Gần 50.000 cơ hội học nghề chờ đón học sinh
(Dân trí) - Năm 2023, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa đặt ra mục tiêu tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 83.080 lao động. Trong đó, tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp là 48.200 người.
Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Thanh Hóa đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tổ chức thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đào tạo nghề; tích cực đổi mới phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự đột phá về chất lượng hoạt động GDNN; tăng cường liên kết đào tạo với doanh nghiệp, chú trọng đào tạo nghề theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, nhằm đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước tham gia đầu tư, thành lập các cơ sở GDNN.
Đồng thời, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN tích hợp trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Triển khai, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở GDNN thực hiện tiểu dự án 1, dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và tiểu dự án 3, dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Sở LĐ-TB&XH cũng đã trình UBND tỉnh này cho phép thành lập một cơ sở GDNN; công nhận chức danh giám đốc một cơ sở GDNN; thẩm định và cấp 8 giấy chứng nhận đăng ký mới và 10 giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động GDNN; tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực GDNN tại 6 cơ sở GDNN...
Mục tiêu năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 83.658 người (vượt 0,07% kế hoạch năm). Trong đó, tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp là 45.503 người (gồm: Trình độ cao đẳng 2.921 người, trình độ trung cấp 8.012 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 34.570 người); kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề 38.155; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 28,5%.
Năm 2023, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động GDNN thông qua việc thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động; đổi mới phương thức đào tạo, chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm cho người lao động nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động.
Cụ thể, tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho 83.080 lao động. Trong đó, tuyển sinh đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp là 48.200 người (trình độ cao đẳng 3.600 người, trình độ trung cấp 9.200 người, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 35.400 người); kèm cặp truyền nghề tại các doanh nghiệp, làng nghề 34.880 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ đạt 29%.
Trong năm 2023, ngành LĐ-TB&XH Thanh Hóa đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới.
Cụ thể, tiếp tục tham mưu rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hướng dẫn các cơ sở GDNN ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học nghề; thực hiện tốt việc quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu học sinh, sinh viên ở cả đầu vào và đầu ra để xây dựng dữ liệu cung lao động qua đào tạo của từng ngành nghề, phục vụ việc dự báo nguồn cung trên thị trường lao động.
Tiếp tục thực hiện rà soát các thủ tục hành chính để tham mưu trình UBND tỉnh đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân rút ngắn được thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực GDNN; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động GDNN, triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động gắn kết hoạt động GDNN với doanh nghiệp.