Gian nan “cõng chữ” qua cổng trời

(Dân trí) - Tôi vẫn nghe người ta gọi những thầy cô giáo miền xuôi bước qua cổng trời Mường Lát để mang chữ đến với học trò là những người hùng nhưng có lẽ chỉ đến khi bước chân lên mảnh đất ấy tôi mới hiểu vì sao họ xứng đáng được gọi như thế. Có những thầy cô đã cắm bản 10 năm, 20 năm, đi khắp những bản khó khăn nhất của Mường Lát, nhiều lần suýt bỏ mạng sống, chôn vùi cả tuổi thanh xuân chỉ để gieo chữ ở những nơi “thâm sơn cùng cốc”…

 Nghị lực của “người lính” không mang quân hàm

Có dịp lên bản Suối Tung vào một dịp cuối năm, tôi được gặp hai giáo viên ở miền xuôi lên đây cắm bản. Hai thầy cô giáo, một người đã gắn bó hơn 20 năm và một người có thâm niên hơn 10 năm công tác ở xứ sở đại ngàn này.

Hơn 20 năm qua, thầy Đỗ Văn Nhất (ở huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) là giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý 1 (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) vẫn chưa quên được ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ lên Mường Lát để mang chữ đến với học trò.

Gian nan “cõng chữ” qua cổng trời - 1

Đường vào bản Suối Tung.

Đó là vào năm 2001, thời điểm đó, những vùng khó khăn nhất của Mường Lát như Pa Púa, Tà Cóm, Cá Ráng, Sài Khao, Ón… còn thiếu giáo viên trầm trọng. Những năm đầu, thầy Nhất đã tình nguyện xung phong đi vùng xa nhất, khó khăn nhất. Điểm trường đầu tiên thầy đến là Pa Púa. Ngày đó, Pa Púa vẫn không có đường lên, từ trung tâm của xã Trung Lý, thầy Nhất phải đi bộ một ngày trời mới đến được chân núi Pa Púa.

“Thực ra gọi là đường cho sang nhưng làm gì có đường, là những con suối, là những dốc dựng đứng đá lởm chởm. Chúng tôi đi một đoàn mấy người lên nhận công tác, thầy giáo thì dắt tay cô giáo, có những đoạn suối nước dâng lên ngực, chỉ cần sơ suất trượt chân là cả người lẫn đồ trôi theo dòng suối luôn.

Đi từ trung tâm xã từ lúc trời còn chưa sáng rõ nhưng mãi đến 7h tối chúng tôi mới đến chân núi Pa Púa. Đường từ trung tâm xã vào đến chân núi đã khó đi. Vượt từ chân núi lên đến đỉnh lại là cả một kỳ tích. Chúng tôi phải túm cây theo kiểu leo dây để đu lên. Khoảng nửa đêm thì lên đến nơi, nghĩ lại quãng đường đã vượt qua vẫn không hết rùng mình” - thầy Nhất nhớ lại.

Gian nan “cõng chữ” qua cổng trời - 2

Do không có phòng học, thầy Nhất cùng lúc phải dạy ghép hai lớp.

Sau này, cứ vài năm thầy Nhất lại được luân chuyển đi bản khó khác, ngay cả bản Tà Cóm, một bản xa nhất của xã, với quãng đường hơn 54km đường rừng, thầy Nhất cũng đã đặt chân tới. Mỗi bản có những khó khăn không giống nhau nhưng nói về cung đường để đến được với học trò thì gian nan, khốn khổ như nhau. Có những lúc tưởng như phải bỏ cả mạng sống…thầy vẫn không quản để mang chữ đến với học trò.

Còn với cô giáo Trần Thị Ánh (ở Nga Sơn, Thanh Hóa), giáo viên trường Mầm non Trung Lý thì hơn 10 năm công tác, cô đã trải qua hết mọi khó khăn gian khổ nơi này. Cô bảo, khổ mãi rồi thành quen. Lần đầu tiên vượt qua cánh cổng trời Mường Lát, cô vừa đi vừa khóc. Tưởng rằng không thể trụ được ở trên này, nhưng rồi, nhìn ánh mắt thơ ngây của bọn trẻ lại níu chân cô ở lại.

