Hiệu quả mô hình “Camera an toàn giao thông”

(Dân trí) - Với kinh phí dưới 10 triệu đồng, nhưng mô hình “Camera an toàn giao thông” của trường THPT Trần Phú (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) phát huy rất hiệu quả. Từ ngày có mô hình, ý thức chấp hành luật an toàn giao thông của các em học sinh ở trường được nâng lên rõ rệt.

Trường THPT Trần Phú nằm ở trung tâm thị trấn Chí Thạnh. Cũng giống nhiều nơi khác, mỗi khi tan trường, lưu lượng học sinh tham gia giao thông khá đông đúc, nhất là trên tuyến quốc lộ 1A có nhiều xe cộ qua lại nên khá nguy hiểm, dễ gây tai nạn giao thông. Trước tình hình đó, Ban giám hiệu Trường THPT Trần Phú phối hợp cùng Đoàn trường triển khai mô hình “Camera an toàn giao thông”.

Trường THPT Trần Phú phát huy hiệu quả  mô hình “Camera an toàn giao thông”
Trường THPT Trần Phú phát huy hiệu quả mô hình “Camera an toàn giao thông”

Thầy Nguyễn Quốc Toàn, Bí thư Đoàn trường cho biết: “Những năm trước đây, nhà trường chủ yếu kiểm tra và xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông bằng cách phân công thầy cô trong chi đoàn giáo viên kết hợp với đội thanh niên xung kích trực ở khu vực cổng trường và tại các chốt đèn giao thông có lưu lượng học sinh đi học về nhiều.

Thầy Nguyễn Quốc Toàn phân chia ca trực mô hình “Camera an toàn giao thông”
Thầy Nguyễn Quốc Toàn phân chia ca trực mô hình “Camera an toàn giao thông”

Tuy nhiên, cách làm này vẫn chưa hiệu quả, các em chỉ chấp hành khi thấy có đội trực. Trước tình hình đó, để tăng cường cho việc kiểm tra luật an toàn giao thông của các em học sinh, từ năm học 2011 - 2012 nhà trường đã đầu tư một camera có độ zoom cao, giá dưới 10 triệu đồng để cho Đoàn trường quản lý và triển khai mô hình “Camera an toàn giao thông”. Mô hình nhằm mục đích kiểm tra việc chấp hành Luật an toàn giao thông của học sinh nhà trường ở mọi lúc, mọi nơi, tất cả các tuyến đường.

Đội trực giám sát việc thực hiện luật an toàn giao thông của các bạn học sinh ở một ngã tư có đèn tín hiệu giao thông
Đội trực giám sát việc thực hiện luật an toàn giao thông của các bạn học sinh ở một ngã tư có đèn tín hiệu giao thông

Theo mô hình này, mỗi tuần sẽ có 3 ngày ngẫu nhiên để đội trực tiến hành đi thực hiện mô hình “Camera an toàn giao thông”. Lực lượng ở trường sẽ được chia làm 2 đội, đội 1 do 1 giáo viên và 2 học sinh trong đội thanh niên xung kích làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, giải tỏa ùn tắc giao thông trước cổng trường. Đội thứ hai có 2 giáo viên tiến hành chốt trạm (mỗi buổi 1 trạm khác nhau) sử dụng camera quay các đoạn phim khi phát hiện học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông để nhận diện và làm bằng chứng.

Khi phát hiện học sinh vi phạm, đội trực sẽ xử lý trực tiếp bằng cách yêu cầu học sinh dừng lại, thông báo lỗi vi phạm sau đó tạm thu bảng tên và mời học sinh hôm sau lên văn phòng đoàn để làm rõ vấn đề.

Đội trực hướng dẫn, nhắc nhở các bạn học sinh đi đúng làn đường qui định
Đội trực hướng dẫn, nhắc nhở các bạn học sinh đi đúng làn đường qui định

Nếu học sinh chối lỗi, đội trực sẽ cho xem lại đoạn phim vừa quay xong để làm bằng chứng. Trường hợp nhiều học sinh vi phạm hay không thể yêu cầu học sinh vi phạm dừng lại để xử lý trực tiếp, đội trực sẽ biên tập các đoạn phim có học sinh vi phạm, sau đó mời học sinh và chủ nhiệm lớp xem, nhận diện. Sau đó, Đoàn trường có trách nhiệm mời phụ huynh của học sinh vi phạm đến trường để thông báo. Nếu học sinh vi phạm lỗi nhẹ và lần đầu thì chỉ nhắc nhở, cho viết cam kết không tái lỗi, nếu vi phạm lỗi nghiêm trọng sẽ tiến hành xử lý hạ một bậc hạnh kiểm.

Theo thầy Nguyễn Quốc Toàn, từ khi áp dụng mô hình “Camera an toàn giao thông”, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh trong trường có sự chuyển biến tích cực, hầu hết các em đều tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, không có tình trạng đi hàng hai, hàng ba hay đi xe máy, đánh võng, lạng lách trên đường, kể cả khi đi học hay ngoài giờ học.

Camera được quay từ một góc bí mật ghi lại những hình ảnh vi phạm luật an toàn giao thông của các em học sinh
Camera được quay từ một góc bí mật ghi lại những hình ảnh vi phạm luật an toàn giao thông của các em học sinh

Em Lê Thị Hoàng Anh, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Trần Phú cho biết: “Lúc trước, mỗi lúc tan trường, các bạn thường tụ tập trước cổng gây ùn tắc hoặc gây mất trật tự giao thông tại nhiều tuyến đường. Từ khi có camera do thầy cô trực ở các chốt đèn thì ý thức của các bạn đã được nâng lên, bạn nào cũng tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Em nghĩ đây là mô hình rất hay."


Một bạn vi phạm luật an toàn giao thông được gọi đến nhắc nhở, thu bảng tên và viết kiểm điểm.

Một bạn vi phạm luật an toàn giao thông được gọi đến nhắc nhở, thu bảng tên và viết kiểm điểm.

Đánh giá tốt về mô hình này, anh Nguyễn Văn Minh, phụ huynh học sinh trường Trần Phú cho biết: "Thấy nhà trường triển khai mô hình này, phụ huynh chúng tôi rất mừng, vì ngăn chặn được các hành vi học sinh tụ tập, nô đùa ngay dưới làn lề đường, đi hàng 2, hàng 3…Thứ nhất là giúp các em không vi phạm luật an toàn giao thông; hai là đảm bảo an toàn cho các em. Nếu các em có vi phạm thì được nhà trường báo về cho gia đình, từ đó mà mình biết để giáo dục con tốt hơn."

Trung Thi

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục