Xử lý học sinh “nhục mạ” nhóm nhạc Hàn Quốc: Người chê phản giáo dục, người khen hay!
(Dân trí) - Liên quan đến việc nhà trường "xử lý" nam sinh nhục mạ nhóm nhạc Hàn Quốc, nhiều người cho rằng nhà trường yêu cầu học sinh xin lỗi trước toàn trường, quay và công khai clip là phản giáo dục. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình, cho rằng trường muốn "giải cứu" em khỏi áp lực cộng đồng mạng.
Những ngày qua, việc xử lý học sinh (HS) "nhục mạ" nhóm nhạc Hàn Quốc xảy ra tại Trường THCS Ngô Quyền, Tân Bình, TPHCM gây ra tranh cãi nảy lửa với những ý kiến hoàn toàn trái ngược. Đặc biệt là cách để HS xin lỗi trước toàn trường, phía nhà trường quay lại và công khai clip HS xin lỗi về hành vi của mình.
Không thể chấp nhận!
Ngay sau khi sự việc này được thông tin, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc nhà trường yêu cầu học sinh xin lỗi trước toàn trường, quay lại clip rồi công khai là rất phản giáo dục. Nhất là nó đi ngược với nguyên tắc giáo dục cơ bản là khen công khai, phạt bí mật. Thậm chí, có ý kiến gay gắt cho rằng, cần phải kỷ luật lại quản lý nhà trường vì... kỷ luật sai quy định và thiếu giáo dục.
Chưa bàn tới vì sao học sinh bị kỷ luật, ThS Phạm Phúc Thịnh cho rằng, việc kỷ luật HS của trường này sai hoàn toàn với Thông tư 08 của Bộ GD-ĐT.
Trong quy định, theo ông Thịnh, không có hình thức kỷ luật đọc bản kiểm điểm trước toàn trường, không có hình thức đình chỉ học tập 4 ngày trong các hình thức kỷ luật. Chưa kể, liệu đã có hồ sơ, xem xét kỷ luật do giáo viên chủ nhiệm báo cáo về đề nghị chưa?
Đối với việc "phạt" HS trước toàn trường, thêm bước công khai clip HS xin lỗi, không ít người bức xúc cho rằng, trường xử phạt HS một cách phản giáo dục. Thông thường, cách này được hiểu là bôi nhọ HS, làm các em thêm áp lực, xấu hổ...
Nhiều người nói rằng, nhà trường đăng clip công khai xin lỗi lên là quá nhẫn tâm với HS.
Không phải bôi nhọ HS mà chủ yếu "chống giặc ngoài"
Sau những phản ứng từ dư luận, thầy Nguyễn Ngọc Thụ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ mình đã vội vàng, bị cảm xúc lấn át.
Liên quan đến sự việc này, từ nhiều tuần trước, phía nhà trường liên tục nhận được những tin nhắn yêu cầu nhà trường xử phạt học sinh Q. vì đã xúc phạm nặng nề nhóm nhạc BTS trên Facebook. Em M.Q và gia đình cũng nhận được những tin nhắn chửi bới, đe dọa sau khi Q. lập trang anti nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc, sử dụng những tranh ảnh ghép, ngôn ngữ thô tục để chửi rủa nhóm nhạc này.
Học sinh M.Q công khai xin lỗi vì những lập sử dụng những tranh ảnh ghép, ngôn ngữ hết sức thô tục nhục mạ nhóm nhạc Hàn Quốc (Ảnh cắt từ clip)
Thầy Thụ cho biết, trước khi kỷ luật, Ban giám hiệu đã làm việc với phụ huynh về việc yêu cầu HS công khai xin lỗi trước toàn trường. Sau đó, thầy nhờ một giáo viên ghi lại bằng điện thoại, sau đó chuyển cho người điều hành Fanpage Trường THCS Ngô Quyền (do cựu HS của trường lập) để đăng tải. Mục đích của việc làm này là nhằm xoa dịu sự giận dữ của cộng đồng hâm mộ đang tấn công vào nam sinh Q.
Bản thân thầy Thụ lúc đó nghĩ, làm vậy trước hết là để bảo vệ học trò mà không lường hết hậu quả. Bản thân thầy thừa nhận, mình không có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng.
Về sự việc này, chị Vũ Quỳnh Giang, làm trong lĩnh vực truyền thông tại TPHCM phân tích, mọi người đang nhằm vào đúng - sai "việc" kỷ luật HS, việc phạt các em công khai.
Nhưng trường hợp này, không đơn thuần là kỷ luật mà là vấn đề xử lý khủng hoảng. Chị không dám nói cách của nhà trường là tốt nhất nhưng là một cách "chấp nhận được" trong tình huống cụ thể này.
Chuyện kỷ luật HS thì quá đơn giản với nhà trường, cứ chiếu theo quy định để làm. Nhưng ở đây, trường đã quan tâm đến việc khủng hoảng mà trường, gia đình và học sinh M.Q đang phải đối diện, họ bị "tấn công" vì hành vi sai trái nghiêm trọng của chính em Q. trên mạng xã hội.
Hành vi nhục mạ, bôi nhọ người khác của em M.Q được em thực hiện một cách công khai. Em và gia định bị cộng đồng phản ứng, đe dọa. Việc em xin lỗi công khai là cần thiết, giải tỏa áp lực trước hết cho chính bản thân em.
Bôi nhọ, nhục mạ người khác công khai, bị tấn công công khai thì xin lỗi công khai là cách rõ ràng và hiệu quả nhất.
Một chuyên gia về trẻ em tại TPHCM đánh giá, nhà trường xử lý tốt trong trường hợp này. Xem clip em M.Q xin lỗi, thấy em đọc kiểm điểm, xin lỗi rất thoải mái - em đang đứng ra để xử lý vấn đề của chính mình - chứ không phải nhà trường đang bêu riếu hay bôi nhọ em.
Bản chất của clip là Q. xin lỗi chứ không phải là nhà trường đang xử phạt hay xúc phạm em. Làm sai công khai thì xin lỗi công khai là việc rất nên làm.
Các hình thức kỷ luật với em M.Q - chuyên gia này không bàn đến việc đúng hay sai quy định - nhưng rõ ràng mang tính nhắc nhở, răn đe, tạo cơ hội để em khắc phục nhiều hơn là xử phạt.
Theo chuyên gia này, mục đích của lãnh đạo nhà trường ở đây chủ yếu là "chống giặc ngoài", khi mà hành vi phản cảm của em M.Q làm cộng đồng phẫn nộ. Và HS được tạo điều kiện để để nói ra lời xin lỗi để "cứu" mình.
Ở góc độ giáo dục, đây có thể xem là trường hợp để các trường cân nhắc, xem xét. Nhiều quản lý, hiệu trưởng khi được hỏi, họ đều lắc đầu cho biết, không biết nên phải xử lý như thế nào thì tốt nhất trong trường hợp này.
Thông tư 08/1988 về khen thưởng và kỷ luật HS của Bộ GD-ĐT đã quá lỗi thời, nhiều vấn đề không bắt nhịp với đời sống hiện tại, nhất là những vấn đề phát sinh từ mạng xã hội.
Hoài Nam