1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Nghe chuyện người Do Thái dạy con kiếm tiền từ năm 3 tuổi

Hạ Linh

(Dân trí) - Có câu nói thế này: "Tiền của thế giới nằm trong túi người Mỹ, nhưng tiền của người Mỹ thì nằm trong túi của người Do Thái". Người Do Thái thường dạy con tư duy tài chính, cách kiếm tiền ngay từ bé.

Biết "mua thấp" nhưng "bán cao" kiếm lời ngay từ bé

Phần nhiều các phụ huynh phương Đông thường nuôi dạy con theo quan điểm trẻ em còn nhỏ chỉ cần lo học hành, chuyện tiền bạc là trách nhiệm của người lớn. Chính vì vậy, họ rất hiếm khi dạy con về cách kiếm tiền. Trong khi tiền lại là một phương tiện chính yếu của cuộc sống. Thế rồi khi con lớn, phụ huynh lại kỳ vọng, áp lực con sớm thành tài, kiếm được nhiều tiền lo cho cuộc sống và báo hiếu bố mẹ.

Người Do Thái thì luôn tin rằng bố mẹ phải nên dạy con cách kiếm tiền từ "thuở còn thơ".

Gad là cậu bé người Do Thái được cha mẹ dạy về kinh doanh từ năm 7 tuổi. Công việc đầu tiên Gad làm là đi giao báo. Trải nghiệm này dạy cậu bài học "Chất lượng sản phẩm phải được đặt lên số Một nếu muốn kinh doanh lâu dài".

Năm 10 tuổi, Gad ra bãi biển chơi, thấy truyện tranh ở đây do trẻ em nghèo bán rất rẻ, cậu liền mua lại và đạp xe sang bên kia bãi biển bán cho những đứa trẻ giàu có.

Khoảng cách giữa hai bên là 1000 mét, nhưng công sức Gad bỏ ra không hề uổng phí nhờ nguyên lý "mua thấp" nhưng "bán cao".

Vài tháng sau, hội con nhà giàu phát hiện ra điều đó, Gad bị bọn chúng đánh cho một trận, nhưng cậu không ngại. Đối với những đứa trẻ Do Thái, kiếm được đồng tiền bằng chính sức mình, bạn nên vinh dự vì điều đó. 

Không ngừng nghĩ cách kiếm tiền, Gad lại tiếp tục đến các cửa hàng ở góc phố mua nước ngọt, bỏ đá đóng hộp rồi bán lại cho các bà cụ 70 tuổi đang chơi đánh cầu với giá gấp đôi.

12 tuổi, Gad đến sân golf nhặt bóng cùng các bạn và kiếm được 10 đô la trong 5 giờ. Nhưng không hài lòng, Gad muốn kiếm tiền nhanh hơn nữa.

Sau đó, cậu nghĩ ra cách đi nhặt những quả bóng bị rơi trong mương và bụi rậm, lau chùi sạch sẽ hoặc sơn lại. Nó khiến quả bóng nâng cao giá trị lên mấy lần.

Trường hợp của Gad chỉ là một ví dụ thể hiện sự khôn ngoan, nhanh nhạy kiếm tiền của con cái trong các gia đình người Do Thái.

Để tìm ra những cách kiếm tiền ngày càng sáng tạo hơn, nhanh hơn, nhiều hơn, mỗi đứa trẻ Do Thái đều phải nỗ lực tìm tòi, suy nghĩ từng ngày. 

Khi du học nước ngoài, mẹ của Gad có đầu tư vào một căn hộ ở trung tâm New York. Lúc đó, Gad hỏi mẹ rằng cậu có thể sống ở đó để không phải mất tiền thuê nhà bên ngoài không?

Mẹ của Gad đáp: "Con muốn thuê bao nhiêu một tháng? Không có tiền thì không thể !".

Chính vì cách giáo dục con sự độc lập, không dựa dẫm vào tài sản, tiền bạc của bố mẹ đó, con cái người Do Thái tầm tuổi 12 - 14 tuổi đã không còn thói quen xin tiền bố mẹ. Trẻ sẽ tự kiếm tiền tiêu vặt bằng cách phụ việc nhà hoặc những dự án kinh doanh kiếm lời khác.

Dạy con hiểu giá trị đồng tiền

Cuốn sách Phương pháp giáo dục con của người Do Thái cũng kể một câu chuyện thú vị thể hiện việc bố mẹ Do Thái dạy con về tiền như sau:

Mark 3 tuổi, bố mẹ cậu đều là người Do Thái, hiện nay cả gia đình cậu đang sống ở Mỹ. Một hôm, khi cậu đang nghịch đá, bố cậu đứng bên liền hỏi: "Mark, hòn đá đó có thú vị không con?".

"Ồ, hay lắm bố ạ", Mark trả lời.

"Mark, bố có một ít đồng xu, bố nghĩ chơi đồng xu hay hơn những hòn đá kia, con có muốn thử không?". Bố mỉm cười nhìn Mark.

"Được ạ, được ạ, nhưng chơi đồng xu có thật sự thích không bố?". Mark ngẩng đầu lên hỏi.

"Đương nhiên rồi, con xem, đây là đồng 1 xu, đây là đồng 10 xu, đây là đồng 50 xu. Con có thể dùng nó mua đồ chơi mà con thích, ví dụ con thích xe tải đồ chơi, con có thể dùng 2 đồng 50 xu là mua được". Bố kiên nhẫn giảng giải.

"Ồ, nghe cũng hay đấy ạ. Nhưng con vẫn chưa phân biệt được mệnh giá lớn nhỏ của nó, bố có thể nói lại cho con được không ạ?", Mark lễ phép hỏi bố.

"Đương nhiên là được, Mark, con xem này, đây là đồng 1 xu, đây là đồng 10 xu, đây là đồng 50 xu - đồng to nhất". Bố vừa trả lời vừa đưa từng đồng xu cho Mark.

Mark nhận đồng xu, tỉ mỉ quan sát rất lâu, sau đó vui mừng reo lên: "Oa, đồng 50 xu to quá, bây giờ con đã biết nó rồi. Nhưng con vẫn chưa phân biệt được đồng 1 xu và 10 xu".

Bố xoa đầu Mark khen ngợi: "Mark của bố giỏi quá, trong thời gian ngắn đã biết phân biệt đồng 50 xu rồi. Đồng 1 xu và 10 xu, bố nghĩ con cũng sẽ phân biệt được nhanh thôi".

Người Do Thái ngoài việc hiểu giá trị của đồng tiền, còn truyền dạy những kiến thức đó cho con cái, để thế hệ sau hiểu được giá trị của nó. Dưới đây là một số mục tiêu về năng lực quản lý tài chính mà cha mẹ Do Thái yêu cầu ở con mà cuốn sách Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương (Sara Ima) đề cập:

Khi 3 tuổi, trẻ có thể nhận biết được tiền xu và tiền giấy. Khi 4 tuổi, trẻ biết dùng tiền xu mua những món hàng đơn giản.

Khi 5 tuổi, trẻ biết cách dùng tiền xu trao đổi hàng hóa, hiểu được giá trị của đồng tiền.

Khi 7 tuổi, trẻ biết đếm một số lượng tiền xu lớn, biết đổi những đồng tiền xu đơn giản.

Khi 8 tuổi, trẻ biết cách tính tổng giá mua hàng, biết dùng sức lao động của mình để kiếm tiền, biết được số tiền đang gửi trong tài khoản ngân hàng của mình là bao nhiêu.

Khi 9 tuổi, trước khi mua đồ, trẻ có thể liệt kê những đồ cần mua, khi mua biết so sánh giá cả.

Khi 10 tuổi, trẻ biết mỗi tuần dành dụm bao nhiêu tiền để mua đồ đắt hơn, hiểu được các quảng cáo của doanh nghiệp.

Khi 12 tuổi, trẻ biết đặt kế hoạch chi tiêu trong nửa tháng, hiểu được các thuật ngữ của một số ngân hàng.

Khi 13-15 tuổi, trẻ có thể dùng một số phương tiện đầu tư an toàn, biết được làm thế nào dự trữ, dự toán và đầu tư bước đầu.

Khi 16-17 tuổi, trẻ nắm được một số kiến thức kinh tế, như kiến thức cơ sở của kinh tế vĩ mô, học cách quan tâm chú ý đến kinh tế thị trường toàn cầu, bắt đầu hiểu một số mối quan hệ giữa các công cụ tiền tệ.

Khi trẻ được 3 tuổi, cha mẹ bắt đầu giảng giải cho trẻ hiểu giá trị và công dụng của đồng tiền. Họ thường cùng trẻ chơi trò chơi đoán giá trị tiền tệ, để nâng cao khả năng nhận biết đồng tiền cho trẻ. Ngoài ra, khi trẻ lớn dần lên, cha mẹ còn nói với trẻ tiền bạc bắt nguồn từ sức lao động, chứ không phải là được biến ra từ túi của bố mẹ, từ đó giúp trẻ hiểu được giá trị của đồng tiền.

Người Do Thái là một trong những nhà quản lý tiền bạc thông minh và những người tạo ra của cải mà chúng ta có trên thế giới. Bạn thường nghe nói rằng bất cứ thứ gì mà một người Do Thái chạm vào, nó sẽ thịnh vượng. Người Do Thái bắt đầu dạy con cái họ về tiền bạc ngay khi chúng biết nói.

Trẻ em Do Thái sau đó lớn lên với tinh thần trách nhiệm cao, khả năng giàu có và trải nghiệm sự hài lòng, thành công hơn những đứa trẻ khác.