Giật mình khi học trò thích thú, hả hê với cái xấu

(Dân trí) - Ở TPHCM, chỉ trong một thời gian ngắn, hai vụ việc xảy ra liên quan đến lối sống, ứng xử của học trò rất đáng suy ngẫm. Một học trò lập hẳn một trang để bôi nhọ, nhục mạ nhóm nhạc, còn một nhóm học trò nườm nượp kéo nhau đi xem đánh nhau.

Sự việc xảy ra ở Trường THCS Ngô Quyền, Tân Bình, TPHCM dẫn đến nhiều tranh cãi nảy lửa về việc kỷ luật học sinh vì hành vi nhục mạ, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội. Gác lại cách xử lý của nhà trường, vấn đề khác rất cần được lưu tâm đang bị bỏ quên: học trò với hành vi nhục mạ, bôi nhọ người khác.

Em học trò lớp 8 lập hẳn một trang anti nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc thu hút không ít bạn học, cộng đồng. Việc một nam sinh không ưng, hay ghét một ban nhạc nổi tiếng "hút hồn" của nhiều bạn nữ cũng là điều dễ hiểu, rồi việc em lập trang anti-fan để "chống chọi" với fan của nhóm nhạc cũng có thể hiểu. 

Giật mình khi học trò thích thú, hả hê với cái xấu - 1

Học trò lập Anti-fan bôi nhọ, nhục mạ nhóm nhạc Hàn Quốc

Thế nhưng, nhiều người sẽ khó hình dung nổi, một học sinh lớp 8 sử dụng những hình ảnh, ngôn từ, lời lẽ bậy bạ, thô thục để thoá mạ, nhục mạ, bôi nhọ... người khác bằng một sự hả hê, sung sướng như lập kỳ tích. Niềm vui bằng sự chà đạp người khác - hay có thể nói cậu học trò vui sướng trên sự xấu xí và tàn nhẫn của bản thân!

Vì đâu? - Đó là câu hỏi cho tất cả chúng ta! Mà không chỉ em học sinh nói trên, quá dễ dàng để thấy nhiều học trò, bạn trẻ hả hê với việc bôi nhọ, nhục mạ người khác, thậm chí là hả hê trên nỗi đau khổ của người khác. 

Câu hỏi đó còn dai dẳng thì mới đây, một sự việc khác cũng ở TPHCM làm nhiều người phải lo lắng. Bắt đầu từ một clip ghi lại cảnh hai bạn giống học sinh cầm dao rượt nhau và trong clip này xuất hiện rất nhiều em mặc đồng phục của Trường THCS Đỗ Văn Dậy, Hóc Môn, TPHCM. 

Sau khi nhà trường xác minh thì được biết, các đối tượng đánh nhau là bên ngoài nhà trường. Còn học sinh trường xuất hiện trong clip là khi nghe tin có đánh nhau, các em đã rầm rộ.... rủ nhau đi xem.

Đây là hình ảnh hết sức quen thuộc trong các vụ bạo lực học đường. Vấn đề lo ngại chưa hẳn là những em đánh nhau mà xung quanh đó là những tiếng hò reo, thích thú chụp hình, quay lại clip. Các em có quá nhiều sự vui sướng, phấn khích trước hình ảnh bạn bè đánh nhau và lại đầy thờ ơ, vô cảm trước những lời kêu cứu. Hay các em dễ dàng tung hô những thứ tiêu cực, điều xấu như câu chuyện thần tượng Khá "bảnh"... 

Giật mình khi học trò thích thú, hả hê với cái xấu - 2

Nhiều học trò Trường THCS Đỗ Văn Dậy, Hóc Môn, TPHCM xuất hiện trong clip đánh nhau vì... rủ nhau đi xem (Ảnh cắt từ clip)

Sau sự việc, Phòng GD-ĐT Hóc Môn yêu cầu ban giám hiệu nhắc nhở học sinh toàn trường không được xem hay cổ vũ các vụ đánh nhau để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Tuy nhiên, đó chỉ về xử lý kỹ năng, còn vấn đề đáng suy nghĩ hơn là tại sao học trò chúng ta lại thích thú, bị lôi cuốn, hấp dẫn bởi những thứ tiêu cực, tàn nhẫn. Người ta đánh nhau mà các em rủ nhau đi xem như xem phim, xem biểu diễn nghệ thuật! Lòng nhân, hướng thiện, tình yêu thương của con người trong các em đang ở đâu?

Đây là câu hỏi cho tất cả mọi người. Cho nhà trường, cho gia đình, cho cha mẹ, cho thầy cô.

Tại hội nghị chuyên đề Bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường học năm học 2019-2020 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức mới đây, chuyên viên một Phòng GD-ĐT cảnh báo về một sự căng thẳng đang diễn ra ở học trò. Các em bài vở nhiều, áp lực học tập lớn nhưng lại rất hạn chế các hoạt động vui chơi, phát triển thể chất và thẩm mỹ. 

Trong khi giáo dục mới chú ý giải quyết căng thẳng chứ chưa thật sự quan tâm đến việc làm sao để trẻ tránh căng thẳng. 

ThS Nguyễn Thị Ngọc Bích, ĐH Sư phạm TPHCM cho biết những vấn đề của học trò như bạo lực học đường, vô cảm với bạo lực... thường xuất phát từ những áp lực, với độ tuổi học trò thường là những căng thẳng trong học tập. Hơn nữa, có thể ngoài đời các em bị bắt nạt nên các em có khuynh hướng lây lan cảm xúc, trở thành người đi bắt nạt người khác ở một môi trường khác.

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm