Hết khác thường để giáo sư Việt ra quốc tế không lép vế

Đã đến lúc cần cải cách vấn đề bổ nhiệm giáo sư, và giao nhiệm vụ về chocác đại học. Bộ GDĐT chỉ cần quản lí qui trình bổ nhiệm.

Việc trường Đại học Tôn Đức Thắng, mới được Chính phủ trao quyền tự chủ, triển khai qui trình và tiêu chuẩn bổ nhiệm chức vụ giáo sư đang gây ra nhiều tranh cãi.  Đối với những người đã quen với qui trình phong chức danh giáo sư hiện nay (do Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước) thì sáng kiến của ĐH TĐT được xem là không có tính pháp lí. Nhưng đối với những người có tinh thần cải cách thì sáng kiến của ĐH TĐT là phù hợp với qui trình bổ nhiệm giáo sư của các đại học trên thế giới.

Có thể nói, đây là dịp lí tưởng để nhìn lại qui trình bổ nhiệm giáo sư, và hi vọng tìm ra một cách làm tốt hơn.

Coi Giáo sư như một phẩm hàm

Chức danh "giáo sư" hiện nay có thể hiểu như là một phẩm hàm, và theo tôi đó là một quan niệm lạc hậu. Thật vậy, theo Nghị định Chính phủ 20/2001/NĐ-CP, những người được phong chức danh GS/PGS sẽ được vinh danh suốt đời, ngay cả sau khi nghỉ hưu.

Vì là phẩm hàm, nên Việt Nam có khá nhiều giáo sư nhưng không làm việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Một thống kê cho thấy, trong số hơn 11.000 giáo sư và phó giáo sư (GS/PGS) được tiến phong từ 1976 đến hết năm 2014, chỉ có khoảng hơn 4.100 người làm trong các đại học. Số còn lại hoặc là nghỉ hưu, đã mất, hoặc là làm việc trong các cơ quan công quyền và quản lí. Đó là một tình trạng trớ trêu, vì trong khi các đại học kêu thiếu giáo sư, thì phần đông giáo sư lại ở… ngoài đại học!

Nhưng ở các nước tiên tiến trên thế giới, giáo sư không phải là một chức danh hay phẩm hàm, mà là một chức vụ gắn liền với một đại học. Do đó việc bổ nhiệm, đề bạt chức vụ giáo sư do đại học phụ trách, nhưng qui trình bổ nhiệm thì hoàn toàn theo mô thức bình duyệt (peer review), vốn là trụ cột của hoạt động khoa học.  

Hết khác thường để giáo sư Việt ra quốc tế không lép vế - 1

Giáo sư phải chứng tỏ là có công tạo dựng và duy trì sự phát triển của trường đại học nơi họ giảng dạy. Ảnh minh họa

Theo qui trình này, đơn của ứng viên sẽ được gửi cho các đồng nghiệp cùng ngành để nhận xét dựa vào các tiêu chuẩn do trường đặt ra; và dựa vào nhận xét đó, hội đồng học thuật sẽ bổ nhiệm ứng viên vào một chức vụ giáo sư thích hợp. Đó là qui trình chuẩn, mà hầu hết các đại học ở các nước tiên tiến và ngay cả một số nước tại khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore đã làm từ nhiều thập niên qua.  

Những quan ngại về việc chuyển quyền bổ nhiệm giáo sư cho các đại học là chính đáng. Các đại học có thể đặt ra những tiêu chuẩn “địa phương”, tiêu chuẩn thấp để nâng cao số lượng giáo sư cho trường, hoặc tạo ra qui trình bổ nhiệm lỏng lẻo để thiên vị những cá nhân mà họ muốn.  

Những vấn đề trên có thể xảy ra, nhưng có thể quản lí. Ví dụ, ở các nước tiên tiến như Mĩ, các trường vẫn có những tiêu chuẩn giáo sư khác nhau. Trường trong nhóm “tinh hoa” (elite) thường có bộ tiêu chuẩn cao hơn trường kém nổi tiếng. Tôi từng biết vài trường hợp những giáo sư bên Mĩ nhưng khi sang Úc thì không được bổ nhiệm chức vụ đó, do tiêu chuẩn khác nhau. Đó chính là lí do chức vụ giáo sư phải gắn liền với một đại học. Và, nếu đại học muốn có thương hiệu tốt, gây lòng tin ở công chúng, thì họ phải có những tiêu chuẩn thích hợp.  

Một quan ngại khác là nếu giao cho trường đại học bổ nhiệm thì Việt Nam sẽ có rất nhiều giáo sư. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề không phải là nhiều hay ít mà là giáo sư của trường có xứng đáng với danh hiệu đó hay không. Từng có người trong HĐNN cũng phải thú nhận: “Đánh giá nghiêm túc theo chuẩn mực quốc tế, có lẽ chỉ 15-20% số GS, PGS của ta có trình độ thật sự tương xứng với chức vụ đó” [1].

Do đó, vấn đề chính là việc bổ nhiệm giáo sư phải dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế (như xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế, đóng góp cho chuyên ngành, đóng góp cho đại học, và phục vụ xã hội). Nếu làm đúng và có chuẩn mực nghiêm chỉnh, người được bổ nhiệm, bất cứ của trường nào, đều có quyền tự hào mà không thấy "lép vế" khi ra nước ngoài.

Tiêu chuẩn... khác thường

Bàn về tiêu chuẩn, thì các tiêu chuẩn giáo sư của Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước (gọi tắt là HĐNN) còn có nhiều vấn đề phải bàn thêm. Chẳng hạn như tiêu chuẩn về "Trung thực, khách quan và hợp tác với đồng nghiệp trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học, công nghệ" liệu có dính dáng gì đến học thuật, giảng dạy hay nghiên cứu khoa học?

Hay ngay cả tiêu chuẩn mang tính “cân đo đong đếm” như qui đổi các công trình khoa học sang điểm cũng rất mù mờ và thiếu tính khoa học. Chẳng hạn, cách tính điểm các tập san khoa học nước ngoài bằng cách chia thành 2 nhóm: Nhóm có hệ số ảnh hưởng 2 hay thấp hơn có điểm từ 0 đến 1; nhóm có hệ số ảnh hưởng (impact factor) trên 2 có điểm từ 0 đến 2. Điều bất hợp lí là việc cho điểm bài báo công bố trên tập san nước ngoài bằng bài báo công bố trên tập san trong nước. Nói cách khác, một công trình trên các tập san lừng danh thế giới như Lancet hay New England Journal of Medicine có giá trị y chang như một bài trên một tạp chí trong nước!

Ngoài ra, còn có tiêu chuẩn mang tính chủ quan là bình bầu, theo đó ứng viên phải được 2/3 số phiếu tín nhiệm của tổng số thành viên trong Hội đồng. Tiêu chuẩn này cũng không mang tính học thuật hay khoa học, và có thể mở cánh cửa cho việc "chạy" chức danh. Lại có những qui định máy móc, như mỗi hồ sơ tiến phong chức danh giáo sư phải được ít nhất 3 GS hoặc PGS cùng ngành xét công nhận.  

Những tiêu chuẩn như vậy rất khác thường, đến nỗi có người thốt lên rằng những người soạn những qui định này “chẳng hiểu gì về giáo dục đại học tiên tiến cả”.  

Bộ tiêu chuẩn hiện nay (của HĐNN) hoàn toàn không có những tiêu chí liên quan đến hoạt động phục vụ cho nhà trường và xã hội. Một giáo sư, dù ở cấp nào, phải là thành phần elite của xã hội. Do đó, ngoài nghiên cứu, giảng dạy, và đào tạo, giáo sư phải có những đóng góp cho chuyên ngành (ví dụ như qua phục vụ trong các tập san khoa học như là chuyên gia bình duyệt), cho xã hội và Chính phủ, và nhất là cho nhà trường. Giáo sư có thể đóng góp ở ngoài, nhưng tại nhà trường, giáo sư cũng phải chứng tỏ là có công tạo dựng và duy trì sự phát triển của trường. Đó lại thêm một lí do nữa tại sao giáo sư phải gắn liền với một trường đại học.  

Nhà nước chỉ nên quản lý qui trình

Tóm lại, việc bổ nhiệm hay tiến phong chức danh giáo sư ở Việt Nam đã đến lúc cần cải cách, cần xem đây là một chức vụ gắn liền với một đại học, chứ không phải là phẩm hàm suốt đời của một cá nhân. Khi ấy, việc giao cho đại học phụ trách việc bổ nhiệm là hoàn toàn hợp lí.  

Nhưng để chuẩn hoá, tôi đề nghị Bộ GDĐT cùng tham vấn với các đại học đề ra qui trình chung (hay qui trình chuẩn) và các tiêu chuẩn tối thiểu cho mỗi chức vụ. Qui trình chuẩn phải dựa vào bình duyệt, kể cả bình duyệt từ các giáo sư nước ngoài. Tôi cũng đề nghị nên có 3 chức vụ: trợ lí giáo sư (assistant professor), phó giáo sư (associate professor), và giáo sư. Cần phải tạo ra hai ngạch giáo sư: giảng dạy và nghiên cứu khoa học, và tiêu chuẩn phải hợp lí cho hai ngạch này.   

Trong việc bổ nhiệm giáo sư, qui trình đúng và tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế sẽ dễ thuyết phục hơn là qui trình rườm rà mà thiếu minh bạch. Do đó, tôi nghĩ Bộ GDĐT thay vì can thiệp vào việc bổ nhiệm giáo sư của các đại học, chỉ cần quản lí tốt qui trình bổ nhiệm và kiểm tra tiêu chuẩn bổ nhiệm.

------

[1] VN có bao nhiêu GS, PGS trình độ quốc tế?, Hà Nội mới, 10/01/2008.

Theo Nguyễn Văn Tuấn (Báo Vietnamnet)