Giáo viên trực Tết được hưởng tiền làm thêm giờ

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Theo quy định, giáo viên trực Tết được hưởng 300% tiền làm thêm giờ so với bình thường.

Tết Nguyên đán 2024, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ từ thứ năm ngày 8/2 dương lịch (tức ngày 29 tháng chạp năm Quý Mão) đến hết thứ tư ngày 14/2 dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng giêng năm Giáp Thìn).

Tuy nhiên, ngày thứ bảy và chủ nhật rơi vào thời điểm nghỉ Tết nên người lao động nói chung, giáo viên ở các nhà trường nói riêng sẽ được nghỉ tất cả 7 ngày (bao gồm 5 ngày Tết và cả 2 ngày nghỉ bù cho thứ bảy và chủ nhật).

Theo Điều 13 Luật Viên chức 2010, giáo viên nghỉ Tết sẽ được hưởng nguyên lương, không có quy định nào bắt buộc giáo viên phải trực Tết trong những ngày nghỉ.

Trường hợp giáo viên tham gia trực Tết từ ngày 8/2 đến ngày 12/2 (từ ngày 29 Tết đến hết ngày mồng 3 Tết) được chi trả tiền làm thêm giờ.

Giáo viên trực Tết được hưởng tiền làm thêm giờ - 1

Giáo viên trực Tết được hưởng 300% tiền làm thêm giờ so với bình thường (Ảnh: Hằng Thanh).

Trực Tết ngoài khoảng thời gian này, giáo viên sẽ không được chi trả tiền làm thêm giờ mà chỉ trực hành chính bình thường theo phân công của thủ trưởng đơn vị.

Cụ thể, căn cứ khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức 2010, giáo viên là viên chức khi làm thêm giờ được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập.

Tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:

Người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Người lao động làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm, ngoài việc trả lương theo quy định trên, còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ, Tết.

Mỗi ngày trực, sẽ có một người trực lãnh đạo (Ban giám hiệu) và một người trực hành chính nên 5 ngày này cũng chỉ cần tối đa 10 lượt trực.

Thông thường, những thành viên Ban giám hiệu sẽ luân phiên trực chính, trường loại I thì có thể mỗi người trực khoảng 1,5-2 ngày; trường loại II, loại III sẽ nhiều hơn.

Theo khung kế hoạch năm học 2023-2024 mà Bộ GD&ĐT ban hành, học sinh kết thúc học kỳ 1 trước ngày 15/1, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ 2 trước ngày 25/5 và kết thúc năm học trước ngày 31/5.

Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học:

Với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ 1 có 18 tuần, học kỳ 2 có 17 tuần).

Với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông).

Với lớp 9 và lớp 12 có 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có 16 tuần).

Với lớp 6, lớp 7, lớp 8 và lớp 10, lớp 11 có 35 tuần thực học (học kỳ 1 có 18 tuần, học kỳ 2 có 17 tuần).

Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm