Hai bộ sách"biến mất": Sẽ lãng phí hàng trăm nghìn bộ sách giáo khoa lớp 1?
(Dân trí) - Từ 4 bộ sách giáo khoa, NXB Giáo dục Việt Nam hợp nhất còn 2 bộ. Theo lý giải của chuyên gia, việc hợp nhất không ảnh hưởng tới dạy học nhưng sẽ lãng phí vì năm sau nhà trường không chọn nữa.
Không muốn tự "làm khó"
Năm học 2020 -2021, học sinh lớp 1 trong cả nước học 5 bộ sách giáo khoa (SGK).
Năm bộ sách này gồm: SGK "Cánh Diều" của 2 Nhà xuất bản (NXB) Đại học sư phạm và 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam gồm: "Kết nối tri thức với cuộc sống", "Cùng học để phát triển năng lực", "Chân trời sáng tạo", "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục".
Tuy nhiên, theo quyết định phê duyệt Danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký ngày 9/2/2021, chỉ còn ba bộ sách: "Cánh Diều", "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" được phê duyệt sử dụng trong năm học 2021-2022.
Ở lớp 2, lớp 6 sẽ không còn 2 bộ sách: "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục".
Lý giải về điều này, NXB Giáo dục Việt Nam cho rằng, việc hợp nhất nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả.
Cũng theo đơn vị này, việc hợp nhất không ảnh hưởng việc dạy nhưng trên thực tế, một số địa phương từ năm nay không lựa chọn 2 bộ SGK lớp 1 "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" vì không muốn tự "làm khó" mình.
Chia sẻ với PV Dân trí, ông Lưu Quang Lợi, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, địa phương đang rà soát và tổng hợp số liệu xem các trường có nhu cầu chọn lại hai bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" và "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" cho lứa học sinh lớp 1 tới đây nữa hay không.
Quan điểm đưa ra, nếu các trường cố gắng chọn lại hai bộ SGK lớp 1 này sẽ đỡ lãng phí.
Tuy nhiên, nhà trường không muốn chọn nữa mà chọn sang sách khác để liên thông tốt hơn với SGK lớp 2, cũng đành phải tôn trọng bởi đó là quyền lựa chọn của các trường.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết, năm ngoái địa phương có khoảng 30.000 học sinh lớp 1.
Toàn bộ học sinh lớp 1 của địa phương này đều chọn một đầu SGK Tự nhiên xã hội thuộc hai bộ sách năm nay "biến mất".
Hiện địa phương đang cho rà soát lại xem năm học 2021- 2022, các trường có chọn lại đầu sách này nữa hay không. Danh sách chọn SGK sẽ được trình để Hội đồng của UBND tỉnh lựa chọn.
"Chúng tôi chưa có con số cụ thể nhưng có một số nơi muốn chọn lại SGK khác để dễ liên thông khi lên lớp 2, lớp 6", ông Hoàng cho biết.
Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cũng tiếc nuối, bởi nếu nhà trường không chọn lại, đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn cuốn SGK Khoa học tự nhiên lớp 1 bị bỏ phí.
"Về nguyên tắc, ở Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các nhà trường và giáo viên dùng cuốn SGK nào cũng được, bởi mỗi cuốn, chỉ khác nhau ở cách thể hiện một chút xíu.
Tuy nhiên thực tế, nhà trường sẽ không chọn những cuốn sách bị "bỏ rơi" nửa chừng vì như thế là tự "làm khó" mình.
Thay vào đó, sẽ có tình trạng các trường chọn những cuốn SGK có thể đảm bảo liên thông từ lớp dưới lên trên", ông Hoàng nói.
SGK chính, bỗng trở thành tham khảo
Ghi nhận năm học 2020- 2021, một trong những địa phương sử dụng bộ SGK lớp 1 "Cùng học để phát triển năng lực" nhiều nhất là Bắc Ninh.
Chẳng hạn, cuốn Âm nhạc 1 có tới 146 trường lựa chọn với hơn 25 nghìn học sinh; cuốn Mỹ thuật 1 có 121 trường lựa chọn với hơn 21 nghìn học sinh; cuốn Đạo đức 1 có 120 trường lựa chọn với hơn 21 nghìn học sinh…
Trao đổi với PV Dân trí sáng 16/3, ông Phí Hữu Quynh, Trưởng Phòng Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Ninh) cho biết, năm học trước, khoảng 2/3 số trường học trên địa bàn tỉnh chọn bộ SGK "Cùng học để phát triển năng lực".
"Chúng tôi biết thông tin bộ SGK này đã được "hợp nhất". Tỉnh đang rà soát lại xem năm học này, các trường còn tiếp tục chọn lựa bộ SGK này nữa hay không.
Với con số quá lớn như vậy, có thể các trường vẫn tiếp tục chọn lựa để đỡ lãng phí", ông Quynh cho biết.
Theo ghi nhận, ở nhiều tỉnh vùng cao, vùng khó khăn, các địa phương vẫn tận dụng SGK lớp trước cho học sinh lớp sau học lại.
Nhiều trường vẫn xây dựng tủ sách dùng chung, sau mỗi năm học lại huy động sách cũ để học sinh khóa sau sử dụng. Do đó, nhiều địa phương mong muốn SGK ổn định, không thay đổi nhiều để tránh lãng phí.
Tại tỉnh Sơn La, ông Hoàng cho biết, nếu năm học này nhiều trường không tiếp tục chọn SGK thuộc hai bộ trên, hàng nghìn cuốn SGK Tự nhiên xã hội lớp 1 năm ngoái ở địa phương này sẽ đưa cho giáo viên làm sách tham khảo.