Hệ thống giáo dục phổ thông đã ảnh hưởng đến phân luồng
(Dân trí) - Theo một khảo sát của Bộ GD-ĐT, có 69,3% ý kiến cho rằng cơ cấu hệ thống giáo dục trung học và sau trung học chưa thực sự hợp lý là nguyên nhân ảnh hưởng đến phân luồng học sinh.
Sự việc một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dùng biện pháp “ép” những HS có học lực kém không thi ĐH nhằm thực hiện việc phân luồng ngay từ bậc phổ thông đã gây xôn xao dư luận. Lý do là thực hiện việc phân luồng học sinh ngay từ phổ thông.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết: “Sở GD-ĐT có công văn gửi tất cả các trường THPT và trung tâm GDTX giới thiệu một số nội dung đề án của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về dạy nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2011-2012. Việc giới thiệu đề án này của tỉnh chỉ nhằm thúc đẩy các trường làm tốt hơn công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh chứ không hề có bất cứ chỉ đạo nào mang tính bắt buộc”.
Đối với việc phân luồng học sinh từ phổ thông, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Chúng ta nói rất nhiều đến chuyện phân luồng sau THCS và THPT, nhưng đến nay, hàng năm vẫn có 90% học sinh tốt nghiệp phổ thông chờ chực ở ngưỡng cửa đại học vì dạy nghề không đủ và không có sức hút. Rõ ràng, cùng với việc mở mang kinh tế, tạo thêm việc làm, rất cần nâng cấp hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt chất lượng cao trong đào tạo để thu hút thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, về giáo dục đại học không thể cắt nghĩa nổi sự gia tăng ồ ạt về số lượng các trường trong mấy năm vừa qua. Chỉ từ năm 2006 đến 2010, chúng ta đã mở thêm 64 trường ĐH,CĐ, trong khi các trường hiện có vẫn thiếu giảng viên có trình độ trên đại học. Vậy làm gì có chất lượng đào tạo ở giáo dục đại học? ”.
Còn theo GS Hoàng Tụy, cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề. Đây chính là vấn đề giáo dục phải phù hợp với nhu cầu và khả năng của xã hội. Các doanh nghiệp ở ta thường phàn nàn gặp nhiều khó khăn khi tuyển nhân lực cần thiết vì trình độ, năng lực thực tế của sinh viên do các trường đào tạo ra quá thấp so với yêu cầu của họ. Trong khi đó, hàng năm có hàng chục vạn học sinh, sinh viên ra trường không tìm được việc làm thích hợp. Quá nhiều trường ĐH,CĐ kém chất lượng, nhưng rất ít trường trung cấp kỹ thuật. Cơ cấu đào tạo khiến trong nước rất thiếu công nhân lành nghề, rất nhiều cán bộ kỹ thuật trung cấp giỏi nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi.
Cấu trúc lại hệ thống giáo dục
Theo bà Bình, vấn đề hết sức cấp thiết hiện nay là tình trạng mất cân đối giữa ba bộ phận chính của hệ thống giáo dục là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Do đó, cần phải rà soát, xác định rõ vị trí và mục tiêu cụ thể của từng bộ phận, cũng như từng cấp học, từ đó cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghĩa là điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của mỗi bộ phận và cả hệ thống. Giáo dục phổ thông hiện nay chất lượng yếu kém và cách tiến hành phổ cập còn nặng tính hình thức, nhà trường tiểu học và THCS chưa bảo đảm để mọi công dân đều đạt được một trình độ giáo dục tối thiểu cần thiết phù hợp với sự phát triển xã hội.
“Để giải quyết vấn đề này, nên chăng cấu trúc lại để tiểu học và THCS thành một tổng thể hoàn chỉnh gọi là giáo dục cơ sở, có tính chất bắt buộc đối với mọi công dân và không thu học phí? Còn sau giáo dục cơ sở, để thực hiện phân luồng, liệu có thể mở ra nhiều loại hình trung học, trong đó THPT được rút ngắn một năm so với hiện nay và tập trung chuẩn bị cho việc đào tạo ở cấp cao hơn” - bà Bình đề nghị.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2011, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 2.183.630, số thí sinh dự thi là 1.749.767 (đạt 80,10%) cao hơn so với năm 2010 là 1,5%. Căn cứ điểm sàn, căn cứ chỉ tiêu đã xác định, các trường đã tổ chức xét tuyển các nguyện vọng và triệu tập 519.332 thí sinh trúng tuyển nhập học, so với 569.305 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 91,22%. Trong đó, các trường đại học tuyển được 288.293 thí sinh, so với 321.162 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 89,76% và các trường CĐ tuyển được 231.039 thí sinh, so với 247.443 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 93,37%. |
Hồng Hạnh