GS. Nguyễn Minh Thuyết: Quyết sách hay phải được cụ thể hóa
Nói về vị trí quốc sách hàng đầu của phát triển giáo dục, đào tạo (GDĐT) được nêu trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XII, sử dụng hình ảnh so sánh giản dị: Một gia đình nghèo ở nông thôn nếu không đầu tư cho con học hành để có nghề nghiệp, việc làm tốt thì không đổi đời, khấm khá được.
Sức ép từ thực tiễn hội nhập
Thưa Giáo sư, trong Dự thảo Văn kiện khi đề cập đến vấn đề đổi mới GDĐT có nhấn mạnh đến sự gắn kết với KHCN với mục tiêu trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tại sao trong điều kiện hiện nay chúng ta phải chú ý hơn nữa đến điều này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Giáo dục luôn phải gắn kết với KHCN vì mục tiêu của giáo dục là đào tạo nguồn nhân lực thúc đẩy KHCN phát triển, nội dung của giáo dục luôn phải dựa trên thành tựu của KHCN.
Dự thảo Văn kiện nhấn mạnh sự gắn kết giữa GDĐT với KHCN, bởi vì, thời gian qua phương thức đào tạo trong nhà trường chưa gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu KHCN, nhà trường chưa gắn với đơn vị sử dụng lao động, trong đó có các cơ sở nghiên cứu KHCN. Học sinh phổ thông không nghiên cứu đã đành, mà sinh viên làm nghiên cứu khoa học cũng chủ yếu theo phong trào bề nổi, gần như đứng ngoài hệ thống nghiên cứu khoa học của nhà trường. Ngay cả các giảng viên, giáo viên cũng ít có thời gian thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học.
Chúng ta muốn đổi mới giáo dục cần phải có chương trình, phương pháp đào tạo tốt. Như vậy thì không thể không phát triển ngành khoa học giáo dục. Mình làm khoa học giáo dục tốt thì đỡ phải mày mò, làm theo kinh nghiệm. Một ví dụ cụ thể ở đây là trong quá trình xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông nếu có sự gắn kết giữa các chuyên gia về khoa học cơ bản với khoa học giáo dục thì sẽ tốt hơn rất nhiều.
Thứ hai, chúng ta phải gắn kết được hoạt động GDĐT với nghiên cứu KHCN trong nhà trường từ bậc phổ thông đến đại học để học sinh, sinh viên thu nhận được những kiến thức thực sự qua các nghiên cứu khoa học; nhà trường phải gắn kết với các đơn vị sử dụng lao động, cơ sở nghiên cứu khoa học.
Điều này có ý nghĩa thế nào khi áp lực nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế tri thức đã ở ngay sau lưng trong bối cảnh chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với việc ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á-Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…, theo giáo sư?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Khi có sự gắn kết chặt chẽ giữa GDĐT với KHCN thì chắc chắn chúng ta sẽ đào tạo được một đội ngũ nhân lực có kiến thức vững vàng, có kỹ năng lao động thuần thục, có năng lực giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, góp phần vào phát triển KHCN. Từ đó sẽ có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việt Nam đi sau nhiều nước, trong khi việc hội nhập sâu với kinh tế thế giới cũng đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường rất mạnh mẽ. Điều này khiến khả năng chống đỡ, ứng phó của DN Việt Nam, của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Do đó không có cách nào khác phải phát triển giáo dục để xây dựng được nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển KHCN để tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm hàng hóa, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế nước ta.
Đất nước ưu tiên phát triển giáo dục, phát triển KHCN không khác gì một gia đình nghèo ở nông thôn mà nếu không đầu tư cho con học hành để có nghề nghiệp, việc làm tốt và không đầu tư thay đổi cách làm ăn thì không đổi đời, khấm khá được.
Đấy là lý do phải coi phát triển GDĐT và KHCN là “quốc sách hàng đầu”.
Không làm cụ thể chúng ta sẽ “giậm chân tại chỗ”
Chúng ta có nhiều quyết định, quyết sách rất đúng, rất kịp thời trên nhiều lĩnh vực nhưng vấn đề thường nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Là một người gắn bó với lĩnh vực GDĐT, cá nhân giáo sư cho rằng cần phải làm thế nào để có thể hiện thực hóa những mục tiêu về đổi mới GDĐT, KHCN đề ra trong Dự thảo Văn kiện lần này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Việc gắn kết giữa GDĐT và KHCN là tất yếu nhưng trong thực tế còn rất nhiều thách thức. Trước hết, cần thay đổi từ ý thức nghiên cứu khoa học của mỗi giảng viên, giáo viên trong các cơ sở giáo dục đến xây dựng phương pháp làm việc khoa học trong hoạt động của các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức,… Cần phải có những biện pháp rất cụ thể, nếu không nghị quyết, văn kiện có hay đến mấy thì chúng ta sẽ vẫn chỉ “giẫm chân tại chỗ”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xây dựng lại bộ tiêu chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, nhất là giảng viên đại học về thời gian dạy, thời gian hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, làm đề tài khoa học, trình độ ngoại ngữ, tham dự hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế,…
Tôi cho rằng để đưa ra được những giải pháp cụ thể đã là khó nhưng tổ chức thực hiện thì còn khó hơn và phải từ những việc rất cụ thể, ngay từ ban đầu.
Một trong những điểm đáng chú ý là Dự thảo Văn kiện có đề cập đến vai trò của cộng đồng, xã hội, các thành phần kinh tế tham gia phát triển GDĐT. Giáo sư đánh giá thế nào về điều này?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Thời gian qua, xã hội hóa đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu học tập của người dân nhiều hơn.
Nhưng xã hội hóa giáo dục có 3 nội dung: xã hội tham gia phát triển giáo dục, xã hội tham gia quản lý giáo dục và xã hội tham gia hưởng thụ giáo dục. Chúng ta đã huy động được nguồn lực xã hội tham gia phát triển giáo dục nhưng 2 nội dung còn lại thì thực hiện chưa tốt.
Hiện nay, có thể nói giáo dục còn mang tính khép kín cao, chủ yếu ngành quản lý ngành. Vì vậy cần làm làm thế nào để hội đồng nhân dân, cộng đồng dân cư có thể tham gia quản lý để phát triển giáo dục. Ở nước ngoài, hội đồng quản trị của các trường là tổ chức quyết định đường hướng phát triển của nhà trường, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng. Hội đồng quản trị trường công lập thường có đại diện xã hội, cộng đồng.
Ví dụ, Học viện Nông nghiệp quốc gia Pháp ở thành phố Toulouse có nguyên tắc chủ tịch hội đồng quản trị không phải là người của trường mà đại diện của cộng đồng, xã hội. Ở các trường tư thục như Havard, Oxford thì hội đồng trường không chịu sự chi phối của các cá nhân, tổ chức đầu tư xây dựng trường.
Vì vậy, ở nước ta, trước yêu cầu thí điểm chuyển mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý, đầu tư, tôi cho rằng phải làm rõ hơn mô hình quản trị của các trường. Theo tôi, trước hết, phải đẩy mạnh thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục công lập.
Một điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ là đổi mới chức năng và cơ cấu của hội đồng trường. Hội đồng phải có thực quyền, trong đó có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng. Về thành phần, hội đồng trường cần có đại diện của xã hội. Đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập thì khuyến khích phát triển theo hướng phi lợi nhuận. Một điều kiện quan trọng để công nhận trường tư thục hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận là không có đại hội cổ đông, hội đồng quản trị không phải đại diện của các cổ đông và quyền quyết định công việc của nhà trường không phụ thuộc vào biểu quyết của các cổ đông lớn.
Nội dung thứ ba liên quan đến xã hội học tập. Tôi xin kể một trải nhiệm của mình: Năm 1992, tôi được cử sang Đại học Laval ở Canada dạy tiếng Việt. Hôm đầu vào lớp, tôi rất ngạc nhiên thấy chỉ có một nửa lớp là các bạn sinh viên trẻ, còn một nửa lớp là các vị đứng tuổi.
Trong số những người đứng tuổi có một số giáo sư của trường, một nhà ngoại giao, một bà nội trợ và một ông thợ ảnh. Hỏi ra mới biết các giáo sư đi học tiếng Việt vì phụ trách một số chương trình hợp tác hoặc có nghiên cứu liên quan đến Việt Nam; nhà ngoại giao thì làm việc ở Vụ Châu Á, phụ trách bộ phận Việt Nam, đi học một mình buồn, rủ vợ là một bà nội trợ đi cùng; còn ông thợ ảnh có vợ là người Việt Nam. Những người này đóng học phí đầy đủ, có mã số sinh viên và thi cử đầy đủ. Sau này, đi công tác nước ngoài nhiều, tôi mới biết có không ít trường hợp giáo sư trường này đi học chuyên đề của giáo sư khác nếu cần thiết cho bản thân hay công việc.
Nói điều này để thấy rằng chúng ta cần phải thay đổi quan niệm từ học vì bằng cấp sang học vì nhu cầu công việc hay nhu cầu đời sống của bản thân, cần gì học nấy, không phải vì bằng cấp.
Với một người làm giáo dục lâu năm thì Giáo sư hình dung sự phát triển GDĐT của Việt Nam sẽ ở vị trí nào sau 5 năm nữa?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Đại hội XII của Đảng được tổ chức khi Đảng đã ra Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cách đây 2 năm và cũng là lúc Việt Nam hội nhập rất sâu với thế giới. Chúng ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do cũng như tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Chúng ta cảm nhận rất rõ cơ hội phát triển cũng như sức ép, thách thức của sự hội nhập này. Trong bối cảnh như vậy, tôi hy vọng, những quan điểm, mục tiêu rất đúng đắn về GDĐT và KHCN trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng sẽ được hiện thực hóa, góp phần tăng tốc công cuộc phát triển toàn diện đất nước.
Hai vấn đề quan trọng nhất bây giờ là phải có những biện pháp cụ thể và nhân lực để tổ chức thực hiện chiến lược cùng những biện pháp đó. Và Đại hội là để giải quyết những vấn đề đó. Tôi mong muốn Ban Chấp hành Trung ương mới, cấp ủy mới ở tất cả các địa phương luôn luôn quan tâm đến phát triển giáo dục xứng với vị trí “quốc sách hàng đầu” của nó. Bởi vì kinh nghiệm hàng chục năm qua cho thấy dù đã có quyết tâm, chiến lược, biện pháp cụ thể và thay đổi nhân lực liên tục nhưng chỉ một mình ngành giáo dục cố gắng thì chưa đủ để xoay chuyển tình thế. Tôi cũng mong dư luận xã hội luôn nhìn nhận các vấn đề giáo dục với tinh thần khách quan, xây dựng, tạo niềm tin vào cái mới, tạo niềm tin cho thế hệ trẻ.
Xin cám ơn giáo sư!
Theo Đình Nam-Nguyệt Hà (Cổng thông tin điện tử Chính phủ)