Bạn đọc viết:

Giáo viên áp lực với chỉ tiêu thi đua ngay từ đầu năm học

(Dân trí) - Thời điểm này, các trường đang đồng loạt tiến hành hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đầu năm học. Đây là công việc thường niên nên năm nào các trường cũng phải thực hiện.

Trước hội nghị, các tổ thường tiến hành hội nghị trù bị để thống nhất các nội dung, đặc biệt là các chỉ tiêu thi đua. Làm sao để ngày hội nghị chính, chính thức 100% giáo viên (GV) đều nhất trí. 

Thực tế, GV bây giờ làm gì được quyền đăng kí chỉ tiêu. Phần lớn là chỉ định của ban giám hiệu (BGH). Mà cái lạ là chỉ tiêu không được thấp hơn năm trước, chỉ có bằng hoặc cao hơn. Rất nhiều GV không đồng tình với cách ấn định chỉ tiêu đăng kí thi đua này. Các sếp của trường có bao giờ nhìn nhận vào thực tế rằng học sinh (HS) thì năm này, năm khác. Thế nhưng chỉ tiêu thì lại không được như thế. Đã mạc định rồi, năm sau nhất định không được thấp hơn năm trước. Cuối cùng GV chỉ biết ngậm ngùi mà cố gắng.

Thực tế đăng kí chỉ tiêu cao sẽ thúc đầy GV phấn đấu, nỗ lực trong giảng dạy. Khi ấy người thầy sẽ trăn trở để tìm giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, đăng kí chỉ tiêu cao sẽ gây không ít áp lực cho người thầy. Khi không đạt chỉ tiêu, thầy cô bị trừ điểm thi đua, bị nhắc nhở trong hội đồng sư phạm nhà trường. Cuối cùng, để đạt được chỉ tiêu đề ra, nhiều thầy cô phải đánh giá chất lượng học tập giả dối. Nhiều trò không học vẫn được lên lớp bình thường.

Bây giờ đi dạy, GV rất áp lực với chỉ tiêu thi đua. Những con số đăng kí thi đua luôn cao ngất ngưởng. Nhiều trường điểm đăng kí 60% HS khá giỏi. Các lớp cuối cấp tốt nghiệp 100%. Tỉ lệ lên lớp thẳng là 99%... Chỉ tiêu đã giao rồi, GV không thể không hoàn thành. Mà không hoàn thành cũng không được.

Như vậy, để đạt được chỉ tiêu thi đua đã đề ra thì thầy cô thường phải ra đề dễ. Khi chấm cũng phải cực dễ dàng. Cứ thế, trò ngày càng lờn mặt thầy cô. Nhiều em bây giờ đâu cần học, có em còn biết mình không học vẫn lên lớp vì điểm số đã có thầy cô lo. Kết quả thật chỉ lộ ra khi các em thi tuyển 10, thi trung học phồ thông quốc gia. Chúng ta chẳng còn lạ gì khi học sinh học lực trung bình khá mà thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp vẫn bị điểm 0. Chỉ buồn khi ấy, người ta lại bảo rằng: "Không biết thầy cô dạy dỗ trò kiểu gì vậy?".

Cô bạn gái của tôi dạy Toán 6 ở một trường điểm của thành phố tâm sự: Năm nay chất lượng đầu vào thấp nên bạn đã đề xuất với BGH cho giảm chỉ tiêu đăng kí. Bạn muốn đăng kí 75% trên trung bình, trong đó 25% khá - giỏi. Vậy nhưng ý kiến của bạn không được duyệt. Lí do BGH đưa ra là chỉ tiêu phải bằng hoặc hơn năm học trước. Năm ngoái là 92%. Năm nay không thể thấp hơn. Ai không hoàn thành thì sẽ bị trừ điểm thi đua. Chính vì vậy mà bạn cảm thấy áp lực kinh khủng.

Bản thân là một GV, nhiều lúc tôi cũng ức chế vô cùng vì những chỉ tiêu thi đua. Năm nào gặp học trò lười học thì cũng lo ngay ngáy. Vừa dạy, tôi vừa phải "dụ" để trò còn học bài. Sợ nhất là không đạt được chỉ tiêu đề ra. Khi ấy thì lại mất ăn, mất ngủ vì lo lắng.

Nhiều lúc tôi cứ ước ao: Giá như các sếp hiểu được thực tế HS ở trường mình, địa phương mình mà đưa ra chỉ tiêu sao cho thật phù hợp nhỉ?

LT

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!