Quảng Bình:

Giáo viên vượt rừng, băng suối “bắt” học trò đầu năm học mới

(Dân trí) - Cứ đầu năm học mới, các thầy cô giáo tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) lại cắt rừng, lội suối lên bản vận động học trò đến trường. Không ít lần các thầy, cô phải tìm tận rẫy xa, rừng sâu, thậm chí ở dầm cả tuần trong bản để “bắt” học trò đưa về lớp.

Cắt rừng, vượt suối “bắt” học trò!

Ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) người Mã Liềng được vận động về định canh, định cư ở các bản Kè, Cáo, Chuối từ những năm 90 của thế kỷ trước. Hiện nay, tộc người này có  hơn 100 hộ với khoảng 600 khẩu.

Những năm gần đây, nhờ sự trợ giúp từ các chương trình dự án và của các cấp chính quyền, người Mã Liềng đã làm quen dần với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, những tập tục lạc hậu vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của họ vẫn rất khó thay đổi. Đặc biệt là nhận thức về chuyện học hành của con cái.

Giáo viên vượt rừng, băng suối “bắt” học trò đầu năm học mới - 1

Tập tục lạc hậu vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của người Mã Liềng và rất khó thay đổi. Đặc biệt là nhận thức về chuyện học hành của con cái.

Cũng chính vì vậy mà việc đi vận động phụ huynh, thậm chí là lên tận rẫy, vào tận rừng để “bắt” học trò, đưa các em trở lại trường đã là việc không còn xa lạ đối với các thầy, cô giáo tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở (PTDTBT TH và THCS) xã Lâm Hóa.

Và khi năm học mới 2019-2020 đang đến gần, các thầy, cô của ngôi trường này lại tiếp tục chia nhau về các bản, làng của người Mã Liềng, vận động từ phụ huynh đến học sinh để đưa các em trở lại trường sau thời gian nghỉ hè.

Giáo viên vượt rừng, băng suối “bắt” học trò đầu năm học mới - 2

Để đưa học trò trở lại lớp, các thầy phải đến tận nhà vận động, khuyên nhủ các em.

Với kinh nghiệm nhiều năm đi vận động học trò, thầy Trần Văn Dương cho biết, điều khó khăn nhất đó chính là khi vừa thấy thầy, cô đến bản là học sinh nhanh chân trốn vào rừng. Chính vì vậy, muốn vào bản phải đến lúc chiều muộn, bởi đây là thời điểm dễ gặp phụ huynh và trời tối trò cũng khó trốn vào rừng.

Có nhiều lần, các thầy còn phải cơm đùm gạo bới cắt rừng vào rẫy của bà con để vận động học trò ra lớp. Bên cạnh đó, do ít hiểu biết nên nhiều bậc cha mẹ không chịu hợp tác cùng các thầy, cô động viên các em đến trường.

“Nhiều lúc mình đi gọi học trò và vận động phụ huynh để con đến trường họ cứ lần lừa mãi. Dân bản còn bảo “cha mẹ của nó có học đâu mà nó phải đi học, vào rừng đi bẫy thú còn có cái ăn". Có lúc thầy cùng cán bộ xã vào bản, thấy rõ trò đang đắp chăn nằm ngủ giữa sàn nhà mà ba mẹ kiên quyết nói đi rẫy rồi”, thầy Dương nhớ lại.

Giữ học trò cũng là “cuộc chiến” trường kỳ

Chuyện đi vận động học trò của giáo viên Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy cũng không ít chuyện bi hài. Thầy Hoàng Ngọc Lâm chia sẻ rằng, cứ buổi chiều là bà con đi rẫy về và thường tụ tập uống rượu, đúng lúc thầy vào bản không ngồi cùng thì bảo thầy khinh. Mà ngồi xuống là phải uống, có khi còn bị xin tiền đi mua rượu.

Giáo viên vượt rừng, băng suối “bắt” học trò đầu năm học mới - 3

Không chỉ vận động trò, các thầy còn vận động cả phụ huynh để các em được theo học con chữ Bác Hồ.

Để thay đổi nhận thức của cả một thế hệ con em người Mã Liềng về việc học tập, đòi hỏi sự miệt mài và tâm huyết của những người theo nghiệp gieo con chữ.

“Mình công tác ở trường cũng đã hơn chục năm, năm nào trường cũng có kế hoạch đi vận động học trò cả. Nói là vận động nhưng thực tế là đang đi “bắt” các em về vì các em không chịu đi học, thấy thầy đến là trốn mất. Có nhiều em các thầy cô phải đi 5 lần 7 lượt mới đưa được các em về trường”, thầy Lâm tâm sự.

Với các thầy cô tại trường PTDTNT TH và THCS Lâm Hóa, việc giữ học trò  cũng như một “cuộc chiến” trường kỳ. Không chỉ đầu năm học, mà dịp sau Tết nguyên đán, ngay cả giữa năm học, chuyện học sinh bỏ lớp vào rừng không quay lại thường xuyên xảy ra. Mỗi lần như vậy, các thầy cô giáo nơi đây lại khăn gói lặn lội tìm đến tận nơi đưa trò về lớp.

Thầy Nguyễn Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa cho hay, năm nay sắp đến ngày khai giảng nhưng còn thiếu 5 em học sinh người Mã Liềng chưa về trường. Ban giám hiệu nhà trường cũng đang rất sốt ruột. Các thầy cô cũng đang rất kiên trì để đến tận nhà vận động các em.

Giáo viên vượt rừng, băng suối “bắt” học trò đầu năm học mới - 4

Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa hiện có 34 giáo viên, với 213 học sinh. Trong đó có 120 học sinh người Mã Liềng. Các em được hỗ trợ chế độ bán trú với 3 bữa ăn/ ngày.

Thầy Tâm cũng chia sẻ, thiếu học sinh, đặc biệt là các em học sinh Mã Liềng không đơn giản là chuyện phổ cập. Chỉ cần thiếu một em là các em khác rất dễ bỏ học theo. Việc giữ được học sinh ở trường thường xuyên cũng là chuyện rất gian nan.

Được biết, Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Hóa hiện có 34 giáo viên, với 213 học sinh. Trong đó có 120 học sinh người Mã Liềng. Các em được hỗ trợ chế độ bán trú với 3 bữa ăn/ ngày.

Tiến Thành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm