Bài 4:
Gần 400 giáo viên mất việc: “Khủng hoảng” giáo viên đầu năm học?
(Dân trí) - Việc gần 400 giáo viên, nhân viên hợp đồng trong ngành giáo dục huyện Vĩnh Lộc nhận thông báo dừng hợp đồng lao động đang gây xôn xao dư luận tại địa phương. Năm học mới sắp bắt đầu, nhiều trường học lo lắng khi hàng loạt giáo viên đã bị “phanh” hợp đồng.
“Hết hạn hợp đồng ngày nào sẽ dừng và nghỉ việc ngày đó !”
Như Dân trí đã phản ánh, ngày 27/6, Huyện ủy Vĩnh Lộc ra thông báo số 139 dừng không ký lại hợp đồng đối với các trường hợp đã hết hạn hợp đồng đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện cho đến khi có chủ trương chính thức của tỉnh.
Cũng trong ngày 27/6, UBND huyện Vĩnh Lộc có công văn số 770/UBND-NV về việc xin ý kiến hướng giải quyết số hợp đồng lao động tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc gửi Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.
Đến ngày 28/6, UBND huyện Vĩnh Lộc có thông báo số 98/TB-UBND về việc dừng không ký lại hợp đồng lao động. Thông báo này khiến hàng trăm giáo viên quá bất ngờ.
Tại buổi làm việc với phóng viên Dân trí, ông Lê Huy Thanh - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn báo chí UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết, huyện thực hiện kế hoạch số 14 của Tỉnh ủy và công văn của UBND tỉnh về việc không ký lại hợp đồng đối với những đối tượng đã hết hạn.
Theo đó, những lao động hợp đồng trong cơ quan trực thuộc UBND huyện, trong đó có đội ngũ cán bộ giáo viên dừng không ký tiếp hợp đồng lao động. UBND huyện Vĩnh Lộc đã rà soát, những đối tượng nào hết hạn hợp đồng ngày nào thì sẽ dừng và nghỉ việc ngày đấy.
Theo ông Thanh, UBND huyện đã tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi, động viên và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục là đối tượng hợp đồng.
“Gần đây nhất là ngày hôm qua (5/7), UBND huyện đã tổ chức buổi gặp gỡ mang tính chất thông báo chỉ đạo của tỉnh về việc chấm dứt hợp đồng đối với cán bộ lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện để chờ ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của tỉnh. Nói là đột ngột cũng không sai, bởi vì kế hoạch số 14 của Tỉnh ủy cũng vừa mới gần đây, còn tinh giản biên chế đã được Chính phủ thực hiện lâu rồi”, ông Thanh nói.
Đánh giá về đóng góp của những giáo viên, nhân viên hợp đồng, ông Thanh thẳng thắn: "Với nhận định của tôi, không phủ nhận cán bộ lao động hợp đồng là làm không tốt bằng các đồng chí trong định biên, thậm chí là làm tốt hơn. Cũng có những đồng chí làm rất tốt nhưng chưa vào được biên chế là có thật. Trong cơ quan UBND huyện, khối sự nghiệp và đặc biệt là khối giáo dục thì hàng năm, hàng kỳ, hàng tháng đều có báo cáo đánh giá về chất lượng cán bộ công chức, viên chức nhà nước, căn cứ theo đề án vị trí, việc làm. Trong thời gian qua, đội ngũ công chức các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện không có đồng chí nào là không hoàn thành nhiệm vụ, mà hoàn thành mức độ như thế nào thôi”.
Huyện ủy và UBND huyện Vĩnh Lộc đã giao cho các ngành liên quan có cơ chế hỗ trợ theo đúng quy định của nhà nước đối với giáo viên, nhân viên bị chấm dứt hợp đồng lao động. Nói như ông Thanh thì gần 400 giáo viên, nhân viên trong diện hợp đồng với huyện Vĩnh Lộc cũng như với các trường đã mất việc và chưa biết tương lai của mình sẽ như thế nào.
“Khủng hoảng” giáo viên trước thềm năm học mới?
Việc hàng trăm giáo viên hết hợp đồng lao động phải nghỉ việc khiến nhiều đơn vị trường học trên địa bàn lo lắng khi năm học mới sắp bắt đầu.
Trước khi huyện Vĩnh Lộc thông báo dừng không ký lại hợp đồng lao động, tại trường mầm non thị trấn Vĩnh Lộc có 28 cán bộ, giáo viên và nhân viên hành chính. Tuy nhiên, theo báo cáo của hiệu trưởng thì nhà trường có 10 giáo viên, nhân viên hợp đồng. Những giáo viên, nhân viên trong diện hợp đồng được đánh giá là có trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Như vậy, sau khi không ký tiếp hợp đồng lao động, hiện nhà trường chỉ còn lại 18 cán bộ, giáo viên không đáp ứng được nhu cầu dạy học của nhà trường khi năm học mới sắp bắt đầu.
“Chuẩn bị bước vào năm học mới, một lúc giảm 10 cán bộ, giáo viên, nhân viên, ngay từ đầu năm học không đủ giáo viên đứng lớp thì phụ huynh rất lo lắng, không yên tâm. Trong khi cơ sở vật chất chúng tôi đã thiếu thốn, việc phân bổ giáo viên đứng lớp cực kỳ khó khăn”, cô Soi chia sẻ.
Hơn nữa, với việc dừng hợp đồng lao động, cán bộ văn thư, kế toán của nhà trường không còn nên rất khó khăn cho những công việc này. Ngoài ra, có những giáo viên đang tham gia BHXH, chuẩn bị đến giai đoạn thai sản, khi bị chấm dứt hợp đồng thì chưa biết phải đóng bảo hiểm ở đâu nên rất hoang mang, lo lắng.
“Đề nghị huyện tham mưu tỉnh nhanh chóng định biên lại cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường, tạo điều kiện cho các cô được quay lại làm việc để các nhà trường có đủ giáo viên chuẩn bị bước vào năm học mới”, cô Soi cho biết.
Cô N.T.N, giáo viên một trường mầm non trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc tỏ ra bức xúc về cách làm việc không thông báo chấm dứt hợp đồng trước cho giáo viên, không có lời giải thích thỏa đáng nào. Sự việc diễn ra quá đột ngột khiến giáo viên hoang mang.
“Một giáo viên lâu năm, bị nghỉ việc như thế khiến người khác nghĩ mình bị đuổi việc, ảnh hưởng đến danh dự của giáo viên. Chúng tôi không đòi hỏi huyện hỗ trợ gì cả. Đã mất 7, 8 năm đi học, bao nhiêu bằng, chứng chỉ để mong muốn nhận hai từ biên chế, giờ đổi lại thành hai từ mất việc. Chúng tôi mong muốn huyện hợp đồng lại để tiếp tục cống hiến, nếu có tuyển dụng thì nên ưu tiên những người trong nghề, có kinh nghiệm”, cô N chia sẻ.
Để tìm hiểu sâu hơn những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, phóng viên đề nghị được gặp lãnh đạo phòng Nội vụ trao đổi.
Sáng ngày 6/7, ông Lê Huy Thanh hẹn phóng viên đúng 14h30 quay lại làm việc, đến lịch hẹn, phóng viên đến thì phòng Nội vụ thì “cửa đóng then cài”. Trở lại văn phòng thì ông Thanh cho biết, đang liên hệ với Trưởng phòng Nội vụ, nói phóng viên chịu khó chờ.
Tuy nhiên, chờ hết buổi chiều, qua nhiều lần liên lạc lại nhưng cán bộ phòng Nội vụ vẫn “bặt vô âm tín”. Cuối cùng, Chánh văn phòng xin khất phóng viên vào dịp khác trao đổi.
Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh sự việc trên đến bạn đọc.
Duy Tuyên