Trình độ Cao đẳng khi mới 19 tuổi có dễ kiếm việc làm?
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh lo lắng học sinh tốt nghiệp THCS theo học chương trình 9+, chỉ sau 4 năm là tốt nghiệp và có bằng cao đẳng khi mới 19 tuổi thì khó kiếm việc làm.
Chương trình 9+ rút ngắn thời gian có bằng Cao đẳng
2 năm gần đây, các trường Cao đẳng trên địa bàn TPHCM rầm rộ quảng cáo tuyển sinh chương trình 9+ với rất nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian học tập, giảm chi phí đào tạo và cam kết khi ra trường sẽ có việc làm ngay.
Hệ đào tạo này dành cho học sinh tốt nghiệp THCS đi theo con đường học nghề với chương trình học văn hóa THPT và Trung cấp trong thời gian đầu. Sau khi có bằng Trung cấp, các em sẽ liên thông lên Cao đẳng với thời gian học tập tổng cộng 4 năm là tốt nghiệp.
Như vậy, các em ra trường khi chỉ mới 19 tuổi, có trình độ Cao đẳng và tham gia thị trường lao động. So với học sinh tốt nghiệp THPT rồi mới học Cao đẳng thì hệ đào tạo 9+ rút ngắn được từ 1-2 năm học, giảm thiểu chi phí học tập cho gia đình.
Ông Võ Công Trí, Phó giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn cho biết: "Tốt nghiệp THCS rồi vào thẳng Cao đẳng là hướng đi mới tạo thêm nhiều cơ hội cho các em học sinh. Sau 4 năm, các em sẽ được cấp Giấy xác nhận hoàn thành chương trình tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp Cao đẳng chính quy, có thể học chuyển tiếp lên Đại học…".
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM nhận định: "Nếu các em lớp 9 chọn vào lớp 10, 3 năm sau tốt nghiệp lớp 12, vào ĐH thì mất 7 năm mới tốt nghiệp, vào Cao đẳng cũng mất khoảng 5, 6 năm. Còn tốt nghiệp THCS qua hệ 9+ thì có thể rút ngắn được thời gian và chi phí học tập".
Ưu thế lớn hơn nữa là học sinh tốt nghiệp THCS theo học hệ 9+ còn được hưởng chế độ Nhà nước cấp bù học phí theo chính sách phân luồng học sinh THCS vào trường nghề. Đây là khoản tiết kiệm không nhỏ trong chi phí 4 năm theo học hệ đào tạo này.
19 tuổi có trình độ Cao đẳng là quá trẻ?
Ưu thế của chương trình 9+ là rất lớn so với các hệ đào tạo nghề khác. Tuy nhiên, điều các phụ huynh học sinh lo lắng là chất lượng đào tạo và khả năng ra trường các em có khó kiếm việc hay không?
Tại chương trình tọa đàm trực tuyến "Hướng đi lớp 10 công lập có phải con đường duy nhất?", một phụ huynh đặt thẳng vấn đề về hệ 9+: "Đối với các em học sinh có trình độ Cao đẳng khi mới 19 tuổi thì cơ hội việc làm, con đường thăng tiến có rõ ràng không?".
Trả lời câu hỏi này, bà Phạm Hồng Loan, Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Công nghệ Bách Khoa (đơn vị thường tiếp nhận sinh viên của trường Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn tổ chức đến thực tập và làm việc) cho rằng: "Tuổi tác và bằng cấp không có liên quan gì đến việc đánh giá nhân sự để tuyển dụng hay xác định cơ hội thăng tiến!".
Theo bà Hồng Loan, tiêu chí mà doanh nghiệp dùng đánh giá nhân sự để tuyển dụng, xác định cơ hội thăng tiến là ở năng lực chuyên môn (70%) và thái độ làm việc (30%).
Trong đó, năng lực chuyên môn được thể hiện ở ba nhóm là kỹ năng thực hành (khả năng thực chiến, làm việc trực tiếp), kiến thức chuyên ngành (kiến thức lý thuyết, tư duy cốt lõi) và kỹ năng mềm (làm việc nhóm, thuyết phục, quản lý thời gian, giao tiếp...).
Còn thái độ làm việc thể hiện qua tác phong làm việc, đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật lao động, cách giao tiếp với mọi người, cách viết email, trình bày CV, trình bày báo cáo…
Bà Phạm Hồng Loan đánh giá cao thái độ làm việc và kỹ năng nghề của sinh viên Cao đẳng. Vì sinh viên hệ này thường có một học kỳ doanh nghiệp, đến làm việc tại doanh nghiệp trong 6-8 tháng nên rất am hiểu công việc, ra trường là làm được việc ngay.
Ông Trần Anh Tuấn cũng đồng tình: "Nhiều chuyên gia lo ngại thời gian đào tạo của hệ 9+ quá ngắn, liệu khi ra trường các em có bị thiếu văn hóa, thiếu chất lượng… Đừng đánh giá học sinh mình yếu kém vậy, thời đại này các em tiếp cận kiến thức rất nhanh. Mô hình này cũng đã được nhiều nước tiến bộ áp dụng và thành công".