Đừng tưởng đề Văn cũ và dễ
(Dân trí) - Một số nhận định ban đầu đề Văn kỳ thi THPT Quốc gia thiếu sự mới mẻ, cũ và dễ nhưng nhiều giáo viên cho rằng đánh giá như vậy là chưa toàn diện. Có những năm, đề được đánh giá là dễ và rồi hàng loạt thí sinh dính điểm liệt.
Sau môn thi đầu tiên của kỳ thi, khi nhìn vào đề Văn đã có không ít ý kiến cho rằng đề văn dễ và cũ, thiếu sự đổi mới. Tuy nhiên, phân tích kỹ, nhiều giáo viên dạy Văn đánh giá đề Văn hay và bắt kịp nhịp với đời sống.
ThS Huỳnh Văn Thế, giáo viên Văn, Trường THPT Mang Thít, Vĩnh Long chia sẻ, năm nào cũng có người cho rằng đề Văn dễ, có năm nhiều người còn buông tiếng thở dài “dễ quá” thì năm đó có gần 1.000 học sinh bị điểm liệt. Rồi cũng rất nhiều người cho rằng đề không mới gây áp lực cho Bộ, cho người ra đề cứ phải thay đổi sẽ làm khổ giáo viên, học sinh.
"Đề cũ, đề dễ, chúng ta thử ngồi làm xem chưa chắc nổi 6 điểm chứ khoan nói đến học sinh. Đề thi cho hơn 860 ngàn học sinh chứ không phải chỉ cho một số người" - ông Thế nhấn mạnh.
Theo thầy Thế, đánh giá đề Văn phải có cái nhìn toàn diện, không thể nói "cho sướng miệng”, nói cho có cái để nói. Đề năm nay không khó nhưng để đạt điểm cao không dễ. Đánh giá đề thi, phải so với năm rồi, phải tính xem từ 3 đề mà Bộ đã gợi ý.
Thứ nhất: đề đã ra đúng theo định hướng đổi mới thời gian, rèn luyện kĩ năng viết, phát triển năng lực đọc hiểu, tư duy, cảm thụ văn bản như 3 đề mà Bộ đã gợi ý trong năm học 2016-2017.
Thứ hai: đề mang tính phân loại của hai kì thi, có những câu dễ, có những câu khó. Trong câu khó có phần dễ và có phần khó. Đảm bảo học sinh trung bình đỗ tốt nghiệp, học sinh giỏi sẽ đạt điểm khá giỏi để xét ĐH.
Thứ ba: Đề thi đã tính đến việc đổi mới phương pháp dạy và học của thầy trò, không bắt thuộc lòng, không nhồi nhét kiến thức, học sinh phải hiểu, cần có kĩ năng đọc hiểu, làm văn.
Thứ tư: Câu hỏi 2 là loại câu hỏi nhận biết, câu 1 muốn xác định đúng phương thức biểu đạt, học sinh cũng phải hiểu vấn đề bàn bạc, nghị luận. Câu 3, đòi hỏi học sinh phải biết nhận xét đánh giá về hành vi.
Câu 4, học sinh phải biết đưa ra ý kiến của bản thân về sự hiểu người, thương người, bản chất của trắc ẩn là thương người không vụ lợi, thâm chí thương người không giống mình. Để đạt toàn bộ số điểm câu số 4 là khó.
Về làm văn, câu NLXH, học sinh có thể dễ giải thích thấu cảm là gì, biểu hiện thấu cảm trong cuộc sống, nhưng điều quan trọng là những tác động/ý nghĩa của thấu cảm. Điều quan trọng của mỗi đề NLXH là bài học nhận thức và hành động của bản thân.
Mà phần này, đôi khi học sinh chỉ nêu khẩu hiệu suôn mang tính tuyên truyền chứ ít nhận thấy bài học cho mình. Có thể đây sẽ là chỗ học sinh khó đạt điểm tối đa.
Câu NLVH, đề hướng đến việc rèn kĩ năng đọc hiểu và cảm thụ (không hướng đến thuộc lòng, nhồi nhét) nên cho văn bản. Nhiều người cho là không mới, không lẽ cứ nhận định này nhận định khác mới là mới.
Cái mới của đề này nằm ở câu lệnh bên dưới: Cảm và bình. Cảm nhận đòi hỏi, ngoài cái phân tích câu chữ, còn là những rung động, cảm xúc của bản thân. Học sinh thường chỉ bám vào được văn bản để phân tích. Học sinh khá giỏi mới có thể hướng đến sự rung cảm của bản thân, nó đòi hỏi dấu ấn cá nhân.
Đề còn yêu cầu bình luận về quan niệm của Nguyễn Khoa Điềm, có thể nhiều học sinh nghĩ đây là đoạn NLXH, đoạn này đòi hỏi học sinh phải có suy nghĩ khái quát, đánh giá vấn đề quan niệm, tư tưởng của NKD trong đoạn thơ. Từ tư tưởng quan niệm ấy tác giả có cách diễn đạt, thể hiện giọng điệu thơ mang đậm dấu ấn cá nhân. Nói được đến đây cũng đòi hỏi học sinh biết khái quát vấn đề.
“Theo tôi,đề đúng định hướng đổi mới, phát triển kĩ năng, năng lực người học, đổi mới phương pháp ở người dạy… mang tính phân loại định hướng xét tuyển 2 kì thi chung”, thầy Thế nhận xét.
Đánh giá về đề thi môn Ngữ Văn năm nay, cô Hạnh Nguyên, giáo viên dạy Văn trường THPT Trưng Vương, TPHCM cho rằng đề năm nay hay, gần gũi, thiết thực, có ý nghĩa nhân văn rất cao.
Bên cạnh đó, đề có tính phân loại cao đáp ứng được yêu cầu vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào CĐ, ĐH. Đặc biệt ở phần nghị luận xã hội có ý nghĩa với giới trẻ hiện nay, học sinh rất dễ lấy dẫn chứng từ đời sống.
"Nghị luận văn học là một lợi thế cho học sinh trung bình bởi đề đã trích văn bản luôn cho nên học sinh có kiến thức cơ bản có thể làm tốt một phần của đề. Riêng bình luận về quan điểm đất nước của bài thơ thì học sinh khá giỏi sẽ phân hóa rất rõ phần này"- cô Hạnh Nguyên cho hay.
Một điều cực đáng quan tâm trong đề thi, theo cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên Văn, Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM đoạn trích trong phần đọc hiểu trích từ nội dung cuốn sách "Thiện, Ác và smartphone" - một cuốn sách mới ra mắt đầu năm 2017. Đây là cuốn sách cô Ngọc đã giới thiệu cho học sinh đọc, mua tặng mọi người.
Cô Ngọc đánh giá đề rất cập nhật và chia sẻ hy vọng từ đề thi này, người dạy và người học ngày sẽ càng lưu tâm nhiều hơn đến những cuốn sách bàn luận về các vấn đề cuộc sống có chiều sâu. Bởi đọc cũng là một cách học Văn hiệu quả và thiết thực nhất.
Hoài Nam