GS Đàm Thanh Sơn về Việt Nam dự lễ ra mắt hai Viện nghiên cứu PRATI và TIAS

(Dân trí) - Ngày 9/8, hai viện nghiên cứu: Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa (PRATI – Phenikaa Research And Technology Institute) và Viện Nghiên cứu Tiên tiến Thành Tây (TIAS – Thanh Tay Institute for Advanced Study) đã ra mắt tại Hà Nội. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông và GS Đàm Thanh Sơn - ĐH Chicago, Mỹ đã tới dự.

Ngoài ra, tham dự buổi lễ ra mắt còn có gần 100 nhà khoa học, trong đó có nhiều nhà khoa học nổi tiếng tại Việt Nam và thế giới như: GS.TS. Mark H Rummeli – Viện Nghiên cứu Chất rắn và Vật liệu Leibniz Cộng Hòa Liên Bang Đức; GS. TS. Dirk Poelman – Đại học Ghent, Vương Quốc Bỉ; GS. TS. Sanglae Cho – Đại học Ulsan, Hàn Quốc; TS. Ferrari – Viện Quang tử và Công nghệ Nano, Cộng hòa Ý; Giáo sư Philippe Dollfus – Đại học Paris-Sud, Cộng hòa Pháp; GS. TS. Nguyễn Văn Hiếu – Đại học Thành Tây; PGS. TS. Phan Mạnh Hưởng – Đại học Nam Florida, Mỹ; PGS. TS. Đỗ Vân Nam – Viện Nghiên cứu Tiên Tiến Đại học Thành Tây; PGS. TS. Phạm Thành Huy – Viện Tiên tiến và Khoa học Công nghệ Đại học Bách Khoa…

Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa (PRATI – Phenikaa Research And Technology Institute) và Viện Nghiên cứu Tiên tiến Thành Tây (TIAS – Thanh Tay Institute for Advanced Study) thuộc Tập Đoàn Phenikaa.


Các thành viên của 2 viện PRATI và TIAS trong lễ ra mắt

Các thành viên của 2 viện PRATI và TIAS trong lễ ra mắt

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập Đoàn Phenikaa cho biết, Hai viện nghiên cứu PRATI & TIAS sẽ tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng, cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao, bao gồm: Các lĩnh vực khoa học cơ bản, ứng dụng; Công nghệ vật liệu (polymer, nano, gốm); Công nghệ in 3D; Tự động hóa, cơ điện tử; Điện tử, điện tử hữu cơ; Trí tuệ nhân tạo; Công nghệ thông tin; Khoa học y, sinh, dược; Nông nghiệp.

Trực thuộc trực tiếp Tập đoàn Phenikaa, Viện PRATI tập trung thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, phát triển và chuyển giao công nghệ, và các dịch vụ khoa học và kỹ thuật khác.

Viện PRATI đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu về khoa học và công nghệ trong và ngoài nước trong việc tiến hành các nghiên cứu đổi mới phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các công nghệ thích hợp.

Viện TIAS, với sứ mệnh trở thành một đơn vị hạt nhân cho sự phát triển của Trường đại học Thành Tây, sẽ ưu tiên thực hiện các nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển các công nghệ nguồn. TIAS thực hiện chức năng đào tạo của mình ở trình độ sau đại học.

TIAS đồng thời cũng xác định vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng khoa học và xã hội thông qua việc chủ trì tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước, hợp tác quốc tế trong việc đào tạo trình độ cao và tư vấn các giải pháp khoa học.

Mục tiêu của TIAS là trở thành một trung tâm nghiên cứu chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản, có vị thế và tầm ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế với các công trình khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín hàng đầu, các công nghệ ứng dụng trong thực tiễn đem lại hiệu quả kinh tế cao và có ảnh hưởng tích cực, các công nghệ gốc và sản phẩm công nghệ cao.


GS Đàm Thanh Sơn chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự buổi lễ ra mắt

GS Đàm Thanh Sơn chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự buổi lễ ra mắt

Tại buổi lễ ra mắt, GS Đàm Thanh Sơn - ĐH Chicago, Mỹ đã chúc mừng việc ra mắt của 2 viện và mong 2 viện thành công trong tương lai.

Được biết, GS Đàm Thanh Sơn vừa được Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế trao Giải thưởng và Huy chương Dirac 2018 cùng với 2 giáo sư khác là Subir Sachdev - ĐH Harvard và Xiao-Gang Wen - Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Các nhà khoa học giành Huy chương Dirac năm nay đã sử dụng vốn kiến thức rộng của mình về các lĩnh vực như khoa học vật liệu, hố đen và nguyên tử lạnh để hiểu thêm về các hệ thống nhiều bộ phận, nhằm chứng minh giá trị của phương pháp đa ngành.

Ba nhà khoa học giành Huy chương Dirac năm nay đều là những người dẫn đầu trong việc sử dụng các phương pháp liên ngành để giải quyết các vấn đề vật lý lý thuyết cụ thể. Theo đánh giá của BTC giải Dirac, cả ba nhà khoa học này đều là những tấm gương sáng cho hàng nghìn nhà khoa học đến từ những quốc gia đang phát triển.

Khoa học cần phải tự lực trước rồi mới đến hợp tác quốc tế

Theo ông Hồ Xuân Năng, ở hai viện nghiên cứu và trường ĐH Thành Tây, mỗi nơi đều có 3 hội đồng đánh giá. Một hội đồng tư vấn quốc tế độc lập với đội ngũ nhân sự hoàn toàn riêng rẽ, không giữ chức vụ cụ thể gì trong viện, trường. Mỗi viện PRATI và TIAS đều có từ 10 – 12 giáo sư trong hội đồng tư vấn quốc tế độc lập, một vài trong số họ cũng có mặt trong hội đồng tư vấn quốc tế của trường.

Riêng viện PRATI, trong hội đồng tư vấn quốc tế độc lập còn có những CEO và lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ lớn đến từ Pháp, Đài Loan, Hàn Quốc. Còn lại là hai hội đồng tư vấn và khoa học của viện, bao gồm cả những cán bộ cơ hữu trong viện và những cộng tác viên bên ngoài, thường xuyên xem xét những hoạt động khoa học và quản lý khoa học của viện.


Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông

Chúc mừng sự ra đời của hai viện nghiên cứu công nghệ cao PRATI và viện nghiên cứu tiên tiến Thành Tây TIAS, ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, công nghệ không chỉ là do chuyển giao mà còn do chính chúng ta nghiên cứu và phát triển.

Ông Hùng cho rằng, cần phải tự lực trước rồi mới đến hợp tác quốc tế…các viện nghiên cứu được thành lập tại Việt Nam sẽ là sự hội tụ tri thức toàn cầu, nhân tài của toàn cầu. Những doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có tài chính tốt phải đi tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao, bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Đây là trách nghiệm của các doanh nghiệp thành đạt của đất nước.

“Chúng ta kinh doanh có lãi là do thị trường 100 triệu người dân Việt Nam, là do ổn định chính trị, do kinh tế phát triển người dân mới có sức mua. Vì vậy chúng ta phải trả lại cho xã hội một phần lợi nhuận của chúng ta, cũng là đầu tư trở lại cho xã hội; để cho xã hội phát triển, và từ đó chúng ta sẽ lại kinh doanh tốt hơn và cũng là đầu tư cho tương lai của chính chúng ta. Chúng ta hi vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn nữa nhất là các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các viện nghiên cứu, nhất là nghiên cứu công nghệ cao” – ông Hùng bày tỏ.

Ông Hồ Xuân Năng khẳng định, Tập đoàn PHENIKAA cam kết đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu khoa học. Hiện nay với sự hội tụ và chung tay của trên 50 nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, hai Viện PRATI và TIAS có cơ sở để trở thành địa chỉ thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến làm việc, hợp tác nghiên cứu, nhằm tạo ra các ý tưởng khoa học, sáng tạo công nghệ, và sản phẩm mới hướng tới phục vụ tốt nhất sự phát triển của Tập đoàn nói riêng và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung.

Được biết, trong ngày ra mắt 2 viện này, Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Công nghệ Tiên tiến đã diễn ra. Các nhà khoa học đã trình bày về các định hướng nghiên cứu mới nhất các lĩnh vực vật liệu và công nghệ tiên tiến như: các vật liệu thấp chiều, vật liệu và linh kiện nano, vật liệu nano cho ứng dụng trong các lĩnh vực năng lượng, điện – điện tử hữu cơ…

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm