Đừng bắt con “chở” ước mơ của bố mẹ!

Đọc thông tin một nam sinh lớp 10 Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (TP HCM) nhảy lầu tự tử, tôi đã khóc. Tôi khóc vì liên tưởng đến nỗi ám ảnh và áp lực của con gái tôi khi học lớp 12 tại Trường THPT Nguyễn Huệ (Vũng Tàu) 2 năm trước.

Sáng đó, như thường lệ, 6 giờ, tôi gọi con dậy đi học. Không thấy con trả lời, tôi gọi lần 2 rồi lần 3 với "cường độ" gắt hơn. Từ trong phòng, con gái tôi nói vọng ra: "Bố không biết đâu, đêm qua con học đến hơn 2 giờ sáng". Tự dưng nước mắt tôi trào ra. Con gái chỉ mới được ngủ chưa đến 4 tiếng, vậy mà suýt nữa tôi mắng oan con.

Trở lại chuyện nam sinh lớp 10 Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, tôi thật sự thấy xót xa. Cậu bé không phải "tự dưng" tự tử, mà đã bị áp lực quá lớn từ gia đình, từ môn học và từ trường học. Cả ngày chỉ biết học và… học. Ngày học, tối học và dứt khoát, học chưa thuộc bài chưa thể rời lớp. Phải luôn cố gắng sao để không bị trách phạt, có điểm số tốt hơn để được học lớp đầu khối, không phụ sự kỳ vọng của gia đình. Với một cậu bé 16 tuổi, đó là một gánh nặng quá sức.

Tâm lý phụ huynh ai cũng muốn con học giỏi, chăm ngoan, điểm cao nên "ép" con phải học thêm, học nhiều thầy cô để "theo kịp kiến thức" mà không hiểu rằng chính bản thân họ đang gây áp lực lớn đối với con. Có những bà mẹ mắng con: "Học cho con chứ học cho ai?" nhưng thực ra họ đang ép con học để thỏa mãn ước mơ của bản thân. Có những ông bố ra điều kiện: "Nếu con được vào trường chuyên, muốn cái gì bố cũng cho" mà không hiểu rằng ước mơ lớn nhất tuổi học trò của con là học hành hồn nhiên như quy luật tự nhiên của nó.

Không ít ông bố, bà mẹ chứng kiến cảnh con mình gục đầu ngay trên chồng sách vở thiếp đi, hay chứng kiến sáng ra con đờ đẫn vì cả đêm thức trắng hoặc giật mình hoảng sợ trong giấc ngủ... nhưng thay vì chia sẻ với con, thì bố mẹ lại tỏ ra hài lòng, ngộ nhận rằng con "tự giác, chăm học"; tự hào, hãnh diện khoe với đồng nghiệp, hàng xóm "con tôi chăm học lắm".

Thực tế hiện nay, nền giáo dục đang chạy đua thành tích, quá đề cao điểm nên đã gây áp lực quá lớn cho HS. Áp lực "đổ" lên đầu HS không chỉ từ bài học quá nhiều, từ thầy cô yêu cầu quá cao, mà ngay cả gia đình cũng đòi hỏi, kỳ vọng ngoài sức học thực tế của con, em mình.

Tương lai của HS dẫu được nuôi dưỡng, định hướng từ người lớn nhưng thành công đến đâu, hạnh phúc thế nào thì chính các em mới là người quyết định. Đừng bắt con "chở" ước mơ của bố mẹ nữa!

Theo Mai Thắng

Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm