Đừng cảm nhận sai về tác phẩm văn học

(Dân trí) - Trước thông tin cho rằng đề thi, đáp án môn Văn tuyển sinh ĐH và tốt nghiệp THPT có dấu hiệu bất ổn như nội dung câu hỏi thiếu chính xác, đáp án không phù hợp, đề thi không bao quát chương trình… ông Trần Bá Giao, Phó Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, nguyên giáo viên Văn trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định đã có cuộc trao đổi với Dân trí:

Ông đánh giá như thế nào khi dư luận cho rằng nội dung câu hỏi trong đề thi môn Văn năm nay thiếu chính xác? Cụ thể ở đây là trong đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua, câu 2 của đề II (Giải thích ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành).  

Tôi có đọc ý kiến của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, theo lập luận của PGS Thống: Có 2 loại nhan đề của tác phẩm - Loại thứ nhất “nhan đề rất quan trọng”; Loại thứ hai “nhan đề không gợi lên điều gì cả”...  không cần phân tích giải mã gì cả. Nhan đề Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành thuộc loại thứ hai.

Ngay sau đó PGS.TS Thống nhấn mạnh: “Cần nói rõ là sau khi đọc xong tác phẩm này, người đọc mới thấy hình tượng hoặc hình ảnh cây/rừng xà nu trong tác phẩm rất có ý nghĩa”.

Rõ ràng có mâu thuẫn trong sự phê phán của PGS.TS Thống. Một mặt, PGS.TS Thống xếp nhan đề “Rừng xà nu” thuộc loại “không gợi lên điều gì cả”, mặt khác ông lại thừa nhận “hình tượng hoặc hình ảnh cây/rừng xà nu trong tác phẩm rất có ý nghĩa”.

Theo tôi, trong quá trình cảm thụ, thẩm bình văn chương, bao giờ cũng phải đọc toàn bộ tác phẩm mới có thể thấy hết được ý đồ tác giả. Việc Nguyễn Trung Thành đặt tên cho tác phẩm của mình là “Rừng xà nu” không phải chỉ là một cách đặt tên “không gợi lên điều gì cả” như một số ai đó nghĩ.

Dụng ý của nhà văn Nguyễn Trung Thành là muốn dùng hình tượng “Rừng xà nu” để chỉ về các dân tộc Tây Nguyên anh dũng, kiên cường có sức sống mãnh liệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Vì vậy câu hỏi trong đề ra đâu có sai, đâu có thiếu chuẩn xác? Tôi xin nhấn mạnh rằng: tên truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành là có ý nghĩa; để giải thích ý  nghĩa nhan đề tác phẩm cần phải đọc và hiểu tác phẩm. 

 

Cũng trong kì thi tuyển sinh ĐH vừa qua, có ý kiến cho rằng câu số 2 đề thi ĐH khối D ra một đằng nhưng đáp án của Bộ GD-ĐT lại công bố một nẻo, cá nhân ông nhận định vấn đề này như thế nào?

 

Theo tôi thì đề ra, đáp án - thang điểm môn văn khối D là phù hợp với nhau. Chúng ta cần phải đọc kỹ đề và đáp án rồi hãy phê phán.

 

Đề ra yêu cầu: “Phân tích bài thơ Tràng Giang của Huy Cận để làm nổi bật vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại”.

 

Hướng dẫn chấm thi nêu rõ: “Câu này nhằm đánh giá kiến thức và kỹ năng cảm thụ, phân tích thơ của thí sinh. Thí sinh có thể làm theo hai cách: một là phân tích bài thơ sau đó rút ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại của bài thơ Tràng Giang; hai là triển khai phân tích theo hai phương diện vẻ đẹp cổ điển và vẻ đẹp hiện đại. Cách nào cũng chấp nhận được, miễn là đảm bảo các ý theo yêu cầu và tính hợp lý trong bố cục bài làm. Phân tích có định hướng (làm nổi bập vẻ đẹp cổ điển và hiện đại) là yêu cầu cơ bản, thí sinh phải tránh lan man, xa đề”.

 

Rõ ràng hướng dẫn chấm thi do Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành là chuẩn xác. Hai cách mà hướng dẫn chấm thi nêu ra phù hợp với yêu cầu của đề, phù hợp với yêu cầu về nội dung kiến thức, phù hợp với yêu cầu về kỹ năng cảm thụ, phân tích thơ.

 

Có ý kiến cho rằng câu số 2 đề thi môn Văn khối D thì người viết không cần phân tích toàn bộ bài thơ mà chỉ “nhặt ra” những gì liên quan và làm sáng tỏ cho vấn đề, theo ông thì cách làm này có đúng không?

 

Xin được nhấn mạnh rằng “vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại” được ẩn chứa trong toàn bộ bài thơ, do đó phải phân tích toàn bộ bài thơ mới nêu bật được vẻ đẹp vừa cổ điển vừa hiện đại của bài thơ Tràng Giang.

 

Tôi cũng không đồng tình việc có một số người tán thành với 1 em học sinh khi đưa ra ý kiến: “Nghĩa là có hai cách làm: Cách 1, phân tích từng khổ theo trình tự và làm đến đâu chỉ ra vẻ đẹp cổ điển và hiện đại ngay chỗ đó; Cách 2, nêu ra 2 luận điểm riêng về vẻ đẹp cổ điển và hiện đại rồi dựng ý trong bài thơ để chứng minh là cách làm hỏng kỹ năng cảm thụ phân tích thơ”.

 

Rõ ràng ở đây học sinh này đã nhầm lẫn và chuyển từ “phân tích” sang “chứng minh”. Chính sự nhầm lẫn giữa “phân tích”“chứng minh” mà một số học sinh cảm thụ thơ không biết cách cảm thụ thơ đưa ra những ý kiến không từ chính bài thơ để bình bài thơ đó, không toát được giá trị nội dung gắn liền với giá trị nghệ thuật của bài.

 

Một số người nhận xét đề thi không bao quát và đáp ứng được yêu cầu toàn diện của chương trình, theo ông thì điều này có đúng hay không?

 

Theo tôi thì đây là một nhận xét võ đoán. Bởi vì, thực tế các giáo viên dạy văn trong giai đoạn hiện nay đang cần tập trung vào yêu cầu trước mắt là nâng cao chất lượng dạy văn, trong đó có yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới đánh giá, thi cử. Trong khi đó, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học dược đặt lên hàng đầu; đổi mới đánh giá, thi cử là vấn đề cần thiết nhưng việc đổi mới đánh giá, thi cử phải dựa trên nền tảng là đổi mới  về chương trình giáo khoa, phương pháp dạy học.

 

Sự nóng vội, thái quá trong việc thay đổi đánh giá, cách ra đề thi rất dễ dẫn đến những hậu quả phức tạp liên quan đến đông đảo học sinh.

 

Tôi cũng đồng tình với ý kiến của một ai đó là “cần đưa một phần nghị luận xã hội vào đề thi”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cách đưa thế nào để đảm bảo đó là một đề thi văn chứ không phải là một đề thi giáo dục công dân!

 

Theo ông thì có cần một đề án đổi mới ra đề thi môn Văn hay không? Nếu có thì phải có những bước đi cụ thể như thế nào?

 

Đề án đổi mới cách ra đề thi môn văn là điều nên làm. Có lẽ Viện Chiến lược và chương trình giáo dục cần tham gia chủ trì nghiên cứu xây dựng đề án này.

 

Theo tôi, trong đề án nên có sự phân tích về kỹ năng của học sinh làm văn hiện nay. Thực trạng dạy văn trong các trường phổ thông. Yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp dạy văn, phương pháp học văn. Có lộ trình đổi mới trong khoảng thời gian 3 năm.

 

Đồng thời cũng cần tổ chức phân tích đánh giá về cách đổi mới ra đề thi môn văn ở một số nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... từ đó rút ra bài học kinh nghiệm về cách ra đề thi môn văn. Dư luận mấy năm vừa qua đánh giá rất cao sự đổi mới trong cách ra đề thi môn văn của Trung Quốc.

 

Chúng ta nên tiến hành đổi mới ra đề thi môn văn ở kỳ học sinh giỏi trước, rồi đổi mới ở các kỳ thi khác.

 

Nên chăng có một chương trình bồi dưỡng về phương pháp kỹ năng ra đề thi, kiểm tra cho các giáo viên gắn với chương trình bồi dưỡng giáo viên theo chu kỳ bồi dưỡng thường xuyên.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Nguyễn Hùng
(Thực hiện)