TPHCM:

Giáo viên dạy thêm công khai trong trường: Không phải chủ trương của trường?

(Dân trí) - Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5, TPHCM) học thêm sau giờ học ngay tại lớp (giáo viên gọi là phụ đạo) nhiều năm nay nhưng nhà trường cho rằng đó không phải chủ trương của trường.

Những ngày qua, rất đông phụ huynh có con theo học tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản bức xúc cho rằng nhà trường tổ chức dạy học thêm công khai ngay sau giờ học kéo dài từ thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần. Trong khi, dạy thêm với học trò tiểu học, học sinh hai buổi nằm trong quy định cấm của ngành họ được nghe rất nhiều.

Phụ huynh Trường tiểu học Trần Quốc Toản đón sau vào ngày thứ 6 - ngày duy nhất trong tuần giáo viên không tổ chức dạy thêm
Phụ huynh Trường tiểu học Trần Quốc Toản đón sau vào ngày thứ 6 - ngày duy nhất trong tuần giáo viên không tổ chức dạy thêm

Ông Lê Thái Minh Hầu, hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản thừa nhận đúng là ở trường có hoạt động dạy học đến 17h như phụ huynh phản ảnh và nhà trường đã xác định đây là việc không đúng quy định.

Ông Hầu lý giải, phụ huynh có nhiều người là công nhân viên, giờ làm việc trễ nên họ có nhu cầu trẻ được giữ lại sau giờ tan trường. Giáo viên cũng đề đạt là có nhu cầu từ phụ huynh, có phụ huynh còn viết giấy xin tự nguyện nhờ giữ con giùm.

Thầy Hầu cũng nhấn mạnh, trường đã triển khai, quán triệt đến giáo viên Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm là không dạy cho học sinh tiểu học, học sinh học hai buổi. Các cô tổ chức thế này mục đích là đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, không chỉ dò bài, dạy mà mà còn tổ chức các hoạt động khác cho các em như thể dục thể thao, năng khiếu hay các hoạt động, kiến thức kỹ năng sống.

Tuy nhiên, trên ghi nhận thực tế thì phần lớn học sinh cho biết giờ học này các em chủ yếu ở trong lớp làm bài tập tiếng Việt, Toán mà cô giáo giao hoặc là ngồi luyện chữ.

Theo cách giải thích của thầy hiệu trưởng là các cô thực hiện theo quy định (không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường có học sinh theo học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng thực hành xã hội). Có điều cách thực hiện chưa đúng. Bởi thực tế, có phụ huynh đề nghị nhờ cô dò bài hoặc cho cháu làm xong bài để về nhà các cháu được nghỉ ngơi. Hơn nữa trình độ học sinh mỗi em mỗi khác, có em có thể giải quyết tại lớp, có em không kịp thì về nhà cũng phải làm bài.

Bài tập về nhà mà phụ huynh thắc mắc ở đây, ông Hầu nói rằng không phải bài tập giao về nhà mà do ở trên lớp các em chưa hoàn thành.

Việc dạy học ngoài giờ có thu tiền này diễn ra nhiều năm nay, gần như là đồng loạt với hơn một nửa tổng số lớp toàn trường tham gia và sử dụng cơ sở vật chất của trường. Nhưng thầy Lê Thái Minh Hầu lại khẳng định đó không phải là chủ trương của trường mà do giáo viên đứng ra đề đạt, tổ chức. Hàng tháng, các cô có gửi lại cho trường 500, 600 ngàn chi phí điện nước, chi phí lao công.

Ông Hầu cho biết thêm, sáng 31/10 Phòng GD-ĐT đã làm việc với nhà trường cũng như trực tiếp với các tổ trưởng. Ở trên đã nhắc nhở mình làm vậy là không đúng, ảnh hưởng đến uy tin của ngành, của trường nên việc học này sẽ chấm dứt bắt đầu từ ngày 1/11.

Nhà trường cũng đã thông báo với phụ huynh là không giữ trẻ nữa để phụ huynh thu xếp đón con. Trong tình huống phụ huynh thật sự kẹt chưa đón kịp thì bảo mẫu sẽ giữ các em nhưng cũng chỉ trong thời gian nhất định là đến 16h30.

Phụ huynh cũng phản ánh trường cho học sinh kết thúc giờ học sớm hơn (hai nhóm lúc 16h và 16h15) so với nhiều trường .Điều này dẫn đến khó khăn trong trong việc đón trẻ, thành ra nhiều phụ huynh đành cho con học ngoài giờ. Ông Hầu nói rằng việc này đã được trường thực hiện hơn 10 năm nay nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)