Dù là phụ nữ thế nhưng cô cũng không khác gì những thầy giáo, cũng trèo đèo, lội suối, cũng đi gần hết các bản khó của xã Trung Lý. Ngặt nỗi, cấp mầm non không có giáo viên nam nên những người như cô Ánh dù đường có khó đến mấy, có xa đến bao nhiêu cũng vẫn phải đi.

Gian nan “cõng chữ” qua cổng trời - 3

Cô Ánh cùng học trò trong bản Suối Tung.

“Lần đầu tiên khi lên nhận công tác, được phân nơi ở của mình, tôi đã không dám tin đó là nơi ở. Không phải là nhà, cũng không được gọi là phòng, nó là một túp lều bằng nứa, xung quanh quây những miếng bạt rách che những lỗ thủng, cửa không có then cài, chỉ có thể khép hờ rồi dùng thanh nứa chống.

Rồi những năm sau đó, lại chuyển đến một bản khác, có những nơi mình dạy phải đi bộ cả ngày trời mới ra được trung tâm xã. Mỗi lần đến bản mới là ngã trầy chẹo chân không biết bao nhiêu lần vì không quen đường… Đã lường trước những khó khăn thế nhưng khi tận mắt đi và chứng kiến mới thấy nghị lực bị lung lay” - cô giáo Ánh tâm sự.

Hầu hết các thầy cô cắm bản đều phải tự xoay xở đồ ăn thức uống. Gạo thì có thể mua nhiều ở trung tâm xã rồi ăn cả năm còn thức ăn thì lại phải vào rừng bắt sâu măng hay xuống suối bắt cá.

Và cũng hầu hết các bản cũng đều có hàng loạt không như không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không đường… Cứ tối đến, cả bản tối bưng như mực. Bởi thế, làm sao để níu giữ giáo viên miền xuôi lên công tác mà còn níu cả hàng chục năm thì quả là phải có tình yêu biết bao với nghề mới có thể khiến họ quên đi khó khăn, gian khổ mà ở lại.

Điều đáng nói là cả với thầy Nhất và cô Ánh, mấy năm đầu lên đây công tác đều chỉ là giáo viên dạy hợp đồng, một tháng chỉ được mấy trăm nghìn tiền lương. Thế nhưng, vì tình yêu thương học trò mà thầy cô tình nguyện ở lại cho đến giờ.

Hơn 10 năm cắm bản gieo chữ, cô Ánh may mắn kết duyên với người chồng miền xuôi lên đây làm bộ đội, còn với thầy Nhất thì người vợ vẫn ở quê nhà. Hơn hai chục năm thầy công tác, chỉ mới duy nhất 1 lần được vợ lên thăm. Còn bình thường, cứ mỗi năm thầy được về với vợ con 2 lần đó là vào dịp hè và Tết.

“Mấy chục năm công tác, vợ vẫn đều đặn viết thư lên cho mình. Những năm trước, thư vợ gửi 2 tháng mới đến được tay, khi đến tay mình thì lá thư cũng nhàu mất rồi vì cứ gửi qua tay người này, người kia mới đến được. Có anh đồng nghiệp mà bố mất hai tháng mới nhận được tin vì trên này không có sóng, không có mạng internet” - thầy Nhất bùi ngùi.

Rồi thầy chỉ lên dãy núi cao ngút ngàn xa xa kia bảo bây giờ không còn viết thư nữa, nhưng mỗi lần nhớ vợ thì lại trèo lên trên đó, hứng sóng gọi về.

Gian nan chồng chất gian nan!

Có lẽ chỉ khi đi trên con đường mà bao năm qua các thầy cô giáo phải gồng mình đi qua mới hiểu được nỗi gian nan của các thầy cô cắm bản.

Để vào được Suối Tung, chúng tôi phải đi trên quãng đường rừng chừng hơn 10 km. Dù chỉ hơn 10 km nhưng cũng mất mấy tiếng mới có thể vào được tới nơi. Trước đây đường đã khó đi, trận lũ lụt lịch sử vừa qua lại khiến đường khó đi hơn vì nhiều đoạn sạt lở vô cùng nguy hiểm.

Con đường vắt quanh sườn núi chỉ rộng mấy gang tay nhưng lúc thì leo dốc dựng đứng lúc thì xuống dốc như rơi tõm vào một hố sâu . Chiếc xe máy liên tục phải cài cắm số 1, đồng chí công an huyện chở tôi phải gồng lên để không lỡ tay. Có những đoạn đường xe cài số 1 cũng không leo nổi, chúng tôi đành phải xuống đẩy xe lên con dốc lởm chởm đá. Đá có lúc phải nín thở, nhắm mắt, cảm giác như chỉ cần lạc tay lái là có thể rơi xuống vực sâu hun hút. Lên đến bản cảm giác như với tay là chạm đến trời.

Gian nan “cõng chữ” qua cổng trời - 4

Ánh mắt thơ ngây của học trò nơi vùng cao này đã níu giữ chân các thầy cô ở lại.

 

Thế mà bao năm qua, dù mưa hay nắng, cô Ánh vẫn mỗi ngày đều đặn sáng đi chiều về từ bản Táo vào Suối Tung với quãng đường gần 20 km. Cô Ánh còn bảo đó là cô con nhỏ nên ưu ái lắm mới được chuyển về đây chứ như trước là cắm bản ở Tà Cóm, ở Suối Hộc… đường xa, nhớ nhà đến chảy nước mắt cũng lâu lâu mới dám về vì đường khó đi.

Đáng nói là đồng bào ở đây vẫn xem chuyện học là thừa vì nó không mang lại cái ăn. Thế nên, lũ trẻ cũng ít đứa thiết tha với con chữ. Mỗi lần đến đầu năm học, các thầy cô lại lặn lội vào từng nhà vận động cho các con được đến trường.

Đường đi đã khó, “đường” đến với học trò còn khó hơn. Học trò nơi đây không rành tiếng Kinh nên những năm đầu lên đây, cô Ánh phải vừa học tiếng Mông vừa học phương pháp dạy. Ngày nào cô trò cũng phải “đánh vật” với từng “cái chữ”, từng “con số”, cứ tiếng H’Mông và tiếng Kinh đan xen nhau.

Giáo án soạn cũng chỉ là những bài giảng thông thường và đơn giản nhất. Cô bảo làm sao để các con nghe lời đã là khó chứ đừng nói dạy thế nào để chúng có thể hiểu.

Dần dần, cô cũng quen và chấp nhận những thiếu sót của học trò mình, rồi lại nỗ lực nhiều hơn để tìm cách dạy sao cho phù hợp.

Không những vậy, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến các thầy cô đều phải dạy lớp ghép. Lớp học của cô Ánh có đủ độ tuổi từ 2 tuổi đến 5 tuổi, một buổi dạy cô phải xoay xở sao cho dạy chương trình phù hợp với các độ tuổi. Còn thầy giáo Nhất cũng phải kiêm 2 lớp (3 và 4) trong cùng một thời gian. Thầy cứ quay sang lớp này hướng dẫn bài cho học sinh lại tất bật sang lớp kia…

Gian nan “cõng chữ” qua cổng trời - 5

Nơi soạn giáo án của thầy chỉ là một góc nhỏ đơn giản trong căn phòng tạm.

 

“Cũng có nhiều giáo viên khó khăn quá mà bỏ cuộc nhưng mình nghĩ nếu mình cũng như bao thầy cô giáo khác nữa cũng bỏ cuộc thì lũ học trò kia biết phải làm sao? Cứ nhìn thấy mặt mũi lấm lem của chúng, nhìn thấy trời lạnh căm căm mà chỉ một manh áo mỏng đến trường hay những hôm nhịn đói để đi học thì tình thương sẽ lấn át đi tất cả” - thầy Nhất chia sẻ.

Trải lòng về cuộc đời và sự nhọc nhằn “cõng chữ lên non” của mình, tôi như thấy bao nhiêu con chữ mà các thầy cô mang đến với học trò là bấy nhiêu sự hy sinh. Viết về các thầy cô vẫn cảm thấy như ngôn từ không thể đủ. Nếu không có trái tim yêu thương và tràn đầy nhiệt huyết có lẽ các thầy cô hay những giáo viên miền xuôi đang cắm bản ngày đêm mang con chữ đến học trò vùng cao có lẽ không làm được…

Nguyễn Thùy

 

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục