Giúp giáo viên Ngữ văn dạy học tích hợp

Tiến tới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh và tích hợp liên môn, giáo viên cần phải hiểu, cụ thể hóa những yêu cầu cơ bản của dạy học tích hợp và dạy học phân hóa đối với mỗi đơn vị bài học, mỗi môn học.

Tuy nhiên, giáo viên làm thế nào và cần có những năng lực gì để thực hiện thành công dạy học tích hợp - câu hỏi đó là trăn trở của rất nhiều giáo viên, trong đó có giáo viên Ngữ văn trước yêu cầu đổi mới. Trao đổi của hai giảng viên Trường ĐH sư phạm TP Hồ Chí Minh là Nguyễn Thị Ngọc Linh và Trần Thị Nâu phần nào giúp giải tỏa băn khoăn này.

Giúp giáo viên Ngữ văn dạy học tích hợp - 1

Phân tích chương trình học

Năng lực đầu tiên giáo viên cần có khi thực hiện dạy học tích hợp là năng lực phân tích chương trình học.

Sách giáo khoa các cấp được biên soạn theo hướng tích hợp. Ví dụ, đối với môn Ngữ văn, Văn học dân gian ở cấp tiểu học được đưa vào ở bài học Tập đọc, Kể chuyện với mục đích giúp học sinh nhận ra được bài học đạo đức;

Ở chương trình THCS, chương trình THPT, việc dạy tác phẩm Văn học dân gian đòi hỏi người giáo viên phải giúp học sinh hiểu nội dung và nghệ thuật, chú trọng đến đặc trưng thi pháp thể loại;

Văn nghị luận được đưa vào chương trình cấp THCS và THPT, giáo viên cần biết ở mỗi cấp có sự yêu cầu phát triển năng lực và kĩ năng ở những mức độ khác nhau như thế nào? Kiến thức liên môn giữa lịch sử, văn học hỗ trợ nhau ra sao?

Do vậy, giáo viên cần phải hiểu không chỉ bài học mình dạy mà còn phải biết ở cấp dưới học sinh đã học gì, các môn khác gần gũi đã cung cấp cho các em kiến thức gì để lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp.

Phát hiện, tổng hợp và liên hệ vấn đề

Trong dạy học tích hợp, năng lực cần thiết thứ hai giáo viên cần có là phát hiện, tổng hợp và liên hệ vấn đề.

Dạy học tích hợp gồm tích hợp ngang và tích hợp dọc, đòi hỏi giáo viên phải thấy mối quan hệ và sự nằm cùng một hệ thống của các kiến thức trong cùng môn học hoặc giữa các phân môn, giữa các môn học, giữa lí thuyết và thực tiễn.

Ví dụ, trong môn Ngữ văn, khi dạy một văn bản nghị luận trong phần Đọc văn, giáo viên có thể rèn luyện cho học sinh nhận biết kết cấu, lập luận của của một văn bản nghị luận. Từ đó, giúp học sinh rèn luyện kĩ năng lập luận trong viết văn nghị luận. Đây là kiểu tích hợp giữa các phân môn trong cùng một bộ môn (Văn - Làm văn).

Một kiểu tích hợp khác là tích hợp liên môn. Đây là quan điểm tích hợp mở rộng kiến thức trong bài học với các kiến thức của các bộ môn khác, các ngành khoa học, nghệ thuật khác, cũng như các kiến thức đời sống, qua đó làm giàu thêm vốn hiểu biết và phát triển nhân cách cho học sinh.

Chẳng hạn, khi dạy bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, giáo viên phải sử dụng kiến thức Lịch sử, Địa lý liên quan đến sông Bạch Đằng để giảng dạy cho học sinh.

Hay khi dạy Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu, giáo viên phải có nhiều kiến thức đời sống xã hội, cho học sinh thấy được nạn bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại trong xã hội đương thời. Từ đó, giáo viên hướng các em đến cách sống lành mạnh, có văn hóa.

Hay khi dạy môn Giáo dục công dân về Tình cảm gia đình, tình yêu... giáo viên có thể yêu cầu học sinh tìm các câu ca dao, tục ngữ Việt Nam nói về nội dung này. Từ đó, giúp cho học sinh vừa học lí thuyết vừa rèn luyện khả năng thực hành, sưu tầm.

Như vậy, để dạy học tích hợp đạt hiệu quả cao, giáo viên cần có năng lực phát hiện, tổng hợp và liên hệ vấn đề một cách đúng đắn và sâu sắc.

Lựa chọn kiến thức, vấn đề

Để thực hiện dạy học tích hợp, giáo viên cũng cần có năng lực lựa chọn kiến thức, vấn đề. Bởi vì không phải tất cả các bài học, các nội dung đều có thể tích hợp. Nếu tích hợp không hợp lí sẽ tạo nên sự “khập khiễng” hoặc sẽ mang nặng tính hình thức.

Chẳng hạn khi dạy đoạn trích Trao duyên (Trích Truyện Kiều của Nguyễn Du), giáo viên không nên hỏi câu hỏi liên hệ cuộc sống như: “Nếu là Thúy Kiều, em sẽ làm gì?”. Bởi vì câu trả lời của học sinh có khi đi ngược lại điều chúng ta mong muốn hướng đến. Hay khi dạy môn Toán giáo viên không thể tích hợp với môn Địa hay Sinh học ...

Nhìn chung, để dạy học tích hợp thành công, với các năng lực chung và năng lực riêng trên, giáo viên cần phải có kiến thức chuyên môn chắc chắn, kiến thức liên ngành rộng mở, kiến thức đời sống - xã hội phong phú và kinh nghiệm bản thân thì sự tích hợp sẽ phong phú và hợp lí hơn.

Theo Hải Bình

Giáo dục & Thời đại

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm