự phát triển của những ngành nghề đào tạo mới, đặc biệt là sự liên quan đến sự tương tác giữa con người và máy móc.
Theo mục tiêu của Chính phủ, năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, tức là cũng cần ít nhất 1 triệu cán bộ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới có 300.000 cán bộ công nghệ thông tin, nên chỉ riêng nhu cầu đào tạo mới của ngành này để cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động làm chủ công nghệ thông tin đã là cơ hội lớn cho các trường đào tạo.
Cũng theo Giáo sư Trịnh Minh Thụ, hiện các phương thức giảng dạy cũ không còn phù hợp. Với cuộc cách mạng 4.0 thì người học ở bất cứ đâu đều có thể truy cập vào thư viện của nhà trường để tự học, tự nghiên cứu. Khi đó, kiến thức không thể bó hẹp và độc quyền bởi một cá nhân hay trong phạm vi tổ chức.
Như vậy, các cơ sở giáo dục sẽ phải chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình chỉ đào tạo "những gì thị trường cần "; những nội dung của các môn cơ bản sẽ phải được rút ngắn và thay thế vào đó là những nội dung cần thiết đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng và đảm bảo phương châm "học tập suốt đời".
Đặc biệt, đại dịch Covid -19 hoành hành đã gây ra những tác động đối với hệ thống giáo dục ĐH toàn cầu. Các trường ĐH phải chuyển từ đào tạo truyền thống sang đào tạo trực tuyến, khó khăn trong hợp tác quốc tế, kinh tế suy giảm.
Mặt khác, quá trình tự chủ hóa ĐH và toàn cầu hóa về lao động đặt ra thách thức sống còn đối với nhà trường về chất lượng đào tạo nhân lực cũng như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và dịch vụ.
Xây dựng đại học đa ngành
Giáo sự Trịnh Minh Thụ cho rằng, khi các trường ĐH công lập phải thực hiện tự chủ tài chính, Nhà nước giảm ngân sách cấp chi thường xuyên. Đầu tư công của Nhà nước còn hạn chế, nhất là đầu tư cho phát triển các công trình thủy lợi, thủy điện, phát triển nông thôn trong các năm tới nên nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong các ngành này gặp nhiều khó khăn.
Trước những khó khăn, thách thức đó, Giáo sư Thụ cho hay, nhà trường vẫn quyết tâm để tiếp tục xây dựng một thương hiệu ĐH đa ngành, có vai trò dẫn đầu Việt Nam về lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, tài nguyên, môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Trường đặt ra mục tiêu có tính chiến lược là đến năm 2050, Trường sẽ là 1 trong 10 cơ sở giáo dục hàng đầu ở Việt Nam trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và kinh tế; giữ vững vị trí số 1 trong lĩnh vực thủy lợi, thủy điện, tài nguyên, môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai…
Trường sẽ sắp xếp lại hệ thống các ngành nghề, đồng thời mở thêm các ngành mới và chương trình đào tạo chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Hoàn thiện các chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, phát triển đào tạo E-learning.
Hiện Trường ĐH Thủy lợi đào tạo đa ngành với 13 ngành trình độ tiến sĩ, 23 ngành trình độ thạc sĩ (trong đó có 6 ngành đào tạo bằng tiếng Anh) và 32 ngành trình độ ĐH (trong đó có 2 ngành chương trình tiên tiến hợp tác với ĐH Bang Colorado và ĐH Arkansas của Mỹ, đào tạo bằng tiếng Anh). Từ năm 2022, trường sẽ tuyển sinh và đào tạo 37 ngành/nhóm ngành, trong đó có 1 ngành theo đơn đặt hàng của Bộ NN&PTNT.
Trong nhiều năm qua, Trường ĐH Thủy lợi xác định đội ngũ giảng viên trình độ cao là một trong những nhân tố quyết định chất lượng đào tạo, giúp trường có thế mạnh để cạnh tranh với các trường ĐH khác. Đội ngũ giảng viên giỏi chuyên môn và ngoại ngữ; trên 52% có trình độ tiến sĩ trở lên; nhiều giảng viên được đào tạo ở nước ngoài.
Năm 2020, Trường Đại học Thủy lợi đã cùng 6 Trường Đại học Kỹ thuật hàng đầu Việt Nam tiên phong ký kết phát triển chương trình đào tạo kỹ sư theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với khối lượng kiến thức đạt bậc 7 theo khung trình độ quốc gia, tương đương trình độ thạc sĩ, đạt trình độ kỹ sư các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Với mục tiêu hướng tới xây dựng thành một trường ĐH ứng dụng tiên tiến, các đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất của trường tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực mũi nhọn như: Thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; đổi mới công nghệ thiết kế trong các công trình thủy lợi; quản lý khai thác các hệ thống công trình thủy lợi; kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường; thủy năng, thủy điện; cơ học và máy thủy lợi. Các công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao đã đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong 5 năm gần đây, Trường ĐH Thủy lợi đã và đang tham gia thực hiện tổng số 59 đề tài từ nguồn ngân sách ngoài trường, thuộc cấp Nhà nước, cấp bộ, thành phố, đề tài Nghị định thư. Bên cạnh đó, các đơn vị khoa học trong trường còn tham gia thực hiện hàng trăm hợp đồng phục vụ sản xuất, với tổng doanh thu hàng năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Số lượng bài báo của Trường ngày càng gia tăng, trong đó nhiều công trình được công bố trên các tạp chí có uy tín trong danh mục ISI và Scopus. Trường ĐH Thủy lợi còn hội nhập quốc tế mạnh mẽ, mở rộng với hơn 60 Biên bản Ghi nhớ (MOU) đang có hiệu lực thực hiện.
Dựa trên các hoạt động hợp tác đã triển khai, khoảng 45% Biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Ý, Đức, Mỹ, ASEAN, được đánh giá đạt hiệu quả cao. Nhà trường còn tích cực tham gia các mạng lưới vùng (regional networking), các hiệp hội chuyên môn quốc tế (IAHR, Lowland Technology); đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế lớn, gồm ICEC 2012, IAHR-APD 2014, Low-land Technology Conference 2018, APAC 2019).