1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Giáo viên trẻ phải vay nợ, xin tiền bố mẹ... để sống vì lương thấp

(Dân trí) - Ở độ tuổi mới ra trường khát khao cống hiến, đầy nhiệt huyết, háo hức, khám phá với nghề nhất nhưng rất nhiều giáo viên trẻ đã không thể theo nghề vì thu nhập không đáp ứng được cuộc sống tối thiếu.

"Rụng nghề" khi đầy nhiệt huyết

Năm học 2017-2018, cô T.H.V., tốt nghiệp ĐH Sư phạm TPHCM về công tác tại một trường tiểu học ở TPHCM. Trẻ trung, năng động, nhiều ý tưởng, cô đã đưa thêm một luồng gió mới vào hoạt động dạy học ở trường. Những tiết học theo dự án, đổi mới, kết nối với học trò... được cô giáo trẻ chia sẻ với đồng nghiệp, lan tỏa trên Facebook thể hiện phần nào nhiệt huyết, háo hức với nghề của cô.


Đồng lương thấp, nhiều giáo viên trẻ gặp thách thức khi bám trụ với nghề giáo. (Ảnh minh họa)

Đồng lương thấp, nhiều giáo viên trẻ gặp thách thức khi bám trụ với nghề giáo. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, chỉ qua một học kỳ, không chờ hết năm học, cô V. đã phải tạm biệt công việc, học trò khi đồng lương không đủ trang trải được cuộc sống tối thiểu. Tổng thu nhập khi đi dạy của cô chỉ 3 triệu đồng nên cô thường xuyên phải xin thêm tiền gia đình hay vay mượn bạn bè. Gần 7 tháng đi dạy, số tiền cô vay nợ để "nuôi mình" đã hơn chục triệu đồng.

"Trong những tháng đi dạy, tiền chi tiêu, sinh hoạt tôi vay bạn bè, còn cưới hỏi hay thăm viếng, phát sinh thì... xin bố mẹ. Không thể duy trì việc này nên tôi quyết định nghỉ dạy, tìm việc khác dù rằng tôi đam mê sư phạm từ nhỏ", cô V. cho hay. Hiện tại, cô V. đang làm cho một công ty giáo dục kỹ năng sống.

Bám nghề được lâu hơn cô V., sang năm thứ 3 đi dạy, thầy giáo trẻ Nguyễn D.T., từng dạy học dạy học ở Bình Tân, TPHCM cũng nghỉ việc sau thời gian trúng tuyển đầy háo hức. Thầy T. từng xác định sẽ gắn bó lâu dài với công việc nhưng thực tế không trôi chảy như thầy hình dung.

"Trong những tháng đi dạy, tiền chi tiêu, sinh hoạt tôi vay bạn bè, còn cưới hỏi hay thăm viếng, phát sinh thì tôi phải xin thêm bố mẹ" - cô T.H.V.

Mức thu nhập hơn 3 triệu đồng, thầy suốt ngày phải đau đầu tính toàn, chi tiêu tằn tiện hết sức cũng chỉ đủ "trụ" giỏi lắm được hơn nửa tháng, những ngày còn lại là gọi điện, nhắn tin... khắp mọi nơi tìm nguồn trợ giúp.

"Nhà tôi có 4 anh em và những anh em còn lại thay nhau hùn tiền nuôi một ông em làm thầy giáo. Bố mẹ ốm đau hay đóng góp gì trong nhà, tôi cũng được miễn hết", thầy T. chua chát cho biết.

Thầy kể, nhiều khi giáo viên trong trường rủ nhau đi ăn uống thầy tìm cách từ chối, nhiều khi muốn mua quà bánh kẹo, sách... để kết nối với học sinh mà đành chịu vì trong túi hết tiền. Thầy T. cho rằng, nếu không có hậu thuẫn từ gia đình hay làm thêm công việc khác thì giáo viên trẻ rất khó để theo nghề. Như thầy, tạm gác ước mơ, quyết định tìm việc khác trước hết là để.. tự lập, nuôi lấy thân mình.

Lấy gì nuôi thân để theo nghề?

Cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên trường tiểu học An Phú 2, Củ Chi, TPHCM cho biết, cô ra trường gần 15 năm, tổng thu nhập tính cả tiền 2 buổi, tiền vùng sâu vùng xa là khoảng 6 triệu đồng. Còn giáo viên mới ra trường, lại hợp đồng chỉ nhận theo hệ số lương 1,86 không có gì thêm. Cô chứng kiến nhiều giáo viên trẻ, ra trường đi dạy đã phải bỏ nghề vì không thể sống nổi với đồng lương "khởi đầu" đó.

Theo báo cáo của quận 11 trong năm học 2017-2018, mức thu nhập thấp nhất của giáo viên (thời gian công tác 1 - 5 năm) là 2.253.000 đồng. Ông Đặng Hoàng Đức, Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 chia sẻ, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay với đội ngũ chính là giữ chân giáo viên mới ra trường. Ở bậc mầm non, tiểu học công việc áp lực nhưng đồng lương quá thấp, nhiều người không đủ trang trải sinh hoạt nên họ bỏ việc.


Việc trả lương theo năng lực trong nghề giáo sẽ là động lực cho đội ngũ trẻ (ảnh minh họa)

Việc trả lương theo năng lực trong nghề giáo sẽ là động lực cho đội ngũ trẻ (ảnh minh họa)

Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TPHCM chia sẻ, bà rất buồn lòng mỗi khi phải tuyển hợp đồng giáo viên, như năm trước hợp đồng giáo viên tin học vì không có hộ khẩu ở thành phố, ở tỉnh nên giáo viên còn tốn kém tiền thuê trọ và rất nhiều khoản chi tiêu cơ bản. Đặc biệt giáo viên trẻ mới ra trường dạy các môn ít tiết như nhạc, mỹ thuật, thể dục, tin học... lại càng khó khăn, sẽ phải làm thêm rất nhiều việc.

Theo bà Hà, nghịch lý là giáo viên trẻ nhiệt tình, đầy năng lượng nhưng lương thấp nên rất khó để giữ chân các em bám trụ với nghề. Trong khi nhiều giáo viên lớn tuổi, hệ số lương cao nhưng lại sa sút trên nhiều mặt. Thế nên, rất cần thực hiện việc trả lương theo năng lực trong nghề giáo.

Theo báo cáo vào cuối năm 2017 của Bộ GD-ĐT, lương của giáo viên tiểu học/mầm non mới ra trường đang thấp hơn mức lương tối thiểu. Giáo viên thâm niên trên 25 năm lương 10,5 triệu đồng/tháng.

Mức thu nhập thấp tập trung nhiều vào số giáo viên trẻ mới ra trường, do mức lương khởi điểm được hưởng của giáo viên thấp, phụ cấp ưu đãi lại tính trên nền của mức lương cơ sở nhân với hệ số lương và chưa được hưởng phụ cấp thâm niên ngành do chưa đủ 60 tháng công tác. Cụ thể, tiểu học, mầm non nhận hệ số lương 1,86 và nếu có phụ cấp ưu đãi thì tổng lương cũng chưa đến 3.265.000 đồng.

Đây cũng là hai bậc học thiếu giáo viên nhiều nhất đang diễn ra ở các thành phố lớn.

Hoài Nam