Gần 14.000 thí sinh bị điểm 1 môn Sử

Đây là số liệu thống kê từ các trường đại học Sư phạm Hà Nội, Đà Lạt, Sư phạm TPHCM và Sư phạm Đồng Tháp, từ đó cho thấy kiến thức về Lịch sử của thí sinh hiện nay thật đáng báo động. Cả 4 trường, chỉ có gần 10% thí sinh đạt điểm môn Sử từ 5 trở lên.

Những con số báo động

 

ĐH Sư phạm Hà Nội, khối C của trường này có 5.400 thí sinh dự thi thì lượng thí sinh đạt trên 20 điểm/3 môn chỉ có 358 thí sinh, từ 15 điểm trở lên/3 môn là hơn 1.400. Trong đó, toàn trường chỉ có 103 thí sinh đạt môn Lịch sử từ 8 trở lên, 804 thí sinh đạt từ 5 trở lên, 985 thí sinh đạt từ 4,5 điểm trở lên.

 

Nếu thống kê số bài thi có điểm từ 3 trở xuống thì có đến hơn 4.000 thí sinh; từ 2 điểm trở xuống có hơn 3.500 thí sinh và 1 điểm trở xuống có hơn 2.800 thí sinh. Làm bài toán đơn giản sẽ thấy, số thí sinh đạt điểm trung bình môn Lịch sử chỉ có 14,9% (số liệu đã làm tròn).

 

Con số này của ĐH Sư phạm Hà Nội còn được xem là an ủi. Trường ĐH Sư phạm TPHCM có 9.008 thí sinh dự thi khối C mà cũng chỉ có một thí sinh đạt 22 điểm/3 môn; 14 thí sinh đạt 20 điểm/3 môn và nếu lấy ở mức điểm trung bình là 15 điểm/3 môn thì chỉ có 398 thí sinh. Trong đó, môn Lịch sử chỉ có 5 thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên, 308 thí sinh đạt 5 điểm trở lên.

 

Nếu tiếp tục thống kê theo chiều đi xuống lại càng khủng khiếp: số thí sinh có điểm bài thi từ 3 điểm trở xuống có đến 8.102 thí sinh, từ 2 điểm trở xuống có 7.269 và từ 1 điểm trở xuống có 5.856 thí sinh. Chung cuộc trường này chỉ có 3,41% thí sinh đạt điểm trung bình môn Sử.

 

Trong khi đó ĐH Đà Lạt khối C có 7.807 thí sinh dự thi, có 13 thí sinh đạt 20 điểm trở lên/3 môn thi, 361 thí sinh đạt 15 điểm trở lên/3 môn thi. Nếu xem ở mức 1 điểm trở xuống, môn lịch sử có 4.650 thí sinh, 2 điểm trở xuống có 6.022 thí sinh và 3 điểm trở xuống có 6.812 thí sinh. Còn 4,5 điểm trở lên có 521 thí sinh và điểm trung bình 5 điểm trở lên của môn này chỉ có 372 thí sinh, tỉ lệ đạt điểm trung bình là 4,76%.

 

Còn ở ĐH Sư phạm Đồng Tháp có 1.374 thí sinh dự thi khối C thì chỉ có 4 thí sinh đạt 8 điểm trở lên ở môn lịch sử, 126 thí sinh trở lên đạt mức sàn 5 điểm trở lên và 177 thí sinh đạt mức 4,5 điểm trở lên. Số còn lại đều chia đều cho tốp dưới, vì có đến 486 thí sinh đạt từ 1 điểm trở xuống, 801 thí sinh đạt từ 2 điểm trở xuống và 1.052 thí sinh đạt từ 3 điểm trở xuống. Trung bình ĐH Sư phạm Đồng Tháp có 9,17% số thí sinh đạt điểm trung bình.

 

Thật xót xa và không thể không bàng hoàng trước con số có đến 13.820 thí sinh/23.588 thí sinh có bài làm đạt từ 1 điểm trở xuống, chiếm tỷ lệ đến 58,5%. Chắc chắn những người ra đề thi sẽ không ngờ đề thi lại có sự phân hóa khủng khiếp đến vậy. 

 

Bao giờ "dân ta mới biết sử ta"?

 

Trong đợt 2 của kỳ thi tuyển sinh ĐH 2005, khối C, số thí sinh ngồi “cắn bút” nhiều nhất tập trung vào buổi thi môn Lịch sử. Một trật tự viên tại Trường THCS Chu Văn An (điểm thi số 4 - ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TPHCM) kể, trong lúc đưa một thí sinh đi vệ sinh trong buổi chiều thi môn Lịch sử, cô cứ bị thí sinh này liên tục nhờ nhắc bài. Vì học gạo nên em này cứ năn nỉ cô giáo: “Cô nhắc cho em một chữ đầu thôi là em nhớ hết bài”.

 

Theo PGS.TS Võ Văn Sen (Trưởng khoa lịch sử, ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TPHCM), kết quả này đúng là đáng báo động về tình trạng dạy và học Sử hiện nay. Học sinh có học bài nhưng chỉ học vẹt, học nhưng không hiểu bài, không biết cách suy luận và tổng hợp. Ví dụ như ý 1 của câu số I hỏi về “Ý nghĩa của cao trào kháng Nhật cứu nước đối với Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945”. Nội dung này trong sách giáo khoa không trình bày thành một mục riêng nhưng trong phần diễn biến của cao trào kháng Nhật thì có nói đến, vậy mà rất hiếm thí sinh làm được.

 

Hay ở câu số III: “Nêu những sự kiện lịch sử tiêu biểu thể hiện tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ”, thí sinh phải biết góp nhặt những sự kiện của thời kỳ 1945-1975, nhưng số thí sinh làm được câu này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Yếu tố đầu tiên dẫn đến tình hình trên nên xét đến chính là sách giáo khoa môn Sử hiện nay: kiến thức quá dàn trải, nhiều chi tiết nhưng không nêu được vấn đề cốt lõi, tính sư phạm rất thấp.

 

Giáo viên môn Sử không được coi trọng như những giáo viên các môn khoa học tự nhiên, ít được bồi dưỡng kiến thức thường xuyên, cuộc sống vất vả vì mưu sinh, giảng dạy theo lối mòn để chạy theo chương trình, sợ “cháy” giáo án... Phương pháp dạy như thế ảnh hưởng lớn đến phương pháp học của học sinh: học mà không hiểu là vì vậy.

 

Ông Chu Văn Thông, Sở GD-ĐT Nghệ An thì cho rằng đề thi năm nay bám sát sách giáo khoa, sự kiện và quan điểm lịch sử chủ yếu đã được thể hiện trong sách lịch sử lớp 12 hiện hành. Một trong những yêu cầu cơ bản của một bộ đề thi là sự phân hóa để bỏ được tình trạng “ngồi nhầm lớp” của học sinh. Vì vậy, câu I, ý 2: “Hồ Chí Minh… đã thực hiện những chủ trương gì để Việt Nam với tư cách là một nước độc lập đón tiếp quân Đồng minh…” là câu hỏi rất hay, những thí sinh có khả năng, khá - giỏi mới làm được câu này.

 

Theo Vnexpress/Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Giới trẻ dốt sử