Hành trình vào Ivy League: Ai sẽ là người hợp với nhóm trường “tinh hoa”?

(Dân trí) - Nói về Ivy League, ở Mỹ có một luật ngầm là sinh viên trường Ivy League không bao giờ nên tự khoe về trường của mình, bởi nhiều người coi đây là trường của tầng lớp thượng lưu hay tinh hoa (elite)...

Vậy có phải chỉ con cháu nhà Tổng thống, quan chức hay học giỏi xuất chúng thì mới nên vào trường Ivy League? Những tính cách nào sẽ phù hợp và thành công nhất ở môi trường này? Ai nên phấn đấu vào trường Ivy?

Chị Đào Thu Hiền, người từng tốt nghiệp thạc sĩ 2 trường Ivy League (Đại học Harvard và Đại học Columbia), anh Don Phan (tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Yale hiện đang Quản lý Kinh doanh của công ty Amazon) và anh Hoàng Hà Thi (tiến sĩ ngành Y tại Đại học Cambridge, hiện đang nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Harvard) sẽ giải đáp những câu hỏi trên.

Hành trình vào Ivy League: Ai sẽ là người hợp với nhóm trường “tinh hoa”? - 1

Nhóm Ivy League thường được cho là dành riêng cho giới tinh hoa, con cháu các Tổng thống, quan chức, chính trị gia… Trong ảnh, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama bên 2 cô con gái Sasha (sinh viên Đại học Michigan) và Malia (sinh viên Đại học Harvard).

Anh Hoàng Hà Thi, Tiến sĩ ngành Y tại Đại học Cambridge và đang nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) tại Đại học Harvard chia sẻ: “Bất kì một học sinh nào thông minh, có động lực, có tham vọng đều nên có cơ hội học ở trường tuyệt vời nhất trên thế giới.

Nhưng các em không cứ phải đi học ở những trường này thì mới thành công sau này và đây cũng không phải lựa chọn duy nhất.

Song phải khẳng định, đây là những nôi trường có nguồn lực tốt nhất, giúp các em gặp được các thầy cô bạn bè thúc đẩy các em để các em có thể đi xa hơn nữa.

Những học sinh nào tận dụng tốt những nguồn lực này thường là các em có nội lực cao, động lực mạnh, rất chủ động trong công việc; các em luôn tìm tòi học hỏi không chỉ ở trên trường mà còn ở bên ngoài nhà trường; các em cũng nhận ra những gì đang diễn ra xung quanh mình, những thách thức đối với cộng đồng xã hội; các em có đam mê riêng theo đuổi mục tiêu nào đó.

Và cuối cùng, các em muốn làm điều gì đó để thay đổi thế giới hoặc làm cho thế giới tốt đẹp hơn”.

Đồng tình với quan điểm trên, anh Don Phan, Cử nhân tại Đại học Yale và hiện đang Quản lý Kinh doanh của công ty Amazon trao đổi rằng, thường các trường Ivy họ thu hút những sinh viên có nhiều tham vọng, thông minh xuất chúng, có mục tiêu cao, chủ động tạo động lực cho mình. Đây là những em sau này có thể vận dụng nguồn lực của nhà trường một cách tốt nhất.

“Tuy nhiên, sự phù hợp giữa học sinh và môi trường là điều quan trọng nhất trong việc các em quyết định chọn trường nào. Không một ai, kể cả cha mẹ thầy cô hay tư vấn viên du học nên cố để ép đẩy em nào đó nộp hồ sơ vào các trường top cao”, anh Don Phan nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho biết thêm, nhóm trường Ivy cũng thường thu hút con em đến từ các gia đình có truyền thống thuộc giới tinh hoa của Mỹ, ví dụ như con cái của các chính trị gia, các nguyên thủ quốc gia.

“Khi tôi đi học Harvard, lớp của tôi có bạn từng có chú là Tổng thống Hàn Quốc hoặc có những bạn đang trong lộ trình đi lên làm chủ tịch một Đảng ở nước họ.

Đó là những người gia đình có người nhiều thế hệ từng theo học ở trường này và họ đi theo truyền thống đó. Có thể phù hợp hay không phù hợp nhưng đó là sự kỳ vọng của gia đình đối với họ. Đấy là về mặt con người, môi trường”.

Về mặt đào tạo, anh Don cũng lưu ý, nhóm trường Ivy League không phải là nơi dạy các môn một cách tốt nhất và điều này có thể nhận thấy, ở bậc đại học các trường Ivy League sử dụng chương trình giáo dục khai phóng làm chương trình chính của họ.

Vì thế, những ngành liên quan đến khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản thì họ đào tạo rất là tốt nhưng những ngành về hướng nghiệp (quản trị kinh doanh, kỹ thuật) không phải là điểm mạnh của họ.

Ví dụ Harvard là trường nổi tiếng về Quản trị kinh doanh vì họ có trường Harvard Business School. Nhưng nếu bạn muốn học Quản trị kinh doanh bậc cử nhân mà lại vào Harvard sẽ rất thất vọng bởi vì ở bậc cử nhân thậm chí còn không có chương trình đó. Đó là đặc điểm của trường Ivy League mà các bậc phụ huynh cần cân nhắc kỹ trước khi hướng con em nộp đơn vào.

Thạc sĩ Đào Thu Hiền, người từng tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Harvard và học tại Đại học Columbia nhấn mạnh: “Chúng ta đồng ý rằng, trường Ivy League hoặc các trường top cao trong khoảng xếp hạng top 20 đổ lại của các đại học trên thế giới đều là những môi trường rất tuyệt vời cho những ai có mục tiêu tương đồng và mong muốn có môi trường tốt nhất để thực hiện các mục tiêu đó”.

Hành trình vào Ivy League: Ai sẽ là người hợp với nhóm trường “tinh hoa”? - 2
Thạc sĩ Đào Thu Hiền, người từng tốt nghiệp 2 trường Ivy League.

Đặc điểm của trường Ivy League khác biệt gì với các đại học khác?

Theo chị Đào Thu Hiền, nhóm trường Ivy League là những môi trường rất lớn và thu hút nhiều giáo sư giỏi, những người làm công tác nghiên cứu, đạt giải Nobel và các giải thưởng lớn khác đến.

Tại đây, họ có các dự án nghiên cứu đồng thời tham gia giảng dạy và giúp các em học sinh sinh viên khám phá bản thân, khai thác tiềm năng của mình và thúc đẩy các em phát triển xa hơn nữa (thách thức, cho ý tưởng, phản hồi về những ý tưởng của các sinh viên). Họ cũng là người tham vọng và họ nhìn ra các tài năng đó. Đó là một nguồn lực tốt cho sinh viên.

Thứ hai, mạng lưới sinh viên hoặc cựu sinh viên của trường này, cũng là người như vậy. Họ có tham vọng, mục tiêu cao, động lực rõ ràng và luôn luôn theo đuổi một cái gì đó.

Rất tham vọng và không ngừng đi lên, chính những người này sẽ trở thành những cộng sự, đồng nghiệp để tạo ra nguồn động lực cũng như một chút áp lực để các em sinh viên vào đó sẽ phát triển hơn nữa.

Điều cuối cùng, nguồn lực tài chính của đại học top cao rất là lớn. Riêng Harvard là trường có nguồn quỹ khổng lồ hơn các trường đại học khác (con số đó lên đến hơn 35 tỷ USD) và họ bây giờ chỉ dùng số tiền đó để đầu tư và lấy lãi ra để mang trở lại giúp sinh viên có thể chi trả học phí. Hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên và hoạt động của nhà trường cũng đến từ tiền đầu tư đó.

Những khoản đó không có nhiều trường đọ được với họ. Và như Đại học Harvard, họ tuyên bố, nếu thu nhập của gia đình dưới 60.000 USD/ năm thì các em không phải trả khoản nào cả từ tiền ăn ở đến tiền học phí.

Đây cũng là nguồn lực tuyệt vời cho các em học sinh đến từ Việt Nam, nơi mà không ít trường hợp học sinh gặp cản trở về tài chính gia đình trong theo đuổi việc học của mình ở nước ngoài.

