Giảng viên quê Tây Ninh là tân Giáo sư duy nhất ở Bách khoa TPHCM 2023
(Dân trí) - Năm 2023, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) chỉ có duy nhất một người được bổ nhiệm chức danh Giáo sư. Ông là PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc, quê Tây Ninh.
Năm 2023, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) có 13 giảng viên được công nhận đạt chuẩn và được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó giáo sư. Trong đó, chỉ duy nhất một người được bổ nhiệm Giáo sư là PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc.
TS Nguyễn Hữu Lộc, sinh năm 1964, quê ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, làm việc tại khoa Cơ khí của trường.
Ông Lộc nhận bằng đại học vào năm 1988 ngành cơ khí tại Trường Đại học Công nghệ Quốc gia Belarus. Đến năm 1992, ông nhận bằng tiến sĩ cũng tại Trường Đại học Công nghệ Quốc gia Belarus.
Đến nay, TS Nguyễn Hữu Lộc đã công bố 84 bài báo khoa học, trong đó 28 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (SCIE/Scopus), xuất bản 3 giáo trình, 17 tài liệu tham khảo.
Trong quá trình giảng dạy, ông đã và đang hướng dẫn 6 nghiên cứu sinh, trong đó hướng dẫn chính 4 người bảo vệ luận án tiến sĩ; hoàn thành 7 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trở lên sau Phó giáo sư với vai trò chủ nhiệm đề tài 2 cấp cơ sở, 5 đề tài cấp bộ.
Các hướng nghiên cứu chủ yếu của TS Nguyễn Hữu Lộc là thiết kế cơ khí máy và chi tiết máy, bao gồm: mô hình hóa, mô phỏng và thiết kế tối ưu; thiết kế theo độ tin cậy; thiết kế chi tiết máy và thân máy; tối ưu hóa thông số các quá trình công nghệ và thông số kỹ thuật của máy.
Một trong những dấu ấn có thể kể đến của TS Nguyễn Hữu Lộc khi ông giữ vai trò chỉ đạo trực tiếp đề án triển khai thí điểm CDIO tại Đại học Quốc gia TPHCM cho nhóm ngành kỹ thuật cơ khí, máy tính và công nghệ thông tin.
Từ đề án này, Trường ĐH Bách khoa TPHCM quyết định triển khai đại trà toàn bộ chương trình đào tạo theo CDIO từ năm 2014.
CDIO (Conceive - hình thành ý tưởng; Design thiết kế ý tưởng; Implement - thực hiện; Operate - vận hành) là phương pháp luận giáo dục được đề xuất bởi một nhóm gồm 4 trường đại học, dẫn đầu là MIT (Mỹ) nhằm nâng cao chất lượng dạy và học cho các ngành kỹ thuật.
TS Nguyễn Hữu Lộc nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2008. Năm 2014, ông được trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
GS.TS Nguyễn Hữu Lộc trải lòng, quá trình suốt 40 năm học tập và lao động, ông nhận thấy vai trò của tự học cực kỳ quan trọng. Tự học chính là con đường giúp mỗi người tìm tòi kiến thức, thế giới và năng lực của bản thân.
Ông cũng bày bỏ băn khoăn về khả năng tự học của học sinh, sinh viên ngày nay khi các em bị lệ thuộc vào việc đi học thêm quá nhiều.