TPHCM: Hàng loạt giải pháp chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm tràn lan
(Dân trí) - Xây dựng website hỗ trợ học tập; cho phép học sinh lựa chọn giáo viên để học thêm; cho phép các trường chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức... là những giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan trên địa bàn TPHCM.
TPHCM có hơn 800.000 học sinh đang học thêm
UBND TPHCM vừa có báo cáo về tình hình quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. Theo UBND TPHCM, dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh (HS) và giáo viên.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hiện nay có gần 500.000 HS đang tham gia học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ sau giờ học chính khóa; khoảng 100.000 HS tiểu học học thêm văn hóa ngoài giờ chính khóa; có khoảng 190.000 HS trung học (THCS - THPT) đang tham gia học thêm tại các cơ sở dạy thêm trong nhà trường và 30.000 HS tham gia học tập tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường.
Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, cũng có nhiều trường hợp dạy thêm, học thêm không xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, HS, đây là hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan, tiêu cực, biến tướng, phong trào. Khi “người dạy” bị “thương mại hóa”, đặt lợi ích kinh tế của cá nhân lên trên hiệu quả thực tế của việc dạy, lợi dụng các kẽ hở của công tác quản lý, tâm lý học thêm “phong trào” của phụ huynh và HS để lôi kéo, chèn ép, buộc các em HS phải đi học thêm.
UBND TPHCM đánh giá có tình trạng giáo viên phân biệt đối xử trong giờ học giữa HS học thêm với mình với HS không học thêm, hoặc học thêm với thầy cô khác, gây nhiều bức xúc trong xã hội.
Theo UBND TPHCM, thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cho các cơ quan quản lý giáo dục phải tăng cường các biện pháp quản lý để khắc phục mặt trái, tiêu cực của hoạt động dạy thêm, học thêm.
Xây dựng website hỗ trợ học tập
Về giải pháp trước mắt, UBND TPHCM yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên giờ học chính khóa nhằm ngăn chặn tình trạng dạy không đủ kiến thức, khiến HS phải đi học thêm. Đồng thời, thực hiện công tác phụ đạo cho HS yếu và bồi dưỡng cho HS giỏi không thu phí.
Bên cạnh đó, các trường phải xây dựng website hỗ trợ học tập hoặc sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để tăng cường khả năng tự học cho HS.
Ngoài ra, Sở GD-ĐT cần tập hợp bài giảng ở tất cả các môn học, các bài ôn tập để cung cấp cho HS có thể củng cố kiến thức tại nhà. Song song đó, các phòng ban chuyên môn sẽ tập huấn, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tích hợp nội dung dạy học, tập huấn chuẩn bị cho các kỳ thi để HS có thể học tốt tại trường và tự học ngay tại nhà.
Về giải pháp quản lý, UBND TPHCM yêu cầu việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ được tổ chức trên cơ sở tự nguyện tham gia của HS; phân chia lớp học theo trình độ HS. Đặc biệt, HS được lựa chọn giáo viên để theo học. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng quy định.
Tăng tính tự chủ cho trường học
Về giải pháp lâu dài, để hạn chế dạy thêm học thêm tràn lan, UBND TPHCM cho biết đang triển khai đề án phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2030.
Nội dung đề án tập trung các giải pháp đáng chú ý như cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM giao quyền tự chủ cho các trường có điều kiện được phép tự tuyển dụng giáo viên, tự xây dựng kế hoạch giảng dạy, quyết định mức học phí trên cơ sở thu đủ bù chi. San sẻ phần kinh phí ngân sách lẽ ra cấp cho các trường này cho các trường còn lại để nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường.
Đặc biệt, TPHCM đề xuất Bộ giáo dục và Đào tạo cho phép TP xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD-ĐT.
Quốc Anh