Giáo viên tâm sự: Áp lực duy trì sĩ số học sinh trong mùa dịch Covid-19

(Dân trí) - Trong đợt nghỉ dài để phòng, tránh dịch bệnh Covid-19, bên cạnh áp lực chậm trễ chương trình, giáo viên chúng tôi còn canh cánh nỗi lo về áp lực duy trì sĩ số học sinh.

Một người bạn của tôi chủ nhiệm lớp 9 than thở về cậu học trò nghịch ngợm nhất lớp mới vừa nhắn tin cho cô giáo với lời lẽ chán nản về việc muốn bỏ học đi học nghề. Bạn bảo đọc tin nhắn của trò mà giật thót và lo lắng bất an suốt buổi. Hết gọi điện trao đổi với phụ huynh, bạn lại loay hoay liên lạc tìm hiểu nhóm bạn cùng lớp về tình trạng hiện tại của trò. Và cả buổi tối chuyện trò khuyên nhủ qua mạng xã hội, bạn vẫn chưa thể yên tâm về nguy cơ trò bỏ học.

Không chỉ một vài người bất an mà có lẽ đa phần nhà giáo hiện nay cũng đang nơm nớp lo lớp học giảm sĩ số sau thời gian dài nghỉ tết Nguyên đán rồi nghỉ phòng tránh dịch bệnh. Lâu nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng tôi lại quay cuồng vận động học sinh đến lớp bởi nhiều gia đình quyết định cho con cái nghỉ học sau Tết.

Khi bà con láng giềng, anh em họ hàng đi làm ăn phương xa trở về địa phương đem theo ít tiền bạc buông lời rủ rê, nhiều em học sinh vốn lười học nhanh chóng bị dụ dỗ bỏ học kiếm việc làm. Một số gia đình cũng dễ dàng buông xuôi với ý định học nghề, tìm việc của con cái nếu lâu nay đã chán ngán với thành tích học tập của con. Vậy nên trong khá nhiều trường hợp vận động học sinh trở lại trường sau Tết, dù cố gắng thế nào đi chăng nữa, chúng tôi cũng đã nhiều lần “nếm” mùi thất bại.

Năm nay, kỳ nghỉ Tết vừa dứt thì kỳ nghỉ phòng tránh dịch bệnh kéo dài lại ập đến. Nguy cơ học sinh lười học, buông bỏ sách vở và nhen nhóm ý định học nghề, tìm việc sẽ cao hơn hẳn. Nói vậy để thấy rằng bên cạnh nhiệm vụ bổ trợ kiến thức, ôn luyện bài vở cho học sinh trong kỳ nghỉ thì việc quan tâm duy trì sĩ số lớp cũng không kém phần quan trọng.

Nếu giáo viên chủ nhiệm theo dõi sát sao tình hình học sinh trong lớp, thường xuyên liên hệ trao đổi thông tin bài vở thì sẽ dễ dàng phát hiện em nào có nguy cơ bỏ học để vận động, khuyên nhủ. Còn ngược lại, viễn cảnh giảm sĩ số lớp sau khi trường học mở cửa trở lại có thể sẽ hiện hữu.

Bởi vậy, thời điểm này cần lắm vai trò của người giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình hiện tại của học sinh thông qua nhiều kênh thông tin liên lạc trong thời đại công nghệ số. Khi được “người mẹ thứ hai” giàu lòng yêu thương và kiên nhẫn quan tâm, hẳn là bọn trẻ sẽ thổ lộ nhiều điều về áp lực học hành, nỗi lo về các kỳ thi sắp tới, kể cả những vướng bận muộn phiền trong thời gian nghỉ phòng tránh dịch bệnh.

Lắng nghe tiếng lòng của con trẻ, chúng ta sẽ kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các con để có thể kịp thời động viên, san sẻ áp lực và uốn nắn những ý định còn non nớt, đầy nông nổi, trong đó có nguy cơ bỏ học đi tìm việc.

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!