GS.TS Hoàng Văn Châu: “Tôi rất buồn vì giảng viên mạo nhận là Tiến sỹ”
(Dân trí) - Trước những luồng ý kiến dư luận trái chiều cho rằng Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương đã hết nhiệm kỳ công tác nên việc ra thông báo đối với bằng cấp là không đúng quy định, phóng viên <i>Dân trí</i> đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với GS.TS Hoàng Văn Châu.
Thưa Giáo sư (GS), có ý kiến cho rằng GS đã hết nhiệm kỳ Hiệu trưởng nên không có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật được nữa. GS có ý kiến thế nào về việc này?
GS Hoàng Văn Châu: Khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn chưa có quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng mới và tôi cũng chưa hết tuổi quản lý thì tôi vẫn tiếp tục làm việc bình thường vì trách nhiệm của mình trước Bộ trưởng và vì Nhà trường không thể không có người đứng đầu vào bất kỳ thời điểm nào.
GS.TS Hoàng Văn Châu
Theo nguồn tin riêng của Dân trí, ngày mai 6/5, Bộ GD-ĐT mới công bố Quyết định cho GS Hoàng Văn Châu thôi giữ chức vụ Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại Thương (do đã làm Hiệu trưởng hai nhiệm kỳ -PV). Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng công bố Quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng mới. Do GS Hoàng Văn Châu vẫn còn tuổi công tác nên Hiệu trưởng mới có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp hợp cho đến tuổi nghỉ hưu (nếu không có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi ) |
Khi phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét kỷ luật. Tôi đã ra thông báo này vào ngày 04/02/2015. Tôi cho rằng việc xử lý kỷ luật sẽ do Bộ GD-ĐT và Nhà trường tiến hành theo đúng thủ tục luật định. Đó chỉ là vấn đề về thủ tục và không thể bác bỏ được thực tế là ông M không có bằng tiến sỹ.
Chúng tôi đã làm việc với Tổ công tác của nhà trường về việc xác minh có hay không bằng tiến sỹ của ông N.H.M. Tại sao Nhà trường không chọn phương pháp đơn giản hơn là yêu cầu ông M xuất trình bằng tiến sỹ mà lại phải thành lập tổ công tác làm gì? Liệu có cần phải phức tạp như vậy không?
GS Hoàng Văn Châu: Như các anh đã tìm hiểu, báo cáo học tập của ông N.H.M khai đã bảo vệ luận án tiến sỹ ngày 28/2/2008 đạt kết quả tốt. Lý lịch khoa học ông M khai đạt học vị tiến sỹ nhưng sau khi rà soát hồ sơ của ông N.H.M lưu tại phòng Tổ chức hành chính không có minh chứng về bằng tiến sỹ của ông M nên nhà trường đã ra thông báo số 27/TB-ĐHNT ngày 04/02/2015 cho ông M về vấn đề này để nhà trường có thể hoàn chỉnh hồ sơ cá nhân cho ông M.
Báo cáo giải trình cá nhân của ông M ngày 06/02/2015 khẳng định hai nội dung: một là ông M chưa chính thức bảo vệ hay nhận bằng tiến sỹ, hai là giáo sư đồng hướng dẫn Max Peyrard khẳng định ông M đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ nghiên cứu năm cuối cùng và cần quay trở lại Pháp kể từ đầu năm 2008-2009 để hoàn tất các thủ tục bảo vệ và nhận bằng tiến sỹ.
Phòng Tổ chức hành chính của nhà trường đã liên lạc trực tiếp với bộ phận quản lý tiến sỹ của trường Đại học Paris 1, nơi ông M theo học tiến sỹ để tìm ra nguyên nhân nhằm hỗ trợ ông M hoàn thành nốt các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, trường Đại học Paris 1 đã khẳng định ông N.H.M có đăng ký học tiến sỹ dưới sự hướng dẫn của ông Alexandre Steyer, chứ không phải ông Max Peyrard và đã không bảo vệ luận án tiến sỹ ở trường.
Nhận thấy sự việc không đơn giản và cần có sự điều tra rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cho giảng viên, học viên và sinh viên cũng như nhà nước (do ông M đi học theo học bổng ngân sách nhà nước- Đề án 322), nhà trường thành lập Tổ công tác nhằm làm rõ sự việc.
Cũng có ý kiến cho rằng ông M bị nhà trường trù dập. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
GS Hoàng Văn Châu: Tôi không hiểu ai trù dập, trù dập ông M về việc gì? Ông M vẫn hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, tham gia các hoạt động với sinh viên và của nhà trường bình thường, được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích của một giảng viên. Vậy thì minh chứng ông M bị trù dập là ở đâu?
Mọi phát ngôn hay bình luận đều phải có minh chứng mới thuyết phục được người nghe. Còn khi phát hiện ra việc ông M không trung thực, gian dối, không có bằng tiến sỹ mà khai là có bằng tiến sỹ thì việc ra thông báo yêu cầu xác minh giải trình là nghĩa vụ phải làm của người đứng đầu đơn vị. Tôi cho rằng dù Hiệu trưởng nào, đương nhiệm hay tương lai đều sẽ hành động như vậy.
Các thành tích trong việc giảng dạy của ông N.H.M luôn được Nhà trường ghi nhận. Nhưng những hành động của ông N.H.M trong thời gian vừa qua, như việc “đổ lỗi” cho Nhà trường (đại diện Nhà trường ký tên, đóng dấu vào Lý lịch Khoa học của ông M với học vị tiến sỹ, Khoa Sau đại học “tự” mời ông M giảng dạy cao học và ngồi hội đồng chấm luận văn thạc sỹ chứ không M không yêu cầu mời…) là rất nực cười và không thể chấp nhận được.
Nhà trường không tự soạn lý lịch khoa học cho ông M. Các giảng viên đều tự kê khai lý lịch khoa học và nhà trường chỉ xác nhận. Nhà trường không tự điền học vị tiến sỹ cho ông M, ông M tự khai lý lịch khoa học, lý lịch Đảng, trong đó tự nhận mình là tiến sỹ. Nhà trường cũng có sơ suất không kiểm tra lại việc kê khai của giảng viên, nhưng phải nói trường hợp kê khai sai đến mức nghiêm trọng như thế này thì có lẽ đây là lần đầu tiên nhà trường gặp phải.
Không ai có thể ngờ được một giảng viên lại có thể tự nhận mình là tiến sỹ trong một thời gian dài như vậy. Và tôi cũng rất buồn là thay vì nhận ra sai lầm của mình và sữa chữa, thì ông N.H.M, không biết vì động cơ gì hay ai đó xúi giục, còn cố tình tạo ra ra dư luận xấu làm ảnh hưởng đến nhận thức và tâm lý của rất nhiều sinh viên, đánh lạc hướng dư luận. Tất cả những ai yêu quý trường ĐH Ngoại Thương này đều nhận thấy những hành động của ông N.H.M ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Nhà trường.
Xin cảm ơn Giáo sư!
S.H (thực hiện)