GS.TS Nguyễn Thị Doan tái đắc cử Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Ngày 1/12, tại Đại hội đại biểu Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI, GS.TS Nguyễn Thị Doan đã tái đắc cử Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2021- 2026.

GS.TS Nguyễn Thị Doan tái đắc cử Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - 1

GS.TS Nguyễn Thị Doan tái đắc cử Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2021- 2026 (Ảnh: Mạnh Quân)

Danh sách Lãnh đạo Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2025 như sau:

1. Bà Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

2. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

3. Bà Phạm Thị Hòe, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

4. Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (không chuyên trách).

5. Bà Trương Thị Hiền, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, phụ trách phía Nam.

6. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

7. Bà Lê Nữ Thùy Dương, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (không chuyên trách).

Danh sách Ban Thường vụ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam khóa VI nhiệm kỳ 2021- 2026, gồm 36 ủy viên (xếp theo vần A,B,C...) như sau: 

TT

Họ và tên

Chức vụ/ Đơn vị

1  

Phạm Tuấn Anh

Tổng Biên tập Báo Điện tử Dân trí

2

Nguyễn Huy Cận

Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Hồ Chí Minh

3

Nguyễn Thị Doan

Nguyên Ủy viên BCHTW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam

4

Nguyễn Thị Dung

Nguyên Trợ lý Phó Chủ tịch nước, dự kiến Trưởng Ban Tổ chức Cơ quan Trung ương Hội

5

Nguyễn Tiến Dũng

Phó Chánh Văn phòng, Dự kiến Trưởng Ban Công nghệ thông tin Cơ quan Trung ương Hội

6

Lê Nữ Thùy Dương

Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành. Dự kiến Phó Chủ tịch Trung ương Hội (không chuyên trách)

7

Hoàng Duy Đỉnh

Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Hải Phòng

8

Nguyễn Hữu Độ

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội (không chuyên trách)

9

Cao Đức Hải

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lào Cai

10

Nguyễn Thị Kim Hải

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ

11

Trương Thị  Hiền

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam

12

Vũ Mạnh Hiền

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình

13

Phạm Huy Hoàn

Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam

14

Phạm Thị Hòe

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam

15 

Lê Mạnh Hùng

Nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Dự kiến Phó Chủ tịch Trung Hội kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội

16

Bùi Thị Hương

Giám đốc Nhà Xuất bản Dân trí

17

Trần Đình Liễn

Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Đà Nẵng

18

Trần Quang Mẫn

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Khánh Hòa

19

Nguyễn Thị Ngọc Minh

Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Hà Nội

20

Nguyễn Xuân Ngọc

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng

21

Tô Quang Phán

  (Tô Phán)

Nguyên Thành ủy viên, nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới.

22

Hòa thượng

Thích Thanh Quyết

(Lương Công Quyết)

Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Hà Nội, UV ĐCTUBTW Mặt trận Tổ quốc VN

23

Đỗ Văn Sáng

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam

24 

Nguyễn Hồng Sơn

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam

25

Đỗ Thị Thìn

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Nguyên

26

Nguyễn Thị Thọ

Chánh Văn phòng Cơ quan Trung ương Hội

27

Nguyễn Xuân Thủy

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo và Đào tạo

28 

Lê Minh Trọng

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Tây Ninh

29

Võ Lê Tuấn

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Long An

30

Trương Tiến Tùng

Nguyên Hiệu trưởng, Thành viên Hội đồng  Trường, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Mở Hà Nội

31

Phan Công Tuyên

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế

32

Đồng Thị Bạch Tuyết

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang

33

Vương Văn Việt

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa

34

Trần Xuân Vinh

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình

35

Trần Thị Anh Vũ

Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Trung ương  Hội, phụ trách phía Nam

36

Nguyễn Thanh Xuân

Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Cần Thơ

GS.TS Nguyễn Thị Doan tái đắc cử Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - 2

Ban Chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam nhiệm kỳ 2021- 2026 (Ảnh: Mạnh Quân)

Mục tiêu nhiệm kỳ VI (2021 - 2026) là hình thành và phát triển phương thức học tập suốt đời có tính mở, tạo điều kiện và thúc đẩy người lớn học tập thường xuyên theo hướng kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến, học ở trường lớp, tại nơi làm việc, tại nhà trên cơ sở xây dựng các kỹ năng số cho người học, lấy tự học làm cốt.

Xây dựng và thực hiện mô hình công dân học tập với những năng lực cốt lõi và phẩm chất để có thể sống và làm việc trong điều kiện của nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số.

Thực hiện tốt các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập theo tiêu chí mới để tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc xây dựng các cộng động cấp huyện và cấp tỉnh, các thành phố học tập trong Đề án "xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" của Chính phủ.

Xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh làm nòng cốt trong phong trào khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng XHHT.

GS.TS Nguyễn Thị Doan tái đắc cử Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - 3

Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Khuyến học toàn quốc lần thứ VI (Ảnh: Mạnh Quân)

10 chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ VI như sau:

1. Đẩy mạnh việc phát triển các tổ chức Hội và hội viên theo hướng tiếp tục tăng về số lượng và nâng cao năng lực vận động nhân dân thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập theo yêu cầu chuyển đổi số quốc gia

- Đến cuối năm 2025, số lượng hội viên đạt tỷ lệ 25% so với dân số trong cả nước.

- Đạt tỷ lệ 80% trường cao đẳng, đại học và chuyên nghiệp có tổ chức khuyến học vào cuối nhiệm kỳ VI, tỷ lệ này ở hệ thống trường phổ thông cả 3 cấp là 85%.

- Tích cực vận động đảng viên ở cơ sở thôn bản, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn tham gia các chi hội khuyến học và ban khuyến học.

- Phát triển các Ban khuyến học tại các đơn vị trực thuộc của các cơ quan có ký các chương trình hợp tác với Hội khuyến học các cấp.

2. Đẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị trên cơ sở hoàn thiện và nâng cao chất lượng các mô hình học tập. Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2025

- Bảo đảm đến năm 2025, 50% người trong độ tuổi lao động của gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập đạt danh hiệu công dân học tập.

- 80% cán bộ công chức, viên chức trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị học tập được trang bị kỹ năng số cơ bản. 70% người trong độ tuổi lao động được phổ cập kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

- 90% cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn hành chính cấp xã theo học chương trình ngoại ngữ và tin học do nhà nước quy định.

- Trong gia đình học tập, mọi thành viên đều đạt chuẩn biết chữ mức độ hai trở lên.

- Đến hết năm 2025, 70% gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình học tập", 65% dòng họ được công nhận danh hiệu "Dòng họ học tập"; 65% cộng đồng (thôn bản, tổ dân phố và tương đương) được công nhận danh hiệu "Cộng đồng học tập"; 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... do cấp xã quản lý được công nhận đạt danh hiệu "Đơn vị học tập".

- Phối hợp với ngành giáo dục thúc đẩy các cơ sở giáo dục thường xuyên, các trung tâm… thực hiện chuyển đổi số, đạt tỉ lệ 80%.

3. Tổ chức tập huấn cho cán bộ, hội viên về các văn kiện của Đảng và Nhà nước có nội dung xây dựng xã hội học tập, trên cơ sở đó tham mưu với cấp ủy và chính quyền các cấp có các chủ trương, kế hoạch thực hiện chương trình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại địa phương

- Bảo đảm 100% cán bộ, hội viên các cấp được học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư, quyết định 489 QĐ-TTg, 749/QĐ-TTg, Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Tư vấn để cấp ủy và chính quyền các cấp tỉnh, huyện và xã đều có chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kết luận và quyết định về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

- Phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, mời các chuyên gia chia sẻ những kiến thức về xây dựng xã hội học tập, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, kỹ năng số và công dân số, thành phố học tập.

4. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh việc triển khai Thông tư 22/2020/TT-BGDĐT về tiêu chí đánh giá đơn vị học tập cấp huyện và tỉnh, xúc tiến việc xây dựng mô hình huyện học tập, tỉnh học tập

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Đề án "xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" theo Quyết định số 1373/QĐ-TTg.

- Các cấp hội phối hợp các cấp tương đương của ngành giáo dục phổ biến tiêu chí xây dựng mô hình đơn vị học tập cấp huyện (bao gồm cả thành phố trực thuộc tỉnh và cấp tỉnh (bao gồm thành phố trực thuộc trung ương); vận động nhân dân thực hiện vượt mức các chỉ tiêu xây dựng đơn vị học tập cấp huyện, cấp tỉnh/thành phố theo Thông tư số 22/2020/TT-BGDDT của Bộ GDĐT.

- Xây dựng hệ thống Trung tâm học tập cộng đồng theo hướng đổi mới, tiếp cận mô hình đào tạo có tính mở để góp phần hình thành những công dân học tập giai đoạn 2021 - 2026.

5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc triển khai các phong trào xây dựng các mô hình học tập trên địa bàn hành chính cấp xã theo các bộ tiêu chí đánh giá giai đoạn 2016 - 2020 có bổ sung các chỉ số đánh giá mới và cuộc vận động xây dựng mô hình công dân học tập

- Đổi mới hoạt động của Tạp chí Dạy và Học ngày nay, thành lập thêm tạp chí điện tử để mở rộng công tác thông tin, tuyên truyền của Trung ương Hội (Tạp chí Công dân Việt).

- Các Tạp chí in và điện tử, website của Trung ương Hội và hệ thống bản tin, nội san, trang tin điện tử của các địa phương bảo đảm việc cung cấp liên tục những thông tin về các cuộc vận động xây dựng các mô hình, những nhân tố mới của phong trào, những gương sáng về các mô hình học tập tiêu biểu. 

- Phối hợp chặt chẽ với hệ thống báo chí, Đài phát thanh, Đài truyền hình Trung ương và địa phương có các bản tin, các phóng sự, các bộ phim tài liệu về việc triển khai các mô hình học tập và công dân học tập. 

- Tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học về công dân học tập, về học tập suốt đời, về giáo dục người lớn, các phương thức học gắn với tự học, công dân số, chuyển đổi số quốc gia, hệ thống giáo dục mở… để làm sâu sắc sự hiểu biết của cán bộ Hội và hội viên về các Đề án được Chính phủ giao cho Hội chủ trì.

6. Phát triển quỹ khuyến học theo hướng đa dạng, mang lại hiệu quả cao của các suất học bổng cho học sinh, sinh viên, của các phần thưởng dành cho học sinh và người lớn có thành tích học tập tốt, hỗ trợ giáo viên có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ giáo dục vùng khó, hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

- Đạt mức trung bình của tiền quỹ toàn quốc tính trên đầu người từ 32.000 đồng đến 35.000 đồng vào năm 2026. 

- Vận động các trường phổ thông, chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học đều có quỹ khuyến học.

- Vận động các đơn vị học tập cấp huyện và cấp tỉnh xây dựng quỹ khuyến học.

- Quỹ khuyến học của Trung ương Hội và của các Tỉnh, Thành hội dành tỷ lệ thích đáng để hỗ trợ người lớn có hoàn cảnh khó khăn tham gia các lớp học, khóa học thường xuyên. Tăng cường phối hợp với các tổ chức xã hội, các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tổ chức các hoạt động thiện nguyện, các chương trình tài trợ, hỗ trợ cho giáo dục vùng khó, hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…

- Xây dựng biểu mẫu thống kê Quỹ khuyến học thống nhất ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

7. Tiếp tục mở rộng việc ký kết chương trình phối hợp với các bộ, ban, ngành và đoàn thể, tạo ra một liên minh các lực lượng gắn kết, chia sẻ và thúc đẩy các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

- Tổ chức hội nghị tổng kết kinh nghiệm xây dựng mô hình liên kết, hợp tác giữa Hội với các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể, củng cố mối quan hệ với các tổ chức đã ký kết chương trình phối hợp, kế hoạch hoạt động với Hội, mở rộng các sinh hoạt khoa học, các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm và thông tin để các bên gắn kết với nhau bền chặt hơn.

- Nội dung hợp tác tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, xã hội học tập, về xây dựng các mô hình công dân học tập, đơn vị học tập; chia sẻ các tài nguyên giáo dục mở, các khóa học trực tuyến, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học.

8. Đẩy mạnh việc học tập gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tư tưởng lấy tự học làm cốt, học không bao giờ cùng thông qua những hội nghị, hội thảo về xây dựng các mô hình học tập, về phương thức học tập mọi lúc mọi nơi trên cơ sở sử dụng công nghệ thông tin hiện đại

- Trung ương Hội và các Hội địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo, Hội nghị về cách học theo tinh thần "Học không bao giờ cùng" và con đường tự học của Người.

- Kết hợp việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác tuyên truyền về việc đổi mới và sáng tạo các phương pháp học, các phương thức học tập hiện đại.

9.Phát triển các hoạt động đối ngoại để tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài, thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu và phát triển xã hội học tập, kinh nghiệm xây dựng mô hình công dân học tập, thành phố học tập

- Xây dựng mối quan hệ trao đổi công việc liên quan đến những vấn đề xã hội học tập với tổ chức UNESCO ở Hà Nội và một số tổ chức giáo dục - khuyến học khác (nếu có điều kiện).

- Thông qua tổ chức UNESCO Hà Nội làm đầu mối, mở rộng quan hệ với một số tổ chức quốc tế đang làm nhiệm vụ nghiên cứu về công dân học tập, tổ chức học tập suốt đời, về giáo dục người lớn, về thành phố học tập và các chính sách phát triển xã hội học tập.

10. Tham gia đầy đủ và tích cực các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, thực hiện trách nhiệm xã hội của một hội quần chúng có tính chất đặc thù, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.