Giáo sư Việt Nam – Hà Lan bàn các giải pháp đảm bảo An ninh môi trường
(Dân trí) - Ngày 7/1/2020, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống (NSMS), Khoa Quản trị và Kinh doanh (HSB), ĐHQGHN đã phối hợp với trường Đại học Tổng hợp Saxion, Hà Lan tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Các giải pháp đảm bảo An ninh môi trường - Kinh nghiệm Hà Lan và Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có Đại diện Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, các Giáo sư, chuyên gia về vấn đề bảo vệ Môi trường của ĐH Tổng hợp Saxion, Hà Lan.
Về phía Việt Nam có đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, đại diện Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an, Khoa Cảnh sát môi trường - Học viện Cảnh sát nhân dân, Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội cùng lãnh đạo Khoa Quản trị và Kinh doanh, Trung tâm NSMS và các học viên chương trình Thạc sĩ Quản trị An ninh phi truyền thống của HSB.
Tại hội thảo, các giáo sư Hà Lan đã đưa ra các thông tin về tầm nhìn, nhiệm vụ, chiến lược của Chính phủ Hà Lan trong việc quản lý An ninh nguồn nước; khung hợp tác giữa chính phủ Hà Lan; công nghệ mới về xử lý nước, cũng như giới thiệu các công nghệ mới hiện đang được áp dụng tại Hà Lan để đảm bảo an ninh nguồn nước.
Trao đổi về vai trò của chính phủ Hà Lan trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước tại Việt Nam, Tiến sĩ Laurent Umans - Bí thư thứ nhất phụ trách quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đã đưa ra cách tiếp cận mới về biện pháp chống sạt lở tại Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như những giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu tại đây.
Giáo sư Harry Futselaar thuộc ĐH Saxion, người có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề công nghệ nguồn nước cho biết, Hà Lan đã phát triển nhiều công nghệ về bảo vệ nguồn nước và được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Hà Lan cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong việc áp dụng một số công nghệ xử lý nước thải ở một số lưu vực sông và thành phố lớn.
Đánh giá cao những nỗ lực hỗ trợ của Chính phủ và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam cũng như các chuyên gia, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống (NSMS) cho biết: “Môi trường đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm của Chính phủ Việt Nam. Phát biểu tổng kết Hội nghị Chính phủ cuối tháng 12/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”. Tư tưởng xuyên suốt đó cũng được khẳng định trong hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống hiện nay”.
Buổi hội thảo là tiền đề quan trọng cho sự hợp tác lâu dài giữa Đại sứ quán Hà Lan, ĐH Saxion và Trung tâm NSMS để tiếp tục triển khai các dự án bảo vệ nguồn nước và môi trường trong tương lai.
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quản lý và Quản trị An ninh phi truyền thống (NSMS) trực thuộc Khoa Quản trị và Kinh doanh, ĐHQGHN được thành lập với nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng, kiến thức mới về quản trị an toàn giao thông, quản trị an ninh đô thị, quản trị an ninh mạng, quản trị an ninh biển, quản trị an ninh biên giới, quản trị an ninh hàng không, quản trị an ninh trường học, quản trị an ninh báo chí - truyền thông, quản trị an ninh ngoại giao, quản trị an ninh quân sự, quản trị an ninh tôn giáo, quản trị phòng chống tội phạm, quản trị phòng chống thiên tai,…
Trung tâm đồng thời thực hiện hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế về quản lý, quản trị xã hội và quản lý, quản trị các lĩnh vực, quản trị an ninh phi truyền thống, tham gia Hiệp hội NTS- ASIA hiện đang có 31 Trung tâm, viện nghiên cứu thành viên của các nước Châu Á. Tham gia đào tạo Chương trình Thạc sỹ Quản trị An ninh phi truyền thống và các chương trình đào tạo khác của Khoa Quản trị và Kinh doanh và ĐHQG Hà Nội.
Trước mắt Trung tâm này sẽ tập trung vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quản trị an ninh kinh tế, quản trị an ninh doanh nghiệp, quản trị an ninh môi trường, quản trị an ninh trường học. Chuẩn bị cho thành lập Diễn đàn An ninh phi truyền thống Việt Nam trong năm 2020 Việt Nam đảm nhận Chủ tịch ASEAN.
Hồng Hạnh