Nghệ An:
Hàng nghìn người đội nắng lên chùa dự lễ khai bút đầu năm
(Dân trí) - Nắng nóng, đường dốc cao không ngăn được bước chân của hàng nghìn người ngược núi lên chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) dự lễ khai bút đầu năm. Hoạt động “lấy trí tuệ làm sự nghiệp” của người dân xứ Nghệ được tôn vinh trong hoạt động tổ chức hàng năm tại ngôi chùa này.
Sáng nay 9/2 (tức ngày mùng 5 Tết), tại chùa Đại Tuệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) diễn ra Lễ hội Hoa đào - Khai bút cầu trí tuệ. Tham dự lễ hội có đại diện Ban tôn giáo Chính phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An và lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
Đây là hoạt động được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh nét truyền thống tốt đẹp của người dân xứ Nghệ là “lấy trí tuệ làm sự nghiệp”. Mặc dù thời tiết nắng nóng, đường lên chùa quanh co, dốc đứng nhưng hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh đã đổ về để tham dự lễ hội.
Là hoạt động thường niên của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, Lễ Khai bút đầu xuân được tổ chức tại chùa Đại Tuệ, thể hiện sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống, mở mang trí tuệ cũng như giáo dục con cháu về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Chủ trì chùa Đại Tuệ cho biết: "Khai bút đầu năm là một hoạt động gắn liền với tâm hồn minh triết và đời sống trí tuệ. Do đó, khai bút chính là gieo hạt giống trí tuệ trong mỗi chính ta vào dịp đầu năm với mong muốn hành động chín chắn để mang lại sự an lạc, hạnh phúc cho mình và cho người.
Lễ khai bút cầu trí tuệ hôm nay với mong muốn noi theo truyền thống hiếu học của cha ông, cố gắng tu dưỡng đạo đức thật tốt và niềm tin, nghị lực thật vũng mạnh cho một năm mới tốt đẹp hơn. Qua đó, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước, niềm tin và lòng tự hào đối với dân tộc bốn nghìn năm văn hiến, đặc biệt là những giá trị văn hóa truyền thống cả dân tộc. Đó là tài sản vô giá của dân tộc mà các thế hệ con cháu cần bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện tại và mai sau”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là hoạt động tôn vinh người tài, khuyến khích sự học, phát huy truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ.
"Thông qua hoạt động này, người Việt Nam nói chung và người Nghệ An nói riêng sẽ không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức để học tập và rèn luyện thành tài, góp sức xây dựng quê hương, đất nước”.
Sau phần nghi lễ, các vị tăng ni cao tuổi và lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tổ chức khai bút, khai ấn, phát lộc bút, phát ấn cho phật tử và du khách thập phương. Tại khuôn viên của chùa, ban tổ chức cũng bố trí nhiều điểm viết chữ cho du khách. Hàng nghìn người dân xếp hàng trật tự để đến lượt xin chữ.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (quê Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết: “Đầu năm, gia đình tôi lên chùa, trước hết là để cầu bình an, may mắn, mọi việc hanh thông. Tôi cũng xin chữ “Sức khỏe” mong muốn mọi người trong gia đình có một năm khỏe mạnh. Có sức khỏe là có tất cả”.
Năm nào anh Nguyễn Cường (huyện Nam Đàn, Nghệ An) cũng lên chùa Đại Tuệ để thắp hương cầu bình an cho cả gia đình và vãn cảnh chùa. “Từ trên đỉnh núi Đại Huệ, phóng tầm mắt ra xung quanh, được ngắm mây bay, đồng ruộng xanh mướt, làng mạc trù phú… tất cả tạo nên một cảnh trí nên thơ, no ấm và bình yên. Tôi đến lễ hội khai bút cũng xin chữ An, cầu mong một năm mới an yên đến với gia đình mình và đến với mọi nhà”.
Ngoài Lễ Khai bút, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, tại chùa Đại Tuệ còn diễn ra các hoạt động như Lễ hội Hoa đào, Lễ hội Khai ấn, Lễ hội Hương sen Xứ Nghệ... dự kiến thu hút hàng vạn du khách.
Hoàng Lam