Đắk Nông:
Gần 1.000 học sinh phải chia nhau đi học nhờ
(Dân trí) - Kể từ khi tách ra từ trường THPT Lê Duẩn, đến nay đã hơn một năm, nhưng gần 1.000 học sinh của trường THCS Hoàng Văn Thụ (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) vẫn chưa có cơ sở học tập mà phải đi học nhờ trường tiểu học với nhiều bất cập.
Nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh, chúng tôi đã xuống trường THCS Hoàng Văn Thụ để tìm hiểu thực hư vấn đề. Tại trường học này, cổng trường ghi là trường THCS nhưng thực chất, toàn bộ cơ sở vật chất dạy và học lại là dành cho học sinh tiểu học. Bởi vì đây chính là phân hiệu 2 của trường tiểu học Quảng Sơn.
Theo tiêu chuẩn, phòng dành cho bậc học THCS được thiết kế tối đa 45 học sinh/lớp thì phòng học tại đây thiết kế chỉ đủ cho 35 học sinh nhưng sĩ số học sinh ở trường này có khi lên tới 50 em/lớp. Việc này đã khiến cho công tác dạy và học ở điểm trường này gặp nhiều khó khăn.
Một số giáo viên đang giảng dạy tại cơ sở này cho biết, do diện tích lớp học nhỏ, học sinh của trường lại đông nên phòng học rất chật chội. Bàn học nhỏ, ngồi đông nên việc học tập của các em gặp nhiều khó khăn. Bảng được thiết kế kẻ từng ô vuông chủ yếu cho học sinh tiểu học tập viết nên khi giáo viên muốn truyền đạt kiến thức cho học sinh cũng bị hạn chế nhiều.
Qua tìm hiểu được biết, học sinh THCS đang ở độ tuổi phát triển toàn diện; trong khi đó, ở địa bàn xã Quảng Sơn, học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số đông, rất nhiều em đi học trễ nên thể chất phát triển lớn. Việc bàn ghế không đúng kích cỡ không những làm ảnh hưởng tới việc học tập mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như thể trạng của học sinh.
Chị Đinh Thị Hương, có con đang học lớp 6 tại trường THCS Hoàng Văn Thụ lo lắng, việc để học sinh cấp 2 phải ngồi bàn của học sinh cấp 1 lâu dài sẽ làm ảnh hưởng tới xương sống cũng như mắt của trẻ. Hơn nữa, tại điểm trường này, không gian vui chơi của các em học sinh cũng không được đảm bảo. Trường nằm giữa rừng thông thường xuyên gãy đổ rất nguy hiểm cho các em học sinh.
Trao đổi về vấn đề này, thầy Lê Xuân Hùng, Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết, trường mới được tách ra từ trường THPT Lê Duẩn hơn một năm nay và hiện đang có có 957 học sinh. Khi tách trường, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy gần như không có, phải đi mượn các trường khác, doanh nghiệp trên địa bàn từ cái trống trường tới bàn ghế học sinh.
“Để học sinh có chỗ học tạm thời, hiện chúng tôi đang mượn của Trường tiểu học Quảng Sơn tám phòng học và sáu phòng học của Trường THPT Lê Duẩn. Việc học của các em cũng phải sắp xếp cho phù hợp với số phòng, buổi sáng khối 6-8 và buổi chiều là khối 7-9, không có chỗ để học thêm”, thầy Hùng cho biết.
Cũng theo thầy Hùng, không chỉ riêng học sinh phải học ké mà ngay cả phòng làm việc của ban giám hiệu nhà trường cũng chưa có, đang phải mượn của Trường THPT Lê Duẩn.
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk GLong cho biết, năm 2012 do học sinh còn ít nên Trường THCS Hoàng Văn Thụ được sáp nhập với Trường THPT Lê Duẩn. Tháng 6/2015, lượng học sinh tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải, Trường THPT Lê Duẩn không đáp ứng nổi nên Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông đã có quyết định tách hai trường này ra để quản lý và thuận tiện trong việc dạy học.
Được biết, tình trạng học sinh thiếu lớp học đang là thực trạng chung của nhiều trường trên toàn huyện Đắk Glong, không phải riêng ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ. Về nguyên nhân khiến tình trạng học sinh quá tải, ông Tuấn cho rằng do lượng người di cư đến huyện ngày một đông kéo theo số lượng học sinh tăng nhanh nên việc xây dựng trường học chưa đáp ứng kịp. Năm 2005, toàn huyện có 13 trường học thì đến nay đã lên tới 40 trường.
Về hướng giải quyết thực trạng này, ông Tuấn cho biết, sắp tới khi có đủ kinh phí, phòng Giáo dục huyện dự định sẽ xây thêm tám phòng học ở Trường THCS Hoàng Văn Thụ và tiến hành chuyển đổi hai trường này cho nhau để học sinh có chỗ học tập ổn định.
Gần 1.000 học sinh và các giáo viên đang công tác tại đây vẫn ngày ngày mong có điểm trường hoàn thiện, đảm bảo các tiêu chuẩn tối thiểu theo đúng bậc học. Họ cần lắm câu trả lời cụ thể của các cơ quan chức năng tại địa phương.
Đức Cường