Hà Nội: Nơi đông học sinh, nơi "khoanh vùng" dạy online vì lớp có F
(Dân trí) - Sau 4 ngày học sinh lớp 12 của toàn thành phố Hà Nội đi học trực tiếp, sĩ số một số trường cao hơn những ngày đầu. Cá biệt một lớp có học sinh F1, nhà trường "khoanh vùng" ngay lớp này theo quy định.
Nhiều trường có tỷ lệ học sinh đi học cao
Hôm nay 9/12 là ngày thứ 4 học sinh lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội trở lại trường học. Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Hà Nội, các đơn vị, nhà trường bố trí cho học sinh học giãn cách tại trường kết hợp với học trực tuyến.
Theo đó, 50% số lớp 12 học tại trường vào thứ 2-4-6; 50% số lớp còn lại học tại trường vào thứ 3-5-7. Các ngày còn lại, học sinh học trực tuyến.
Ghi nhận của PV Dân trí tại nhiều trường THPT tại một số địa bàn của Hà Nội, học sinh đi học khá cao. Tại một số trường, tỉ lệ học sinh đi học ngày càng cao hơn những buổi đầu tiên.
Cá biệt, có một trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội, sau 2 ngày học bình thường, sang ngày thứ 3, có một học sinh lớp đó là F1 vì một thành viên trong gia đình em này trở thành F0, ngay lập tức nhà trường cho lớp này học online để đảm bảo an toàn.
Trao đổi với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố, nhà trường đã chia ca theo ngày chẵn lẻ để tổ chức dạy học, song song với đó là dạy trực tuyến cho các em không thể đến trường.
Cụ thể, nhà trường có tổng cộng 765 học sinh lớp 12. Sau 4 ngày mở cửa trường học trở lại, mỗi buổi trung bình khoảng 22-25 học sinh không đến trường vì trong diện phong tỏa hoặc bị cách ly y tế…
Nhà trường đã truyền thông đến phụ huynh học sinh phối hợp thực hiện chủ trương đến trường trong điều kiện bình thường mới và quan trọng nhất là nguyện vọng của học sinh rất muốn đi học trực tiếp để chuẩn bị cho các kì thi quan trọng sắp tới.
"Trong quá trình giảng dạy, nhà trường luôn cập nhật tình hình diễn tiến dịch bệnh và yếu tố dịch tễ của học sinh. Đồng thời, nhà trường cũng chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi có tình huống khẩn cấp", cô Hiền nói.
Trường THPT Yên Hòa có số học sinh đi học trực tiếp ngày càng đồng hơn. Ngày đầu tiên đi học trực tiếp, toàn trường vắng nhất, khoảng 50 học sinh. Ngày thứ 2 vắng ít hơn một chút và sang ngày thứ 3 vắng khoảng 30 học sinh.
"Chưa biết những ngày tới, tình hình dịch Covid-19 diễn biến như thế nào nhưng nhìn chung tỉ lệ học sinh đến trường ngày càng cao so với những ngày đầu.
Hiện tại, mỗi ngày số học sinh vắng học hơn 20 em, tỷ lệ học sinh đến trường đạt khoảng 85-87%", cô Nhiếp cho biết.
Nỗ lực duy trì việc học ở trường
Chia sẻ về việc nếu tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng, số học sinh đi học có thể ít hơn, liệu nhà trường tiếp tục duy trì việc học trực tiếp hay không? Cô Nhiếp cho hay, căn cứ tình hình dịch bệnh cụ thể để có các phương án khác nhau.
Tại quận Ba Đình có toàn bộ 4 trường THPT và một TT Giáo dục Thường xuyên trên địa bàn đều cho học sinh đi học trực tiếp.
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho biết địa bàn hiện chưa có học sinh nào là F0.
Ngày 8/12, Trường THPT Phan Đình Phùng nghỉ học đông nhất: 28 em; THPT Phạm Hồng Thái: 17 em; THPT Nguyễn Trãi: 14 em; TT Giáo dục Thường xuyên: 7 em và THPT Đinh Tiên Hoàng: 4 em.
Tổng cộng toàn quận có 974/1.044 học sinh đi học trực tiếp, đạt tỷ lệ 93,30%.
Các học sinh nghỉ học trên địa bàn quận này chủ yếu trong diện F1,2; học sinh ở khu vực phong tỏa hoặc bị ốm và một số lý do khác.
Tại quận Thanh Xuân, theo Trưởng Phòng GD-ĐT, phần lớn các trường THPT trên địa bàn đều xin lùi lịch học trực tiếp sau ngày 10/12, tức là sau khi học sinh đã hoàn thành mũi 2 tiêm phòng Covid-19.
Trước đó, vào ngày 6/12, Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cho học sinh 13-14 tuổi, lô thuốc được tiêm trong đợt này có hạn sử dụng đến tháng 6/2022.
Trao đổi với PV, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, Sở đánh giá rất cao các trường dù có rất ít học sinh đi học nhưng vẫn tổ chức dạy học trực tiếp và linh hoạt các hình thức để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.
Chẳng hạn, Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng) có rất ít học sinh đến trường nhưng BGH vẫn nỗ lực duy trì việc học tập ở trường khi các em có nhu cầu. Cách làm này điển hình cho nỗ lực để trường học có thể dần mở cửa trở lại.
Với những trường hiện dựa trên ý kiến của phụ huynh chưa tổ chức dạy học trực tiếp, ông Tiến cho rằng tại cuộc họp với lãnh đạo các trường THPT sáng 8/12, Sở GD-ĐT đã quán triệt chỉ đạo hiệu trưởng các trường phải có trách nhiệm, một mặt cần tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về công tác phòng, chống dịch của nhà trường để giúp phụ huynh yên tâm; mặt khác phải giúp gia đình và học sinh hiểu giá trị của việc các em đi học trực tiếp.
Theo ông Tiến, hiệu quả của việc đi học trực tiếp cũng như công tác phòng dịch nghiêm túc ở trường sẽ lan tỏa và giúp thay đổi quan điểm đối với những phụ huynh và học sinh vẫn còn e ngại đến trường trực tiếp.