Giáo viên lên tiếng về mặt trái của dạy thêm, học thêm

(Dân trí) - Chưa bao giờ dạy thêm, học thêm lại được dư luận quan tâm đặc biệt như hiện nay. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đã dành một mục quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm. Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm, chỉ cấm dạy thêm sai quy định.

Học thêm là nhu cầu của học sinh. Dạy thêm đúng quy định là việc làm thêm tạo nguồn thu nhập chính đáng cho giáo viên. Không ai có thể phủ nhận mặt tích cực của dạy thêm, học thêm. Dạy thêm, học thêm tích cực nên nó có lý do để tồn tại. Tuy nhiên bên cạnh mặt tích cực, dạy thêm học thêm có những mặt trái thật tai hại khôn lường.

Trước hết xin bàn về tác hại của học thêm.

Học thêm lấy đi quỹ thời gian của học sinh

Chỉ cần học thêm 2-3 môn, mỗi môn 2-3 buổi/ tuần thì thời gian học của học sinh phủ kín cả tuần. Lẽ ra ra thời gian học thêm là thời gian để đầu óc, cơ thể người học nghỉ ngơi, thư giãn để bổ sung, tái tạo năng lượng, cân bằng về thể chất và tinh thần. Nhiều em đến lớp ngồi học trong trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ, dễ cáu gắt, dễ bị kích động bởi vì các em đang bị stress vì học hành quá căng thẳng.

Học thêm làm thui chột khả năng tự học

Tai hại rất đáng ngại của học thêm là nó làm thui chột khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Học là tư duy, rèn luyện kỹ năng tư duy, tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, chứ không phải nhồi nhét kiến thức. Muốn có kỹ năng tư duy, sáng tạo không gì tốt hơn tự học, tự nghiên cứu. Học thêm làm cho học sinh không có thời gian tự học ở nhà, khả năng tự học giảm sút, thậm chí mất khả năng tự học. Các em chỉ quen đi theo “lối mòn” mà giáo viên hướng dẫn, “lập trình” sẵn. Chính điều này làm các em thiếu tự tin, thụ động trong tư duy và ảnh hưởng đến khả năng tự lập sau này. Trong những thủ khoa xuất sắc đỗ đại học, nhiều em hoàn toàn không học thêm mà các em tự học, tự nghiên cứu với niềm đam mê kiến thức, sự hiếu học, vượt khó.

Học sinh ảo tưởng về sức học của mình

Nhờ học thêm, học sinh được điểm cao, cuối năm đạt loại khá, giỏi, xuất sắc. Các em vui vẻ phấn khởi, phụ huynh rất tự hào về con em mình. Điều đó tuy chính đáng, nhưng chính thành tích nhờ học thêm đã làm cho không ít em ảo tưởng về sức học của mình. Phụ huynh cũng vậy, họ đôi khi ảo tưởng về khả năng của con mình. Hãy so sánh một em đạt loại khá nhờ tự học và một em đạt loại giỏi nhờ học thêm, em nào có năng lực học tốt hơn?

Giảm phát triển kỹ năng mềm

Ngày nay, nhiều học sinh học rất giỏi nhưng kỹ năng mềm thì kém. Nhiều em chỉ học như một cái máy và ngơ ngác trong cuộc sống đời thường. Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử và nhiều kỹ năng mềm khác bị khiếm khuyết. Thanh niên tuổi vừa trưởng thành của nước ta không có khả năng tự lập như thanh niên nước ngoài. Chúng chỉ biết học và dựa vào bố mẹ cho đến khi lập gia đình. Học thêm quá nhiều là một trong nhiều nguyên nhân làm các em không có thời gian rèn luyện kỹ năng, trải nghiệm cuộc sống.

Bệnh thành tích

Nhờ học thêm học sinh đạt điểm cao, số lượng học sinh khá, giỏi rất cao. Trong số đó, ai dám chắc không có những em được thầy cô dạy thêm thiên vị, nâng đỡ để đạt danh hiệu thành tích? Từ thành tích cá nhân học sinh dẫn đến thành tích chung của lớp, của trường, số lượng học sinh giỏi nhiều nhưng cái giỏi của học sinh ngày nay không thực chất, “đáng nể” như cái giỏi của học sinh trước đây. Ai là người trong ngành hẳn không khó nhận ra điều này.

Nếu như mặt trái của học thêm tai hại như vậy thì mặt trái của dạy thêm như thế nào? Dưới đây phải chăng là tác hại của dạy thêm?

Hình ảnh người thầy bớt “thiêng”

Giáo viên dạy thêm phải thu tiền học sinh, quan hệ “tiền tệ” dù muốn hay không nó phải xảy ra. Học sinh đi học đã nộp học phí, đi học thêm nộp thêm một khoản tiền lớn nữa, chẳng khác gì đóng “học phí” 2 lần.

Giáo viên dạy thêm để có thu nhập cao thì cần nhiều học sinh theo học. Vì thế không ít giáo viên ép học sinh học thêm bằng nhiều hình thức và nhiều “chiêu trò” được đưa ra để “chiêu dụ” học sinh học thêm. Chuyện ưu ái, thiên vị đối với học sinh đi học thêm lớp mình dạy, phân biệt đối xử đối với học sinh không đi học thêm (hoặc không học thêm lớp mình dạy) là điều không thể tránh khỏi. Chính điều này làm cho hình ảnh người thầy bớt “thiêng” trong ánh mắt học sinh, phụ huynh.

Lại có chuyện giáo viên ngấm ngầm tranh giành học sinh học thêm, điều này đôi khi dẫn đến chuyện giáo viên nói xấu, bôi nhọ nhau, gây mất đoàn kết.

Làm công ăn lương nhà nước nhưng có giáo viên chuyển dạy chính (trong giờ chính khóa) thành dạy phụ, còn dạy thêm (dạy phụ) trở thành dạy chính. Đây là điều mâu thuẫn, phi lý nhưng có thực trong dạy thêm.

Làm sao xóa bỏ dạy thêm, học thêm?

Thiết nghĩ, để phát triển giáo dục, không chỉ dừng lại ở việc “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục” đối với dạy thêm, mà phải tiến đến xóa bỏ dạy thêm, học thêm. Một đồng nghiệp của tôi bảo, hãy tăng lương gấp đôi cho nhà giáo, xong nếu ai còn dạy thêm thì đuổi ra khỏi ngành, chẳng ai dám kêu ca gì nữa cả. Tôi thì không chắc tăng lương gấp đôi cho nhà giáo thì dạy thêm còn xảy ra hay không. Khi nào còn có cầu thì còn có cung. Học sinh còn nhu cầu học thêm thì giáo viên còn dạy thêm. Vậy phải chăng Bộ GD&ĐT cần phải giảm tải chương trình, cắt giảm số môn học.

Bên cạnh đó cần tăng lương thích đáng đối với nhà giáo. Các vị phụ huynh nên khuyến khích và định hướng con em mình tự học, tự tìm tòi nghiên cứu qua sách báo, đặc biệt qua mạng Internet. Trên Youtube, trang Violet... hiện nay có rất nhiều tư liệu bài giảng điện tử, thư viện bài học e-Learning. Những giáo viên có tâm với nghề, chỉ cần mỗi người quay một vài video clip bài giảng hoặc bài dạy e-Learning có chất lượng đưa lên mạng Internet để làm nguồn tư liệu tự học qua mạng cho học sinh. Với kho tri thức khổng lồ đó, nếu các em biết khai thác thì cần gì bôn ba đến các lớp học thêm với những mặt trái tkhông thể tránh khỏi của nó.

Lê Xuân Chiến

(Quảng Nam)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!