Phân luồng học sinh không nên máy móc

(Dân trí)- Gần đây, việc một số trường phổ thông ở tỉnh Vĩnh Phúc "ngăn" không cho HS yếu kém nộp hồ sơ ĐKDT vào ĐH đã làm xôn xao dư luận. Trước vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Việc phân luồng học sinh phổ thông không nên giới hạn máy móc…”.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Việc phân luồng học sinh phổ thông không nên giới hạn máy móc ngay trước kì thi ĐH. Nếu học sinh có nguyện vọng được thi vào ĐH thì mọi biện pháp hành chính ép các em không được thi đều phản khoa học và không đúng luật”.

Theo Thứ trưởng Ga, nếu đã có chủ trương phân luồng tốt, với hệ thống chính sách hỗ trợ người học nghề, người tổ chức dạy nghề như Vĩnh Phúc thì hoàn toàn có thể mở rộng thực hiện phân luồng hiệu quả sau kì thi ĐH. Thực tế, chỉ có 25% thí sinh dự thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ.
 
Phân luồng học sinh không nên máy móc
Học sinh cần xác định rõ năng lực của mình nếu dự thi đại học. (Ảnh: Việt Hưng)

Việc các trường THPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện việc tư vấn hướng nghiệp như vậy là do tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng cả một bản đề án dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, trong đó một mục tiêu trọng tâm được đề ra là phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT.

Đồng tình với cách làm của tỉnh Vĩnh Phúc, trao đổi với Dân trí, PGS.TS Lê Trọng Thắng - Trường ĐH Mỏ Địa chất cho biết: “Vận động hướng nghiệp cho học sinh phổ thông rất tốt và hợp lý vì nhiều em thi ĐH không đỗ nhưng vẫn cố thi. Vẫn biết rằng, tuổi của các em nặng về ước mơ nhưng các em vẫn chưa nhìn nhận năng lực học của để đỗ vào ĐH dẫn đến hàng năm số lượng học sinh trượt ĐH lớn gây xã hội nhiều lo lắng”.

“Nhà nước cần phải có quy định cụ thể là phân luồng học sinh từ lớp 12 như lực học đạt bao nhiêu, kết quả thi tốt nghiệp như thế nào mới được thi ĐH. Biết rằng, không có quyền cấm các em học sinh thi ĐH nhưng nếu cứ để học sinh đăng ký thi ĐH tràn lan sẽ gây áp lực, tốn kém cho xã hội mỗi mùa thi, trong khi đó thí sinh có lực học yếu kém vừa tốn tiền vừa mất công đi dự thi nhưng kết quả lại bằng không” - PGS Thắng đề nghị.

Được biết, trong chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, đối với GD nghề nghiệp và GD ĐH, Bộ GD-ĐT đã đưa ra mục tiêu cụ thể là bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo trong toàn hệ thống. Phát triển các chương trình GD ĐH theo định hướng nghiên cứu và định hướng nghề nghiệp - ứng dụng.

Đến năm 2020, có 25% học sinh tốt nghiệp THCS và 30% tốt nghiệp THPT học tại các cơ sở GD nghề nghiệp; tỷ lệ sinh viên tất cả các hệ đào tạo trên một vạn dân vào khoảng 350 - 400; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và ĐH khoảng 70%.

Hiện nay, mỗi năm có khoảng 1,7 triệu học sinh dự thi ĐH, CĐ, trong khi đó chỉ tiêu vào ĐH, CĐ mỗi năm chỉ khoảng hơn 500.000. Như vậy, sẽ có khoảng 1 triệu thí sinh trượt ĐH, CĐ. Do vậy, thí sinh cần cân nhắc kỹ con đường vào ĐH để tránh hụt hẫng.

Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Cấm HS yếu kém thi ĐH?