“Nếu em có mục tiêu cụ thể, em không e ngại, nếu em muốn tìm môi trường rất cạnh tranh, em có đam mê, em có nội lực chủ động trong học tập và phát triển… nghĩa là cái gì em làm là của em chứ không phải do bố mẹ hay thầy cô gợi ý, thúc đẩy thì em sẽ phù hợp với môi trường này.

Ngoài ra các em cũng phải đủ trưởng thành để tận dụng được các nguồn lực xung quanh mình từ thầy cô, bạn bè, dự án, sự kiện…

Còn nếu những điều này chỉ nghĩ thôi các em đã thấy mệt mỏi, sợ hãi, mất động lực, cảm thấy quá áp lực, em cần môi trường tĩnh hơn, “hiền lành” hơn và có nhiều người hỗ trợ em theo cách bớt áp lực hơn thì có thể em sẽ hoạt động tốt hơn ở một môi trường khác.

Điều này không có gì sai cả, bởi mỗi con người cần một môi trường phù hợp nhất để phát huy năng lực, tài năng của mình. Nếu định hướng và chọn sai một chút thôi cũng rất đáng tiếc.

Chuyên gia Đào Thu Hiền kể: “Hồi ở New York tôi cũng tham gia vào một nhóm gọi là nhóm cựu sinh viên Harvard. Nhóm được lập ra để giúp những người đã từng đi học ở Harvard nhưng hiện tại đang gặp khó khăn.

Trong nhóm đó có nhiều người bị trầm cảm, bị áp lực, họ cảm thấy việc học ở Harvard là một áp lực, gánh nặng, vì gia đình muốn họ làm điều đó, họ không kết nối được với bạn bè khi đi học.

Điều đó làm họ mất động lực, đến giờ chưa làm được nhiều cho sự nghiệp của họ. Vì thế họ càng bào mòn sự tự tin của mình. Trong nhóm đó có nhiều người còn trẻ rất giỏi xuất chúng nhưng khi họ học Harvard ra thì chưa làm được nhiều cho sự nghiệp.

Tôi nghĩ đó là một phản ứng của việc quá nhiều áp lực đặt lên một đứa trẻ quá sớm, có thể sau này sẽ không tốt cho sự phát triển của các em. Đó là việc chúng ta phải trả lời câu hỏi cho chính mình: Đúng hay không đúng cho việc chọn ứng tuyển vào môi trường Ivy League”.

Từ phân tích trải nghiệm thực tế của ba chuyên gia đều không phải con nhà tổng thống hay "học giỏi" theo nghĩa truyền thống, có thể thấy Ivy League là môi trường tinh hoa không phải chỉ dành riêng cho con quan chức hay học giỏi xuất chúng, nhưng chắc chắn, nó không phải là lựa chọn phù hợp cho tất cả.

“Cá nhân tôi là người có mục tiêu rất rõ ràng, tôi tự tạo động lực cho mình, tôi luôn nghĩ rằng mình cần làm gì hơn nữa, tự tìm những nguồn lực cho mình làm gì đó chứ không phải chờ người khác nói rằng mình nên làm gì hoặc chờ người khác giúp đỡ thì mình mới vào được môi trường đó.

Và khi vào học tập ở môi trường Ivy League tôi cảm thấy rất thoải mái”, thạc sĩ Đào Thu Hiền chia sẻ thêm.

Ivy League là tên gọi của nhóm 8 trường đại học có hệ thống triết lý giáo dục và danh tiếng hàng đầu nước Mỹ: Đại học Harvard, Đại học Yale, Đại học Princeton, Đại học Brown, Đại học Columbia, Đại học Cornell, Đại học Dartmouth, Đại học Pennsylvania.

Với chất lượng đào tạo vượt bậc, 8 ngôi trường này thu hút số lượng lớn sinh viên tài năng và có trình độ học tập xuất sắc. Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp đa phần đều nắm giữ những vị trí lãnh đạo quan trọng, trở thành nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, vào Ivy League dường như là giấc mơ lớn của tất cả sinh viên khắp thế giới.

Mời độc giả đón đọc kỳ sau Hành trình vào Ivy League: P2 - "Công thức" nào để giành vé vào trường Ivy?

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm