Trước thềm lễ trao giải năm 2010:

Gặp lại nhà khoa học được trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” 2009

(Dân trí) - Giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” 2009 đã trôi qua 1 năm nhưng những chủ nhân của giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” trong lĩnh vực tự nhiên vẫn còn cảm giác lâng lâng, hạnh phúc và vinh dự.

Năm 2009, cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” đã trao giải thưởng cho 3 nhà khoa học trong lĩnh vực khoa học tự nhiên (mỗi giải thưởng trị giá 100 triệu đồng). Giải thưởng về Khoa học Môi trường được trao cho PGS Nguyễn Hoàng Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục môi trường, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (năm 2010, ông Nguyễn Hoàng Trí đã được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước phong tặng danh hiệu Giáo sư), vì đã hoàn thành xuất sắc các công trình nghiên cứu mới về thiết lập và quản lý các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.

Giải thưởng về Công nghệ sinh học được trao cho GS Lê Trần Bình, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ sinh học nanô, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vì đã hoàn thành xuất sắc các công trình nghiên cứu về công nghệ tế bào thực vật và công nghệ gen.

Giải thưởng về Toán học được trao cho GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, vì đã hoàn thành xuất sắc các công trình nghiên cứu về Đại số giao hoán.

Trước thềm lễ trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” 2010, nhìn lại một năm nhận giải, GS.TS. Nguyễn Hoàng Trí: “Thế là đã một năm trôi qua, tôi cảm tưởng như mới hôm qua thôi, bởi vì cái cảm giác lâng lâng và tuyệt vời ấy theo tôi đi vào từng bài giảng, từng buổi thí nghiệm với tinh thần trách nhiệm cao hơn và ý nghĩa hơn. Nhà thơ Tố Hữu có những vần thơ để đời về cuộc sống, trong bài thơ Một khúc ca xuân có đoạn:“Nếu là con chim, chiếc lá/Con chim thì phải hót, lá thì phải xanh/Lẽ nào vay mà không trả/Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Bây giờ chính là lúc mình cho, cho học sinh thân yêu những kiến thức, những trải nghiệm, những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy, cho tình yêu thương và làm việc hết sức mình cho cộng đồng người dân địa phương xây dựng mô hình phát triển bền vững ở 8 khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận. Mình luôn tâm niệm phải sống và làm việc, nghiên cứu và giảng dạy sao cho xứng đáng với sự công nhận xã hội - một niềm vinh dự tuyệt vời”.

Gặp lại nhà khoa học được trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” 2009 - 1
PGS. TS Nguyễn Hoàng Trí hạnh phúc sau khi nhận giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" 2009.
 
Nói về giải thưởng "Nhân tài đất Việt" năm 2010, GS Trí cho rằng: "Giải thưởng sẽ dành cho những “chiến binh” công nghệ thông tin trong "cuộc chiến" với lạc hậu và đói nghèo đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ thông tin, dành cho những nhà khoa học đầy sáng tạo và dũng cảm đi sâu những lĩnh vực nghiên cứu mà đương thời chưa chắc đã nhận ra hết giá trị của nó, dành cho các bạn trẻ dám vượt qua mọi thử thách mang hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp, họ là những Đặng Thùy Trâm, những Nguyễn Văn Thạc trong “cuộc chiến” đưa đất nước Việt Nam lên tầm cao mới".
 
Chia sẻ với các nhà khoa học trẻ, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí cho biết: “Các nhà khoa học trẻ của chúng ta hiện nay có thể trẻ tuổi đời nhưng họ đã trải nghiệm hơn thế hệ chúng tôi nhiều lắm. Ở vào tuổi các ban trẻ, những năm tháng đó chúng tôi chỉ có một lựa chọn - “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi tổ quốc cần”. Bây giờ các bạn trẻ có thể học thoải mái, có thể học một lúc lấy mấy bằng, biết mấy ngoại ngữ, tự thành lập một công ty, một doanh nghiệp, tạo ra một hướng nghiên cứu mới… Chính kinh tế thị trường đã tạo nên những con người sáng tạo, những tư duy đột phá. Còn khó khăn, thách thức thì bao giờ chẳng có, thời nào cũng vậy, điều quan trọng là anh vượt qua nó bằng cách nào và có kiên nhẫn để có thể đi đến tận cùng của mơ ước mà thôi. Ai thì không biết chứ, tôi, tôi rất tin vào các nhà khoa học trẻ. Chỉ có điều là làm sao có một cơ chế hợp lý để các bạn trẻ có thể cống hiến, có thể dấn thân vì mục đích cao cả, thực chất chứ không phải hình thức, làm thật chứ không phải phong trào, và được xã hội công nhận một cách xứng đáng như giải thưởng "Nhân tài Đất Việt".
 
Gặp lại nhà khoa học được trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” 2009 - 2
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (bên phải) và GS Nguyễn Văn Hiệu (bên trái) trao giải thưởng "Nhân tài Đất Việt" năm 2009 cho GS Ngô Việt Trung.
 
Gặp lại nhà khoa học được trao giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” 2009 - 3
GS Lê Trần Bình hạnh phúc trong ngày nhận giải thưởng.

Đối với GS.TSKH Ngô Việt Trung, Viện trưởng Viện Toán học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” đã ghi dấu trong lòng.

GS Trung tâm sự: “Giải thưởng đã động viên tôi rất nhiều trong công tác. Tôi mong giải thưởng chọn được các nhà khoa học thật sự tiêu biểu để làm tấm gương cho các bạn trẻ. Việt Nam rất cần những người trẻ theo đuổi sự nghiệp khoa học. Thành công sẽ đến nếu các bạn trẻ say mê và kiên trì nghiên cứu khoa học”.

Còn GS Lê Trần Bình đã chia sẻ với các nhà khoa học trẻ sau khi nhận giải thưởng Cuộc thi “Nhân tài Đất Việt” 2009 kết thúc: “Giới trẻ Việt Nam đang sống trong xã hội thông tin, tiếp thu và kế thừa những thành tựu của khoa học thế giới. Tuy nhiên, các bạn phải luôn ghi nhớ rằng muốn làm khoa học thì phải có niềm đam mê, muốn đi tới thành công thì không được ngại khó, ngại khổ, không được nghĩ rằng làm khoa học là để kiếm tiền mà phải vì mục đích phát triển sự nghiệp khoa học kỹ thuật của nước nhà”.
 
*Vào lúc 20h tối chủ nhật ngày 21/11, lễ trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2010 sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô và được phát sóng trực tiếp trên kênh VTV1- Đài Truyền hình VN.

Hồng Hạnh