Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội nói gì về việc đặc cách nam sinh 10 năm cõng bạn?

Mỹ Hà

(Dân trí) - GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, quy chế tuyển sinh không cho phép đặc cách. ĐH Y Hà Nội sẵn sàng đón em sau này nếu đỗ vào hệ đào tạo bác sĩ nội trú.

Nguyễn Tất Minh và Ngô Minh Hiếu (Thanh Hoá), đôi bạn 10 năm cõng nhau đến trường đã viết nên câu chuyện về tình yêu thương và lòng hiếu học.

Suốt 10 năm qua, nhờ có Hiếu mà Minh dù đôi chân tật nguyền vẫn đều đặn đến trường không nghỉ một buổi nào.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua, Minh đỗ vào ĐH Bách Khoa Hà Nội.

Còn Hiếu đạt 28,15 điểm, không đủ điểm để đỗ Ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội.

Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội nói gì về việc đặc cách nam sinh 10 năm cõng bạn? - 1

Ngô Minh Hiếu 10 năm cõng bạn đến trường. 

Trao đổi với PV Dân trí chiều nay (6/10), GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, quy chế tuyển sinh không cho phép đặc cách trong trường hợp của Ngô Minh Hiếu. Vì vậy, nhà trường phải tuân thủ và không được phép làm trái quy chế.

“Thoạt nhìn, 0,25 điểm có vẻ rất ít nhưng trong tuyển sinh, đó là cơ hội của hàng trăm thí sinh khác.

Mỗi kì tuyển sinh, luôn có nhiều trường hợp đặc biệt khác nhau. Do vậy, nếu đặc cách cho trường hợp này, sẽ không công bằng với các trường hợp khác”, GS Tạ Thành Văn cho biết.

Cũng theo GS Văn, sau này Ngô Minh Hiếu vẫn có cơ hội vào ĐH Y Hà Nội nếu em thi đỗ vào hệ đào tạo bác sĩ nội trú. Lúc đó, ĐH Y Hà Nội sẵn sàng đón em.

“Với một người nhân hậu như Hiếu, tôi tin em sẽ trở thành bác sĩ giỏi cho dù theo học ở bất cứ ngôi trường nào.

Đại học Y Thái Bình hoặc Y Hải Phòng đều là những trường có chất lượng đào tạo tốt, được xã hội, ngành y công nhận.

Nếu vẫn còn nguyện vọng và thi đỗ đầu vào, em hoàn toàn có thể theo học thêm tại ĐH Y Hà Nội", Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội chia sẻ.

Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội nói gì về việc đặc cách nam sinh 10 năm cõng bạn? - 2

Về lâu dài, mọi người nên vận động, chung tay để có một quỹ giúp hỗ trợ học tập và đi lại cho nam sinh Nguyễn Tất Minh. 

Về Nguyễn Tất Minh, người bạn tàn tật mà Hiếu đã cõng đến trường suốt 10 năm, GS Văn cho rằng, lâu dài mọi người nên vận động, chung tay để có một quỹ giúp hỗ trợ học tập và đi lại cho nam sinh này chủ động trong suốt thời gian học tập ở Hà Nội.

"Hiếu đã viết lên câu chuyện cổ tích cõng bạn 10 năm nhưng đã đến lúc cần hỗ trợ Minh những điều thiết thực hơn để em ấy vượt qua những năm tháng học tập ở giảng đường Đại học", GS Tạ Thành Văn nói.

Dân trí phản ánh trước đó, Nguyễn Tất Minh sinh ra trong gia đình nghèo (ở xóm 1, xã Đồng Thắng, Triệu Sơn, Thanh Hóa).

Ngay từ khi lọt lòng, Minh đã không may mắn như bao đứa trẻ khác. Đôi bàn chân tật nguyền đã không thể đi lại được, cánh tay phải cũng chẳng thể cử động cầm, nắm.

Thấu hiểu tình cảnh éo le của Minh, suốt 10 năm đằng đẵng Hiếu đã tự nguyện làm đôi chân giúp Minh đến trường. Có Hiếu ở bên, Minh như có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống.

Suốt quá trình học tập, Minh và Hiếu luôn là học sinh xuất sắc của trường. Cả hai được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen, được gặp và nhận quà của Chủ tịch nước.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm