Giáo dục phổ thông sau 2015: Tiến tới đa dạng SGK
Theo dự thảo lần 1 đề án Đổi mới chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, giai đoạn 2014 - 2015 Bộ GD&ĐT phải hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học thử nghiệm. Đáng chú ý, lần đầu tiên dự thảo đưa ra quan điểm mới “dần dần tiến tới việc đa dạng SGK”.
Hơn 1/3 số trang của dự thảo đề án được dành cho việc phân tích những thành công - thất bại của chương trình - sách giáo khoa (SGK) hiện hành và những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong vấn đề này, đồng thời trình bày xu hướng làm chương trình - SGK của thế giới.
Phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và tiếp cận nghề nghiệp là một quan điểm được nhấn mạnh trong dự thảo khi nói về định hướng chương trình - SGK sau năm 2015. Chương trình sau 2015 không phủ nhận hoàn toàn chương trình hiện hành mà có tính kế thừa, đồng thời vận dụng kinh nghiệm của quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông.
Chương trình được xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, từ cấp học đến các môn học và hoạt động giáo dục; được thiết kế hai giai đoạn: Chương trình cấp tiểu học và THCS là bắt buộc (giáo dục cơ bản); Chương trình cấp THPT là nâng cao, phân hóa và tiếp cận nghề nghiệp (sau giáo dục cơ bản). Chương trình được thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp tiểu học và cấp THCS, phân hóa rõ dần kể từ cấp tiểu học, bắt đầu phân hóa sâu ở cấp THPT. Giảm số lượng môn học bắt buộc trong mỗi cấp học, lớp học và tăng các môn học, các chuyên đề tự chọn.
Đặc biệt, trong định hướng xây dựng chương trình – biên soạn của dự thảo đề án, Bộ GD&ĐT đã thể hiện sự tiếp thu ý kiến dư luận của mình khi lần đầu tiên chính thức đưa ra một quan điểm mới: Việc xây dựng và thực hiện chương trình đảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với địa phương và đối tượng học sinh. Hướng tiếp cận của quan điểm này là “dần dần tiến tới việc đa dạng sách giáo khoa”. Để chuẩn bị cho tương lai này, Bộ GD&ĐT sẽ công khai các yêu cầu và tiêu chí đánh giá SGK để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt sử dụng SGK trong các cơ sở giáo dục.
“Huy động được tối đa trí tuệ của nhiều người am hiểu và có kinh nghiệm về giáo dục phổ thông tham gia góp ý, xây dựng chương trình - SGK”. - Trích dự thảo tháng 11/2013 Đề án Đổi mới chương trình SGK sau năm 2015 |
Các trường và địa phương sẽ được trao quyền “linh hoạt” trong việc thực hiện chương trình, miễn là đảm bảo mục tiêu, chuẩn và nội dung chương trình giáo dục phổ thông có tính thống nhất trên toàn quốc. Như vậy, các tỉnh/ thành có thể xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhưng những tài liệu này phải được thẩm định bởi hội đồng thẩm định cấp địa phương và được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Các trường có quyền bố trí, sắp xếp kế hoạch, bổ sung một số nội dung học tập phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng trường (gọi là chương trình giáo dục nhà trường).
Không tổ chức thay SGK đồng loạt
Theo kế hoạch đưa ra trong dự thảo đề án, việc thực hiện đề án sẽ bắt đầu từ năm 2014. Ngay trong giai đoạn 2014 – 2015, Bộ GD&ĐT sẽ phải hoàn thành được việc xây dựng chương trình thử nghiệm tổng thể và từng môn học. Cũng trong giai đoạn này, việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn học lớp 1, lớp 6 và lớp 10 cũng phải xong; đồng thời lên kế hoạch thử nghiệm chương trình – SGK và đánh giá chương trình – SGK thử nghiệm.
Việc biên soạn SGK thử nghiệm các môn học tất cả các lớp còn lại cũng như việc thử nghiệm chương trình – SGK ở toàn ba cấp học sẽ phải hoàn thành trong giai đoạn 2016 – 2020. Phương thức thử nghiệm là một vòng cuốn chiếu theo cấp học, bắt đầu thử nghiệm đồng thời từ các lớp đầu cấp học (lớp 1, lớp 6 và lớp 10).
Mỗi vùng kinh tế - xã hội (được xác định bởi quy hoạch xây dựng vùng lãnh thổ Việt Nam) chọn một số tỉnh/ thành đại diện; mỗi tỉnh/ thành đại diện chọn một số trường phổ thông đại diện cho các vùng thành thị - nông thôn tham gia thử nghiệm. Mẫu thử nghiệm có khoảng 2% số trường phổ thông của cả nước.
Căn cứ vào kết quả thử nghiệm, Bộ GD&ĐT sẽ cho phép triển khai thực hiện chương trình, SGK mới. Cũng trên quan điểm “linh hoạt”, sau khi chương trình tổng thể cũng như chương trình từng môn học được phê duyệt và SGK được thẩm định, việc chính thức triển khai chương trình mới sẽ không thực hiện đại trà đồng thời trên toàn quốc như chương trình hiện hành.
Việc tổ chức triển khai chương trình – SGK được làm từng bước phù hợp với điều kiện thực tế. Chỉ những trường đã có đủ điều kiện mới triển khai từng phần hoặc toàn bộ chương trình – SGK mới.
Theo Quý Hiên
Tiền Phong