Gia tăng đột biến giáo sư, phó giáo sư: Cần một cuộc "thay máu"?

(Dân trí) - Mấy ngày nay trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tải về sự gia tăng đột biến số lượng GS/PGS. Có người xem sự gia tăng đột biến GS/PGS là thành tích của ngành giáo dục, nhưng cũng có người lại xem đó là thảm họa như sinh viên tốt nghiệp Đại học thất nghiệp! Vậy thực hư thế nào?


Để “thay máu” GS/PGS Việt Nam theo hướng Hội nhập Quốc tế, việc trước tiên là yêu cầu chọn các GS có công bố Quốc tế là thành viên HĐCDGS

Để “thay máu” GS/PGS Việt Nam theo hướng Hội nhập Quốc tế, việc trước tiên là yêu cầu chọn các GS có công bố Quốc tế là thành viên HĐCDGS

1. GS/PGS tăng đột biến, sau một đêm ngủ lương PGS tăng gấp đôi.

Theo thông tư số: 28/2015/TTLT-BGDĐT-BNV [1], các giảng viên Đại học Công lập khi lên PGS sẽ thành giảng viên cao cấp. Có giảng viên mức lương bậc 2 (hệ số 2,67, nhận lương 5 triệu/1 tháng) được phong PGS, sau một đêm ngủ sáng dậy có quyết định nâng lương với hệ số 6,2, nhận lương 10 triệu/1 tháng. Nếu không có thông tư này, giảng viên tiến sĩ phải phấn đấu 30 năm mới có hệ số lương 6,2.

Theo quan điểm của tác giả, việc tăng lương cho PGS như trên là hoàn toàn đúng nếu đó là PGS thực chất. Tuy nhiên nếu những năm tiếp theo vẫn diễn ra số lượng tăng đột biến GS/PGS như 2017 thì sự việc trở nên không bình thường và rất cần vào cuộc của các cơ quan chức năng xem xét đánh giá lại.

2. Tiêu chuẩn quốc tế của GS/PGS thấp hơn tiến sĩ và những hệ lụy

Theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và thông tư 16/2009/TT-BGDĐT, để trở thành PGS, ứng viên không yêu cầu có công bố quốc tế mà chỉ cần có các bài báo khoa học tiếng Việt được quy đổi thành 6,0 điểm công trình khoa học

Theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT, những NCS được tuyển sau năm 2017, điều kiện để được bảo vệ luận án Tiến sĩ (TS) là: "đã công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus" hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện”.

Qua các thông tư này có thể kết luận, tiêu chuẩn TS cao hơn tiêu chuẩn PGS.

Nếu không có cuộc “thay máu” GS/PGS, những năm tiếp theo vẫn duy trì cách xét GS/PGS như năm 2017 thì điệp khúc tăng đột biến vẫn tiếp tục diễn ra, đến một lúc tất cả các giảng viên Tiến sĩ đều trở thành PGS.! Và sau một đêm ngủ dậy, lương lại được tăng gấp đôi.

3. “Thay máu” GS/PGS – “bao giờ cho đến tháng 10”

Ngày 24/1/2017 [2], Bộ giáo dục công bố dự thảo “tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư” là ứng viên phải có công bố khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế. Và theo suy diễn logic, thành viên Hội đồng chức danh (HĐCDGS), những người có có thẩm quyền xét các hồ sơ ứng viên GS/PGS cũng phải có công bố quốc tế. Nghĩa là muốn “thay máu” GS/PGS phải có cuộc “thay máu” chính các thành viên trong HĐCD từ cơ sở, ngành đến nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế [3], “không ít các GS và thành viên các HĐCDGS Ngành hiện nay không đạt tiêu chuẩn tác giả chính các bài báo quốc tế”.

Vì vậy, ngày 4/7/2017, HĐCDGSNN quyết định, việc xét GS/PGS năm 2017 vẫn như cũ. Do tiêu chuẩn GS/PGS chưa thay đổi, kết quả số lượng GS/PGS tăng lên chóng mặt, giới truyền thông báo chí đã chọn 2 sự kiện nổi bật vừa qua là: kỳ tích U23 Việt Nam tầm cỡ Châu lục và “gia tăng đột biến GS/PGS đúng quy trình”.

4. Nhiều người giỏi từ chối không nộp hồ sơ xét GS/PGS

Năm 2003 ở trường Đại học mới thành lập đã xảy ra trường hợp hy hữu. Một sinh viên thi Đại học điểm rất cao đã bỏ học ngay tuần đầu tiên nhập học vào trường. Lý do, Sinh viên này phát hiện một cô giáo trước đây thi trượt đại học phải học Đại học tại chức, nay lại sắp dạy mình.

Sinh viên này tuyên bố, Trường Đại học để các thầy cô tốt nghiệp Đại học tại chức dạy các Sinh viên giỏi là xúc phạm đối với sinh viên và gia đình họ. Sau khi bỏ học, sinh viên này đã tìm cách đi du học và hiện nay là Giáo sư đại học danh tiếng ở Nhật, một kết thúc có hậu !.

Tương tự, ở một số HĐCDGS ngành, có thành viên hội đồng không có công bố quốc tế ISI, không đủ tiêu chuẩn GS/PGS mới, trong khi một số giảng viên Tiến sĩ là ứng viên PGS có thừa tiêu chuẩn công bố Quốc tế.

Thay vì nộp hồ sơ xét chức danh PGS, và chịu “nhẫn” để sau khi được PGS, lương có thể cao gấp đôi, vì lòng tự trọng, ứng viên đó không chấp nhận để những thành viên HĐCDGS có đẳng cấp thấp hơn lại ngồi xét ứng viên có đẳng cấp cao hơn.

Các giảng viên Tiến sĩ này đã quyết định rời trường ra nước ngoài giảng dạy hoặc đầu quân cho các liên doanh nước ngoài để có cuộc sống tốt hơn.

5. Những giải pháp nâng đời Tiến sĩ và “thay máu” GS/PGS theo xu hướng hội nhập.

Nếu Nghiên cứu sinh (NCS) có công bố quốc tế, đủ tiêu chuẩn để báo vệ luận án Tiến sĩ theo Thông tư 08/2017/TT-BGDĐT thì yêu cầu thành viên Hội đồng cấp cơ sở và cấp trường cũng phải là nhà khoa học đã có công bố quốc tế. Vì chỉ có nhà khoa học đã có công bố Quốc tế mới có đủ khả năng đánh giá NCS có công bố Quốc tế.

Nếu thành viên Hội đồng có đẳng cấpthấp hơn NCS, lại ngồi vị trí đánh giá NCS là một sự xúc phạm NCS và tập thể giảng viên hướng dẫn. Để NCS thật sự “tâm phục khẩu phục” cách đánh giá của Hội đồng, với các NCS có công bố Quốc tế, nên chọn các GS/PGS, TS là nhà khoa học có công bố quốc tế là thành viên Hội đồng.

Những PGS, Tiến sĩ không có công bố Quốc tế sẽ được chọn vào ngồi các Hội đồng đánh giá các NCS không có công bố Quốc tế. Đây là giải pháp công bằng và phù hợp với xu thế hội nhập Quốc tế.

Tương tự, để “thay máu” GS/PGS Việt Nam theo hướng Hội nhập Quốc tế, việc trước tiên là yêu cầu chọn các GS có công bố Quốc tế là thành viên HĐCDGS. Do quá trình tăng đột biến GS/PGS năm 2017 nên hiện tại các Trường Đại học trên cả nước đều có số lượng GS/PGS đáng kể, không nhất thiết phải tăng quy mô xét GS/PGS như năm 2017.

Muốn các GS/PGS có công bố quốc tế để đủ tiêu chuẩn trở thành thành viên HĐCDGS, thì ngoài nỗ lực tự phấn đấu của từng GS/PGS, Bộ giáo dục, các Trường Đại học, cần tạo điều kiện về tinh thần và có những chính sách khuyến khích bằng tài chính cho các GS/PGS có công bố Quốc tế.

Ví dụ [5], ĐH Kinh tế TP.HCM đã tài trợ 200 triệu đồng cho bài nghiên cứu công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học ISI/Scopus. Những ngành nào chưa đủ GS có công bố Quốc tế để thành lập HĐCDGS thì không nên tổ chức xét chức danh GS/PGS ngành đó.

Chỉ khi có có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ như trên mới hy vọng GS/PGS Việt Nam được “thay máu” và đáp ứng với kỳ vọng của nhân dân.

6. Kết luận

Không nên xem việc gia tăng đột biến GS/PGS năm 2017 là thành tích của ngành giáo dục, không nên đánh giá sự kiện này ngang tầm với kỳ tích U23 bóng đá Việt Nam và cũng không nên cực đoan xem nó là thảm họa như bùng nổ sinh viên tốt nghiệp Đại học thất nghiệp.

Chỉ khi có các giải pháp đồng bộ nhằm “thay máu” GS/PGS thì người nhận chức danh nay GS/PGS mới cảm thấy hãnh diện và tự hào.

Tài liệu tham khảo

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-lien-tich-28-2015-TTLT-BGDDT-BNV-bo-nhiem-xep-luong-vien-chuc-giang-day-co-so-giao-duc-dai-hoc-295450.aspx

[2] http://www.hdcdgsnn.gov.vn/index.php/ho-t-d-ng-xet-duy-t/thong-bao/742-da-tha-o-v-n-ba-n-thay-tha-quya-t-a-nh-sa-174-2008-q-ttg-va-quya-t-a-nh-sa-20-2012-q-ttg-ca-a-tha-t-a-ng-cha-nh-pha

[3] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/du-thao-moi-ve-quy-dinh-tieu-chuan-giao-su-pho-giao-su-cai-cach-nang-chuan-tu-chinh-cac-hoi-dong-chuc-danh-giao-su-354890.html

[4] https://thanhnien.vn/giao-duc/so-nguoi-dat-chuan-gs-pgs-tang-ky-luc-930649.html

[5] https://tuoitre.vn/thuong-den-200-trieu-cho-bai-viet-khoa-hoc-cong-bo-quoc-te-20171126093332764.htm

PGS.TS Ngô Tứ Thành - Đại học Bách Khoa Hà Nội

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!