Hệ thống trường THPT chuyên cả nước khởi sắc
(Dân trí) - Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2016 và các nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020, bức tranh trường chuyên trong cả nước đã có sự khởi sắc mạnh mẽ, trở thành những cái nôi đào tạo mũi nhọn học sinh THPT, ươm mầm nhân tài trẻ Việt.
62,6% trường chuyên đạt chuẩn quốc gia
Nếu như tại thời điểm xây dựng Đề án, năm học 2009-2010, cả nước chỉ có 21/68 (tỉ lệ 30,8%) trường chuyên đạt chuẩn quốc gia thì đến năm học 2015 - 2016, đã có 47/75 (tỉ lệ 62,6%) trường chuyên đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục tại các trường chuyên có chuyển biến mạnh, thể hiện qua kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục, kết quả thi đại học, kết quả thi Olympic khu vực, quốc tế, thi Intel ISEF trong các năm qua.
Quy mô học sinh chuyên cả nước ngày càng tăng, hiện tại cả nước có 69.554 học sinh. Trình độ đào tạo giáo viên cũng có sự chuyển biến rõ nét, số người có trình độ tiến sĩ hiện nay đạt 1,4 % (tăng 0,4%), thạc sĩ 47,4 % (tăng 18,8%) so với năm học 2010-2011.
Song, trước yêu cầu đổi mới dạy học/giáo dục nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh, các trường chuyên cần phải tiếp tục đầu tư hơn nữa để phát triển kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, tin học của CBQL, GV.
Uyển chuyển, sáng tạo…
Trong quá trình triển khai Đề án, nhiều trường chuyên ở các tỉnh/ thành phố đã có bước đi riêng, vận dụng linh hoạt chủ trương tăng cường quyền tự chủ về công tác tuyển sinh vào trường chuyên của Bộ GD&ĐT. Một số trường đã có các cải tiến trong tuyển sinh để đảm bảo tuyển đúng, có chất lượng học sinh đầu vào phù hợp tình hình địa phương mình.
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là đơn vị thể hiện sự sáng tạo của địa phương - tiên phong xây dựng chương trình tuyển sinh đầu vào riêng, chương trình khung giảng dạy riêng.
Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), đã thể hiện sự sáng tạo với việc tiên phong xây dựng chương trình tuyển sinh đầu vào riêng, xây dựng khung chương trình giảng dạy riêng của trường, xây dựng ngân hàng đề và tổ chức kiểm tra đánh giá toàn diện học sinh...
“Với chương trình tuyển sinh riêng, nhà trường vẫn tổ chức thi theo Bộ yêu cầu gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn chuyên.Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của tư duy Toán học trong việc xây dựng tư duy con người, trường đã thực hiện tính điểm hệ số 2 đối với 2 môn (môn Toán và môn chuyên) thay vì chỉ tính điểm hệ số 2 môn chuyên.
Trong 2 năm nay, nhà trường cũng chủ động căn cứ vào các kì thi, yêu cầu thực tiễn để xây dựng chương trình khung giảng dạy riêng (chương trình “xương sống”). Mục tiêu sau 5 năm năm triển khai, trường sẽ có hệ thống bài giảng riêng, phục vụ trực tiếp việc giảng dạy”, Ông Vũ Đức Thọ - Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong cho biết.
Với sự sáng tạo, nỗ lực miệt mài trong công tác ươm mầm nhân tài trẻ, năm 2015-2016, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) đứng trong tốp 5 trường dẫn đầu cả nước về tỉ lệ đạt giải với 72/83 giải (chiếm 86,74%) trong kì thi chọn HSG Quốc gia 2016. Có 4 em được chọn vào đội tuyển thi Olympic Vật lí Châu Á, đạt 1 HCB, 2 HCĐ, 1 bằng khen. Trong kì thi Olympic Toán giữa các thành phố trên thế giới lần thứ 37 năm 2015-2016, trường vinh dự có 26/27 HS đoạt giải với 2HCV, 13HCB, 11 HCĐ và được công nhận là trường THPT tốt nhất. Đặc biệt, trong kì thi Olympic Vật lý quốc tế 2016, học sinh Đinh Thị Hương Thảo của trường đã mang về 1 (trong tổng số 2) HCV cho đội tuyển Việt Nam.
Tận dụng tối đa nguồn lực để thành công
Cùng với cách làm sáng tạo, khả năng tận dụng nội – ngoại lực cũng quyết định lớn đến thành công của các trường chuyên. Ở thành phố trẻ Hải Phòng, trường THPT chuyên Trần Phú được cả nước biết đến về với những con số ấn tượng về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Diện tích, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị dạy học của các trường chuyên được ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại (Ảnh chụp tại trường THPT chuyên Trần Phú - Hải Phòng).
Theo bà Đỗ Thị Hòa – Hiệu trưởng nhà trường: “Trường THPT chuyên Trần Phú có được sức bật lớn và kết quả như vậy là nhờ tổng hòa các yếu tố - nguồn lực: sự quan tâm sâu sắc và động viên thiết thực cả tinh thần lẫn vật chất của lãnh đạo thành phố; đặc biệt là sự sát sao về chuyên môn của Sở GD-ĐT tỉnh, Phòng Trung học phổ thông; tầm nhìn của lãnh đạo nhà trường, sự tận tâm với nghề của đội ngũ “thầy cô vàng”, sự quan tâm đầu tư, ủng hộ ước mơ con trẻ của phụ huynh cùng truyền thống hiếu học, năng động, thông minh của các thế hệ học sinh thành phố hoa phượng đỏ...”
Tận dụng tốt các nguồn lực, trong năm học vừa qua, Trường THPT chuyên Trần Phú đã đạt 93 giải học sinh giỏi quốc gia (gồm 3 giải nhất, 34 giải nhì và 34 giải ba) - xếp thứ hai cả nước, chỉ đứng sau thủ đô Hà Nội về thành tích học sinh giỏi. Trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, học sinh nhà trường cũng giành 3 giải nhất lĩnh vực, 1 giải nhì lĩnh vực, 3 giải ba lĩnh vực và 3 giải ba toàn cuộc...
Đáng chú ý, một số trường chuyên như: Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường chuyên KHTN-Trường Đại học KHTN, trường chuyên Ngoại ngữ - trực thuộc ĐHQGHN, Trường chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng; Trường chuyên Lê Hồng Phong - TP.Hồ Chí Minh... cũng đã có chương trình hợp tác với một số trường tại nước ngoài để tối đa hóa nguồn lực phục vụ công tác phát triển và nâng cao chất lượng của trường, góp phần hiện thực mục tiêu đến năm 2020, mỗi trường chuyên hợp tác được với ít nhất một cơ sở giáo dục có uy tín trong khu vực, quốc tế của Đề án.
Theo Bộ GD&ĐT, trong thời gian tới, ngành giáo dục tiếp tục chú trọng thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên trong giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu xây dựng và phát triển các trường chuyên thành một hệ thống cơ sở giáo dục trung học có chất lượng giáo dục cao, đạt chuẩn quốc gia. Các trường có trang thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát hiện những học sinh có tư chất thông minh, có thành tích học tập xuất sắc để bồi dưỡng thành những nhân tài vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
Lệ Thu