Hà Nội: Nhiều lao động có trình độ đại học tìm kiếm việc làm
(Dân trí) - Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tháng 9 vừa qua, khoảng hơn 16.000 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, trong đó hơn 25% trình độ đại học trở lên.
Thông tin trên vừa được đưa ra tại lễ ra mắt mạng lưới đối tác và cổng thông tin việc làm của Trường ĐH Thương mại sáng nay (26/10).
Số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, tháng 9 vừa qua, khoảng hơn 16.000 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm, trong đó hơn 25% trình độ đại học trở lên.
Người lao động tìm kiếm việc làm chủ yếu tập trung ở nhóm tuổi từ trên 35 chiếm hơn 46%, nhóm 25-34 tuổi chiếm hơn 42%.
Đa phần lao động đang tìm kiếm việc làm trên thị trường là những lao động có tay nghề không ổn định, thấp hoặc thậm chí là không có tay nghề.
Sở dĩ như vậy vì khi phải cắt giảm lao động, doanh nghiệp thay thế lao động chân tay, trình độ thấp. Lao động có trình độ cao được ưu tiên giữ lại, bởi họ có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc hơn.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Vinh Trường, Trưởng Phòng Phân tích - Dự báo thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, nhiều trường đại học đang thay đổi mạnh mẽ.
Các nhà trường thông qua nhiều hình thức để hỗ trợ tối đa cho sinh viên, giúp các em tìm kiếm việc làm nhưng không phải sinh viên nào cũng có kỹ năng tìm được việc làm sau khi ra trường.
Do đó, việc một trường đại học có cổng thông tin việc làm rất hợp với xu thế, gắn đào tạo với thực tiễn.
Theo PGS,TS Nguyễn Đức Nhuận, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại, việc đào tạo nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội luôn là một trong những mục tiêu mà các trường đại học luôn hướng tới.
Hoạt động hướng nghiệp, quan hệ doanh nghiệp và việc làm cho sinh viên trong quá trình đào tạo đang có vai trò vô cùng quan trọng.
Với việc chính thức công bố các đơn vị đối tác và ra mắt cổng thông tin việc làm, các em sẽ có cơ hội được kết nối với thị trường lao động, tìm kiếm cho mình cơ hội việc làm, cơ hội được thực hành, thực tập tại doanh nghiệp.
Thông qua hệ thống giới thiệu việc làm, nhà trường nắm được xu thế tìm kiếm công việc của sinh viên, từ đó giúp nhà trường thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với xu thế.
Cũng theo đại diện nhà trường, bên cạnh các công việc được gợi ý từ hệ thống, các tổ chức, doanh nghiệp đối tác có thể đăng tin tuyển dụng trên cổng.
Nhà trường cũng tạo sẵn tài khoản trên cổng thông tin việc làm cho sinh viên đại học chính quy các khóa 57-60, mật khẩu được gửi vào mail cho từng em. Việc tìm kiếm việc làm được thực hiện trực tuyến, đơn giản và nhiều thông tin đa chiều.
Sinh viên có thể vào đăng nhập, đổi mật khẩu, cập nhật thêm/thay đổi thông tin các nhân của mình và thực hiện các thao tác như: Tạo CV, tìm kiếm các thông tin về hướng nghiệp, tuyển dụng và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Năm 2024, Trường ĐH Thương mại tăng 100 chỉ tiêu, tuyển sinh thêm 10 chương trình mới, trong đó 8 chương trình thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, gồm Logistics và xuất nhập khẩu.
Trường ĐH Thương mại hiện có 38 chương trình đào tạo, trong đó 27 chương trình đào tạo chuẩn, 3 chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp, đặc biệt 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế (IPOP) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024.
8 chương trình đào tạo IPOP gồm: Quản trị kinh doanh (ngành quản trị kinh doanh); marketing thương mại (ngành marketing); kế toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (ngành kế toán); logistics và xuất nhập khẩu (ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng); thương mại quốc tế (ngành kinh doanh quốc tế); tài chính- ngân hàng thương mại (ngành tài chính- ngân hàng); quản trị nhân lực doanh nghiệp (ngành quản trị nhân lực); quản trị khách sạn (ngành quản trị khách sạn).