Giáo sư Hoàng Như Mai: Người thầy mẫu mực, nhân từ…

(Dân trí) - Mẫu mực và nhân từ! Đó là ấn tượng cho bất kỳ ai từng vinh hạnh được học với Giáo sư Hoàng Như Mai - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký đã mở đầu tâm sự của mình trong một cuốn tự truyện…

Và đây cũng là tình cảm mà học trò Nguyễn Ngọc Ký đã chia sẻ với PV Dân trí khi được biết người thầy yêu quý của mình vừa đi vào cõi vĩnh hằng! 
 
Giáo sư Hoàng Như Mai (1919 - 2013).
Giáo sư Hoàng Như Mai (1919 - 2013). (Ảnh tư liệu, ĐH Văn Hiến cung cấp)
 
Mỗi tiết lên lớp của thầy là một niềm mong đợi, khát khao. Mỗi bài giảng của thầy là một kho kiến thức rộng lớn đầy khám phá, mới mẻ, cuốn hút. Thế nhưng, điều háo hức, tâm đắc và ấn tượng ở mỗi sinh viên khi được  học thầy không chỉ ở chỗ được truyền những kiến thức quý giá ấy mà còn luôn được “truyền lửa” trong mỗi lời giảng của thầy. Giọng thầy lúc nào cũng sang sảng vang ngân, nồng ấm - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký nhớ lại.

Giáo sư Hoàng Như Mai (1919 - 2013).

Thầy còn chinh phục lũ sinh viên chúng tôi bằng sự thân thiện cởi mở không chỉ trong lời giảng mà còn trong rừng cử chỉ, trong những xúc cảm phô bày nơi khóe miệng luôn thường trực nụ cười, nơi  ánh mắt luôn dạt dào niềm trìu mến cảm thông.
 
Nụ cười hiền hậu của GS Hoàng Như Mai lúc sinh thời.
Nụ cười hiền hậu của GS Hoàng Như Mai lúc sinh thời. (Ảnh tư liệu, ĐH Văn Hiến cung cấp)

Người ta thường nghĩ giảng viên đại học xưa nay mỗi khi lên lớp chỉ quan tâm  việc truyền bá kiến thức chứ rất hiếm ai quan tâm đến học trò. Nhiều thầy dạy cả học phần dài vẫn không hề biết tên một trò nào. Với GS Hoàng Như Mai, điều này hoàn toàn ngược lại. Tiếp xúc với thầy khi ngồi ở lớp hay khi giao tiếp gặp gỡ thường ngày, dù  biết sự cách biệt giữa thầy với mình tới một hai thế hệ nhưng ai cũng cảm thấy nồng đượm sự trân trọng ấm áp, thân thương, gần gũi như không hề có khoảng cách…

Tiết dạy đầu tiên thầy đến với lớp tôi - khi ấy là một căn nhà đơn sơ, lợp tranh nứa, trông như một lô cốt nằm thu mình dưới chân núi Tràng Dương (là nơi trường Đại học Tổng hợp ngày đó đi sơ tán thuộc Đại Tứ, Thái Nguyên), vào một sáng đầu đông, khi những đợt gió lạnh đầu mùa vừa tràn về... Tôi nhớ mãi khi giảng bài thơ Đồng chí của Chính Hữu, thầy đã dạy chúng tôi bài học sống động về sức mạnh của lý tưởng và tình cảm “Đấy các anh chị thấy không, một khi có lý tưởng sống cao đẹp, có tình bạn, tình đồng chí chân chính người ta vẫn có quyền thăng hoa ngay cả những lúc thưởng chừng chỉ có nước mắt…

…Dường như chính trong gian khó, con người trở nên tốt hơn, đẹp hơn, dễ thông cảm, thương yêu gắn bó với nhau hơn. Và dường như cũng trong gian khó con người trở nên lãng mạn hơn, lung linh những giá trị thẩm mỹ kỳ diệu bất ngờ hơn… Đó chính là hình ảnh “đầu súng trăng treo”. Và tôi rất mong và tin nơi đầu ngọn bút của các anh chị cũng luôn treo những vầng trăng như vậy. Song để có được những vầng trăng ở đầu ngọn bút của mình thì trước hết mỗi chúng ta  phải luôn có vầng trăng ấy trong mỗi trái tim…” - Bằng cách nào đó thật tài tình, thầy Hoàng Như Mai đã “dẫn dắt” để một bài giảng không chỉ dừng lại ở việc trang bị  kiến thức mà thầy còn “xây dựng” tâm hồn, nhân cách và tiếp lửa cho lũ sinh viên chúng tôi ngày ấy… - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký nhớ lại.

Tôi còn cảm tưởng trong thầy lúc nào cũng thường trực những tình cảm đặc biệt dành cho tôi. Cứ có cơ hội là thầy sẽ biểu hiện nó bằng những việc làm, bằng lời động viên chân tình, sâu đậm bất ngờ! GS Hoàng Như Mai không chỉ quan tâm, lo lắng và theo sát nâng đỡ từng bước đi của tôi trong suốt bốn năm học đại học mà trong suốt những năm sau đó, khi tôi đã ra trường, hầu như thầy vẫn luôn “song hành”, chia sẻ và giúp đỡ tôi vượt qua bao thử thách, “thác ghềnh” của phận người...

Và phải chăng vì thế, từ đó đến nay, mỗi khi có niềm vui lớn, mỗi khi gặp trắc trở tôi đều đến thăm thầy để tâm sự, giãi bày. Mỗi lần như vậy là mỗi lần tôi lại cảm thấy mình vui thêm, tự tin thêm và khỏe mạnh thêm mọi nhẽ. Dù ở độ độ tuổi 90,  mái tóc đã trắng xóa màu mây phấn, bước đi đã chậm chạp song nhiệt huyết của thầy dành cho sự nghiệp giáo dục, với cuộc đời… dường như vẫn sung sức, trẻ trung, nồng thắm như ngày nào. Thầy vẫn luôn là niềm tự hào là bài học sống cho chúng tôi, cho cuộc đời hôm qua, hôm nay và mãi mãi! - NGƯT Nguyễn Ngọc Ký ngậm ngùi xen lẫn tự hào khi nói về GS Hoàng Như Mai - người thầy mình suốt đời chịu ơn.

“Vỹ thanh” bài viết, xin được trích nguyên văn đoạn kết của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký trong tự truyện của mình khi nhớ về những kỷ niệm với GS Hoàng Như Mai: “Khi tôi đang ngồi viết những dòng kỷ niệm không thể quên này về thầy, thì nghe ngoài phố có tiếng trẻ ồn ào náo động. Tôi mở cửa sổ nhìn ra mới biết hôm nay là Trung thu, các cháu nhỏ trong khu phố tôi đang cùng nhau chơi rước đèn. Tôi bất chợt nhận ra nơi khung trời xanh cao vời vợi kia một vầng trăng non vạnh sáng trong như chưa bao giờ sáng và đẹp đến thế. Tôi lịm đi trong giây lát và miên man với suy nghĩ tôi đang lạc vào giữa dòng sông trăng huyền ảo kia, dòng sông trăng tấm lòng thầy tôi - Giáo sư Hoàng Như Mai - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai muôn vàn kính yêu của tôi”.
 
Giáo sư Hoàng Như Mai: Người thầy mẫu mực, nhân từ…
Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai sinh ngày 3/8 năm Kỷ Mùi 1919 (tức 26/9/1919) tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang, quê quán tại thôn Nội Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thầy xuất thân trong một gia đình trí thức quý tộc quan lại cao cấp.
 
Trước Cách mạng Tháng Tám, Giáo sư Hoàng Như Mai học ĐH Y khoa, ĐH Luật. Thầy đến với nghề giáo bắt đầu bằng sự nể nang bạn bè nên dạy giúp môn văn học Việt Nam và Văn học Pháp ở Trường Trung học tư thục Đông Hải ở thị xã Hải Dương năm 1943. Trong kháng chiến chống Pháp, thầy được Tỉnh hội Việt Minh tỉnh Thái Bình cử làm hiệu trưởng Trường Trung học Chuyên khoa tư thục Phan Thanh.
 
Năm 1950, thầy cùng đồng nghiệp xây dựng thành công Trường Sư phạm Việt Bắc và đã từng đưa các giáo sinh của trường sang học ở Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc). Sau đó, thầy đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ: giảng dạy, nghiên cứu và lãnh đạo ở Trường Sư phạm trung cấp Trung ương (Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội). Với giáo trình Văn học Việt Nam từ 1945 đến 1960, thầy đã đặt những viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám. Đến năm 1980 thầy về dạy ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TPHCM (nay là Trường ĐH KHXH-NV thuộc ĐH Quốc gia TPHCM).
 
Từ năm 1997, GS Hoàng Như Mai làm hiệu trưởng Trường trung học phổ thông tư thục Trương Vĩnh Ký, TPHCM. Đồng thời, thầy cũng là người sáng lập trường Đại học dân lập Văn Hiến. Từ năm 1988, thầy chính là người sáng lập Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM và đã được hội tín nhiệm cử làm chủ tịch từ đó đến nay.
 
Ngoài nghề dạy học, GS Hoàng Như Mai còn viết nhiều cuốn sách có giá trị cùng hàng nghìn bài báo, nhiều tác phẩm thơ, văn, kịch có tiếng. Các quyển sách như: Thặng dư giá trị, Đời sống thợ thuyền trong xã hội tư bản, Lênin và Cách mạng Tháng 10… cho tủ sách Vỡ lòng của Nhà xuất bản Hàn Thuyên. Tác phẩm: Tiếng trống Hà Hồi (kịch, 1948), Dòng sông biên giới (kịch, viết 1957, xuất bản 2001), Vẽ chân dung cụ Đồ Chiểu (kịch, viết 1982, xuất bản 2001), Trao cho nhau cuộc đời (thơ, 1993). Tác phẩm nghiên cứu gồm: Văn học Việt Nam hiện đại (NXB Giáo Dục, 1961), Trần Hữu Trang - soạn giả ca kịch cải lương (1982), Nhà soạn kịch cải lương Trần Hữu Trang (1986), Nhận định về cải lương (1986), Giới thiệu sân khấu cải lương (1986), Thơ một thời (1989), Hoàng Như Mai tuyển tập (NXB Giáo Dục, 2005).
 
Năm 1982, thầy được phong học hàm giáo sư, năm 1988 thầy được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú, năm 1990 thầy được phong danh hiệu nhà giáo nhân dân (NGND) và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất. 65 năm gắn bó với nghề giáo, GS Hoàng Như Mai có rất nhiều học trò, trong đó có nhiều người đã thành danh, giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước.
 

Tháng 9/2013, GS Hoàng Như Mai bị tai nạn và điều trị tại Bệnh viện 175 TPHCM. Sau thời gian điều trị, GS-NGND Hoàng Như Mai đã qua đời lúc 15 giờ 20 ngày 27/9, hưởng thọ 95 tuổi.

 
Lễ khâm liệm tiễn đưa GS-NGND Hoàng Như Mai tiến hành lúc 11g ngày 28/9 tại Bệnh viện 175 (TPHCM). Sau đó, 6g ngày 29/9, gia đình sẽ đưa linh cữu giáo sư về nhà tang lễ TPHCM. Lễ viếng bắt đầu từ 8g ngày 29/9. Lễ truy điệu: 7g30 ngày 1/10.

Lê Phương

 
Việt Khuê
Lược ghi theo tâm sự và tự truyện của NGƯT Nguyễn Ngọc Ký