Giáo viên xoay sang học kỹ năng sống, tính nghỉ việc để tập trung dạy thêm

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Cô Nguyễn Minh Phương, giáo viên tiểu học tại Quảng Ninh, cho biết sẽ cân nhắc việc đi học chứng chỉ kỹ năng sống để dạy cho trung tâm.

Cô Nguyễn Minh Phương là giáo viên dạy giỏi nhiều năm, có thâm niên công tác 18 năm. Từ trước Tết nguyên đán 2025, cô Phương đã hai lần được mời đi dạy kỹ năng sống cho một trung tâm gần nhà.

Lần thứ nhất cô từ chối, lần thứ hai cô nói để cô suy nghĩ thêm. Tuy nhiên, mấy ngày qua, cô Phương có ý định sẽ liên hệ lại bên trung tâm để nhận lời cộng tác.

"Tôi cũng thử tìm hiểu một số khóa đào tạo chứng chỉ kỹ năng sống để chuẩn bị cho công việc mới. Kể từ hôm tìm kiếm trên mạng, trang cá nhân của tôi tràn ngập tin nhắn rác quảng cáo khóa học", cô Phương chia sẻ.

Trên các diễn đàn dành cho giáo viên, nội dung quảng cáo dịch vụ cấp chứng chỉ kỹ năng sống và tư vấn đăng ký kinh doanh liên tục được đẩy vào phần bình luận. Cô Phương cho hay, đây là hai hướng đi của giáo viên tiểu học ở các vùng nông thôn sau Thông tư 29.

"Tại Hà Nội có nhiều trung tâm gia sư, trung tâm học thêm, trường tư thục để giáo viên lựa chọn. Còn giáo viên nông thôn nếu muốn làm thêm tăng thu nhập bằng chính chuyên môn của mình thì chỉ có cách đi đăng ký kinh doanh hoặc đi dạy kỹ năng sống với bậc tiểu học", cô Phương lý giải.

Thầy Nguyễn Trung Kiên, giáo viên dạy toán tại một trường tư ở Hà Nội, đang cân nhắc nghỉ việc để mở trung tâm học thêm "danh chính, ngôn thuận".

Giáo viên xoay sang học kỹ năng sống, tính nghỉ việc để tập trung dạy thêm - 1

Giáo viên làm công tác coi thi vào lớp 10 tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

"Giáo viên công hay tư đều bị kiểm soát bởi quy định không dạy thêm có thu tiền với học sinh chính khóa. Nếu còn dạy học tại trường, điều này vô cùng khó tránh. Để giữ danh dự cho mình, tôi nghĩ nghỉ việc là cách tốt nhất. 

Hơn nữa, nếu có thể mở một trung tâm có giấy tờ đàng hoàng, tôi cũng có thể hỗ trợ cho các đồng nghiệp của mình, để họ được sống bằng nghề và không lãng phí trí tuệ", thầy Kiên bày tỏ.

Theo luật sư Hoàng Văn Liêm, Văn phòng luật sư quốc tế L&P, Thông tư 29 quy định tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, giáo viên là viên chức không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Họ chỉ có thể đăng ký kinh doanh hộ cá thể.

"Thủ tục đăng ký kinh doanh hộ cá thể khá đơn giản. Giáo viên có thể tìm hiểu thủ tục qua cổng dịch vụ công quốc gia, sau đó nộp hồ sơ trực tiếp hoặc trực tuyến cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện", luật sư Liêm cho hay.

Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng Thông tư 29 đang chưa rõ ràng về việc có cho phép giáo viên trường công lập được đăng ký kinh doanh hay không.

"Điều 4 của Thông tư 29 quy định các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm nêu rõ ở điểm 3: "Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường".

Nếu chiếu theo quy định này, giáo viên công lập không được phép đăng ký kinh doanh hộ cá thể để dạy thêm mà chỉ có thể dạy thêm bằng hình thức làm thuê cho các trung tâm.

Tôi cho rằng cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn để làm rõ những điều giáo viên được làm và không được làm trong việc dạy thêm, học thêm", luật sư Liêm nêu quan điểm.

(*) Tên giáo viên đã được thay đổi.