Giáo viên lên tiếng: "Cơn mưa" học sinh giỏi vì đâu?

(Dân trí) - Đến khi nào phụ huynh thôi "cuồng" con qua điểm số, giáo viên thôi tạo "cơn mưa" học sinh giỏi thì khi đó giáo dục mới thực sự trở về đúng nghĩa với vai trò của giáo dục.

Hai bài viết Phụ huynh băn khoăn về cơn mưa học sinh giỏi và Phụ huynh "cuồng" con qua điểm số đã phản ánh phần nào thực trạng của giáo dục nước ta hiện nay.

Để góp phần tạo nên "cơn mưa", hay sự "cuồng" của phụ huynh như thế phải kế đến vai trò của những người làm giáo dục, trong đó căn bệnh thành tích đã "thâm căn cố đế" trong cách nghĩ, cách làm của những người làm nghề "kĩ sư tâm hồn", và có sự góp phần không nhỏ của những giáo viên đứng lớp. Thỉnh thoảng có những giáo viên muốn việc  học thực, thi thực diễn ra, những giáo viên này có đấu tranh song "lực bất tòng tâm" hay "một cánh én chẳng làm nên mùa xuân". Thế là chuyện đâu lại vào đấy.

Cơn mưa học sinh giỏi bắt nguồn từ chỉ tiêu đầu năm.

Sở Giáo dục đưa chỉ tiêu về các phòng, Phòng Giáo dục sẽ chuyển chỉ tiêu này về các trường, Ban giám hiệu nhà trường sẽ cụ thể hóa đưa về giáo viên. Căn cứ vào sĩ số của mỗi lớp dạy, giáo viên đăng kí chỉ tiêu. Tiếng là giáo viên được đăng kí nhưng thật chất là chỉ tiêu từ trên áp xuống. Không cần biết trong lớp học đó, lực học và đạo đức học sinh như thế nào, nhà trường sẽ yêu cầu bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu học sinh khá, bao nhiêu học sinh trung bình, còn học sinh yếu mỗi lớp chỉ được phép một học sinh mà thôi. Học sinh kém lại càng không có.

Và nhà trường nào cũng muốn đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên đề ra, có những nhà trường đã cụ thể hóa chỉ tiêu để làm sao khi kết thúc mỗi học kì, nhà trường sẽ nghiễm nhiên vượt chỉ tiêu đăng kí đầu năm. Tất nhiên, giáo viên sẽ là những người "tiên phong" trong thực hiện chỉ tiêu trên.

Những câu chuyện xoay quanh vấn đề danh hiệu học sinh giỏi và học sinh yếu nơi nhà trường tôi công tác trong đợt kết thúc học kì 1 này, bây giờ nhớ lại tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác "cười ra nước mắt".

Một giáo viên chủ nhiệm lớp 6 mở lời " xin điểm" đồng nghiệp dạy môn Ngữ Văn cho học sinh của mình như sau: Cô bé A. này có tổng trên 8,0 nhưng hai môn Văn và Toán không có môn nào đạt 8,0. Thế là học sinh này chỉ đạt học sinh khá.

Cô giáo chủ nhiệm liền "xin" giáo viên Văn nâng phẩy em A. lên 8,0 trong khi môn Ngữ Văn của em này chỉ đạt 7,2

Cô giáo dạy Văn không đồng ý bởi vì từ 7,2 lên 8,0 là điều không tưởng. Một khoảng cách chênh điểm quá lớn và chị đồng nghiệp này tâm sự với vẻ mặt buồn bã: "Không nâng điểm lên thì mất tình cảm với đồng nghiệp, mà nâng điểm thì thí áy náy lương tâm vì độ chênh điểm là không nhỏ".

Tôi góp lời: "Nếu em là chị, em cũng sẽ không nâng điểm, vì làm như thế học sinh sẽ thiếu sự cố gắng và học sinh không biết lực học của mình ngang đâu. Có khi lại đi ngược lại với nguyên lí giáo dục đó là tạo ra những con người ảo tưởng sức mạnh.

Một câu chuyện khác về một học sinh yếu, với tổng phẩy bộ môn Ngữ Văn của tôi đang giảng dạy chỉ ở mức 4,9. Em học sinh này trong quá trình học thường không học bài cũ, không ghi bài vào vở học và các bài kiểm tra đều đạt điểm dưới trung bình. Kết quả học tập em đạt học sinh yếu trong đó có bộ môn Ngữ Văn do tôi phụ trách.

Tôi vào sổ điểm thẳng tay và nghiễm nhiên không hề lo nghĩ.

Thế mà, khi vừa mới cầm sổ điểm trên tay, giáo viên chủ nhiệm lớp em này hớt hải chạy đến tìm tôi với vẻ mặt nghiêm trọng. "Em có thể nâng phẩy của em C. lên 5,0 được không?". Cô này còn nói thêm: " Vì bị môn của em 4,9, mà giờ lớp chị có một học sinh yếu."

Tôi không ngạc nhiên với cách "xin điểm" của đồng nghiệp bao nhiêu năm qua, từ lúc tôi vừa bước chân về công tác ở ngôi trường này. Vì chị này vốn nổi tiếng về những vụ xin điểm để lớp đạt hoặc vượt chỉ tiêu trong công tác chủ nhiệm hàng năm. Điệp khúc giáo viên xin điểm hay phụ huynh xin điểm cho con em mình trở nên quen thuộc sau mỗi học kì hoặc dịp kết thúc năm học.

Tôi nhẹ nhàng bảo chị: " Em C. lớp chị không những không chịu học môn em mà còn vi phạm liên tục nội quy của trường, của lớp trong các tiết học. Đây là kết quả thực chất để học kì hai em C. có sự cầu tiến."

Qua hai câu chuyện nhỏ để thấy rằng, ngoài những học sinh giỏi với thực lực vốn có của bản thân, cũng không loại trừ những học sinh với "thành tích ảo" do phụ huynh, thầy cô tạo ra.

Tôi nghĩ, đến khi nào phụ huynh thôi "cuồng" con qua điểm số, giáo viên thôi tạo "cơn mưa" học sinh giỏi thì khi đó giáo dục mới thực sự trở về đúng nghĩa với vai trò của giáo dục là: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!